Hiệu quả đào tạo nghề ở Mỹ Đức

Kim Nhuệ| 31/03/2023 07:34

(HNM) - Hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Đức đã tổ chức được gần 400 lớp đào tạo nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động... Nhờ vậy, thu nhập và đời sống của người dân Mỹ Đức ngày càng nâng cao.

Người dân xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) có công việc và thu nhập ổn định sau khi được đào tạo nghề.

Trở lại An Phú những ngày này, khó nhận ra dấu tích của xã nghèo nhất huyện Mỹ Đức. Ở An Phú, giờ đây nhiều tuyến giao thông được bê tông hóa, rộng rãi, sạch sẽ thay thế những con đường đất đỏ, nhỏ hẹp, lầy bụi; nhiều ngôi nhà kiên cố, cao tầng thay những căn nhà tạm, lụp xụp...

Ông Đặng Văn Cùng, người dân thôn Đồng Chiêm (xã An Phú) chia sẻ, trước đây, địa phương nghèo là bởi cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vừa yếu, vừa thiếu, nông dân thiếu việc làm, thu nhập phụ thuộc vào trồng lúa, lấy củi rừng, đánh bắt tôm cá trên sông, suối... Giờ đây, 30-40 hộ dân của thôn Đồng Chiêm đã thoát nghèo vì có nghề mây, giang đan xuất khẩu, thu nhập từ 70.000 đến 200.000 đồng/người/ngày.

“Nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ học miễn phí nghề mây, giang đan xuất khẩu, vợ chồng tôi mỗi tháng thu nhập được 3-4 triệu đồng, đủ chi tiêu sinh hoạt, không còn phụ thuộc vào con cái...”, bà Phạm Thị Heo (70 tuổi), người dân thôn Đồng Chiêm phấn khởi.

Tương tự xã An Phú, nông dân nhiều xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức, như: Hợp Tiến, Hợp Thanh, Vạn Kim, Bột Xuyên... từng bươn chải tìm kiếm việc làm tại trung tâm thành phố, thì nay đã có thu nhập ổn định từ nghề mới ngay trên quê hương của mình.

“Học xong trung học phổ thông, tôi định lên trung tâm thành phố tìm việc làm. Song, được Nhà nước miễn phí dạy nghề và giới thiệu việc làm, tôi quyết định ở lại làm việc cho một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng...”, chị Nguyễn Thị Linh, ở thôn Phúc Khê (xã Bột Xuyên) cho hay.

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức Nguyễn Quang Đường, xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm là “chìa khóa” thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, huyện đã rà soát nhu cầu ngành, nghề đào tạo của lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hằng năm và theo từng giai đoạn; phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động sau khi học nghề... Kết quả từ năm 2010 đến nay, huyện Mỹ Đức đã tổ chức được 373 lớp đào tạo nghề cho 12.832 lượt lao động với các ngành nghề: May thêu, trồng trọt, mây, giang đan, sửa chữa đồ gia dụng... Số lao động có việc làm sau khi học nghề là 11.228 người.

Tính đến hết năm 2022, toàn huyện có 83,09% số người từ đủ 15 tuổi trở lên đang có việc làm, tăng 52,91% so với năm 2010; số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 39,38%, tăng 16,88% so với năm 2010. Cùng với việc đào tạo nghề, huyện Mỹ Đức tăng cường kết nối với các doanh nghiệp tuyển dụng 16.544 lao động; du học và xuất khẩu lao động 775 người... Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97,3%, tăng 8,4% so với năm 2010. Nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đến nay, 21 xã của huyện Mỹ Đức đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân năm 2022 đạt 58 triệu đồng/người/năm (tăng 47,7 triệu đồng so với năm 2010).

Với tỷ lệ lao động được đào tạo và giải quyết việc làm khá cao, huyện Mỹ Đức đã nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; đồng thời, khai thác có hiệu quả tiềm năng về lao động, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kết quả ấy cũng đã góp phần đáng kể trong việc giữ ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc học nghề. Cùng với đó, huyện tiếp tục rà soát nhu cầu của người dân để đào tạo nghề theo nhu cầu; chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, xã hội hóa công tác đào tạo nghề; tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề...

Từ thực tiễn và giải pháp nêu trên, Mỹ Đức đang tạo ra điểm nhấn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững hơn trong giai đoạn tới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả đào tạo nghề ở Mỹ Đức