Đền Ngọc Sơn - “bảo tàng” văn tự Hán Nôm

Lam Điền| 26/01/2020 07:17

(HNMCT) - Khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (năm 1010) đã đặt tên cho ngôi chùa trên gò đất bên hồ Lục Thủy (tên cũ của hồ Hoàn Kiếm) là chùa Ngọc Tượng. Sau mấy trăm năm, chùa bị sụp đổ. Đến thời vua Lê Ý Tông (1735 - 1740), chúa Trịnh Giang cho dựng cung Thụy Khánh, đắp hai quả núi đất ở bờ phía Đông, đối diện với gò Ngọc Tượng, gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội. Về sau, cung Thụy Khánh bị vua Lê Chiêu Thống (1786 - 1789) phá hủy. Đầu thế kỷ XIX, nhà từ thiện Tín Trai kêu gọi quyên góp, dựng chùa Ngọc Sơn trên nền cung Thụy Khánh cũ. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), một hội từ thiện khác phá bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, thêm các dãy phòng hai bên, đổi tên là đền Ngọc Sơn.

Đền Ngọc Sơn ngày nay cơ bản vẫn giữ nguyên kiểu dáng, quy mô kiến trúc như khi Phương Đình Nguyễn Văn Siêu tiến hành trùng tu, xây mới một số hạng mục vào năm 1865. Qua cổng thứ nhất, bên trái có Tháp Bút trên núi Ngọc Bội. Tháp vuông bằng đá, có 5 tầng, cao 9m, trên thân đắp nổi 3 chữ Hán lớn “Tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) tượng trưng cho nền văn hiến dân tộc. Qua cổng thứ hai có lối đi nhỏ dẫn đến Đài Nghiên để lên “Thê Húc kiều” (cầu đậu nắng mai) nối bờ và đảo. Qua cầu, đến “Đắc Nguyệt lâu” (lầu đón trăng). Góc đảo phía Nam là đình Trấn Ba (đình chắn sóng) kiến trúc 2 tầng, 8 mái, ở 4 góc là các cột đá, tiếp đó là khu đền chính với ba lớp kiến trúc (bái đường, trung đường, hậu cung) theo hình chữ “tam”. Ngoài ra còn có các hạng mục khác như tả vu, hữu vu, nhà kính thư, nhà hậu.

Đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương Đế Quân và Đức Thánh Trần Hưng Đạo, ngoài ra còn thờ Phật A-di-đà, Lã Động Tân, Quan Vân Trường. Việc thờ tự thể hiện quan niệm “tam giáo đồng nguyên”, dung hòa Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo.

Ngoài giá trị kiến trúc và tâm linh, đền Ngọc Sơn còn hàng trăm đại tự, hoành phi, câu đối chữ Hán - Nôm vẫn bảo tồn nguyên vẹn. Ở cổng ngoài có các đại tự: “Phúc” (hạnh phúc, niềm vui, điều lành), “Lộc” (thịnh vượng), “Ngọc Sơn từ” (đền Ngọc Sơn)... Đặc sắc nhất là mảng câu đối, không chỉ nhiều về số lượng mà còn mô tả vẻ đẹp của di tích và đúc kết nhiều bài học triết lý. Câu đối ở mặt trước trụ biểu ở lớp cổng thứ nhất: “Lâm thủy đăng sơn, nhất lộ tiệm nhập giai cảnh/ Tầm nguyên phỏng cổ, thử trung vô hạn phong quang” (Ngắm nước trèo non, một đường dần vào cảnh đẹp/ Tìm nguồn thăm cội, trong này sáng rộng vô cùng). Ở mặt trong là câu đối: “Khánh Thụy nhất phong cao, Ngọc Bội trúc kình, truyền thắng tích/ Điếu Đài song miếu trĩ, linh kim diệu đẩu, hộ thần quang” (Một Khánh Thụy vươn cao, Ngọc Bội đạp kình, truyền thắng tích/ Hai Điếu Đài đối diện, gươm ngời sao Đẩu ánh thần quang). Ở hai cột biên là câu đối: “Lập nhân tiêu biểu khai nhân kính/ Độ thế tân lương giác thế quan” (Giúp người cắm mốc mở đường đi/ Cứu đời bắc cầu cho giác ngộ).

Ở khu vực Đài Nghiên bằng đá, trên hai bức tường hai bên (bảng rồng và bảng hổ, ghi tên những người thi đỗ) có đôi câu đối: “Bát đảo mặc ngân hồ thủy mãn/ Kình thiên bút thế thạch phong cao” (Tràn đảo, ngấn mực dâng đầy hồ/ Chạm trời, thế bút vươn ngất núi). Ở Đắc Nguyệt lâu, hai bên cửa sổ cũng có đôi câu đối tả cảnh: “Bất yếm hồ thượng nguyệt/ Uyển tại thủy trung ương” (Ngắm trăng hồ không chán/ Ngự giữa rốn nước đầy). Hai bên cổng là đôi câu đối: “Linh hồ nhược thủy tùy duyên độ/ Trần cảnh tiên châu hữu lộ thông” (Hồ thiêng nước lặng tùy duyên tới/ Cảnh trần tiên giới có lối thông)...

Trên hai cột trụ chính giữa bái đường có đôi câu đối:“Sơn danh bất tại cao, thủy linh bất tại thâm, tự hữu chủ giả/ Thiên trụ lại dĩ tôn, địa duy lại dĩ lập, duy thử hạo nhiên” (Núi nổi tiếng không vì cao, nước thiêng chẳng vì sâu, bởi có tự chủ/ Trời vững nhờ tôn kính, đất bền nhờ tạo lập, do khí bao la). Đặc biệt, trong bái đường có đôi câu đối bằng chữ Nôm duy nhất ca ngợi công lao Đức Thánh Trần Hưng Đạo: “Vũ lược luyện hùng binh Lục Thủy ngàn thu lưu sử Việt/ Văn tài mưu thượng tướng Bạch Đằng một trận thắng quân Nguyên” (Kế võ luyện binh hùng, Lục Thủy ngàn thu lưu sử Việt/ Tài văn mưu thượng tướng, Bạch Đằng một trận thắng quân Nguyên)...

Đền Ngọc Sơn còn một thể loại văn tự chữ Hán đặc sắc nữa là các bài minh. Bài minh trên Tháp Bút do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu viết năm Ất Sửu (1865) nói về việc xây Tháp Bút làm biểu tượng của văn hóa dân tộc. Còn bài minh trên cuốn thư ở lớp cổng thứ ba, cũng do Nguyễn Văn Siêu viết, nói về khối nghiên đá “ngẩng lên ngọn bút đá”, tạo thành cặp biểu tượng sóng đôi rất đẹp.

Đền Ngọc Sơn được xem là điển hình về không gian và kiến trúc, kết hợp với hồ Hoàn Kiếm tạo thành một tổng thể hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Còn hệ thống tư liệu văn tự Hán Nôm dày đặc nằm trên các hạng mục đền thể hiện rất rõ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: Yêu thiên nhiên, yêu con người, tự tôn dân tộc, yêu chuộng hòa bình, đề cao đạo lý, hiếu học... Tất cả tạo nên sức hút của quần thể di tích quốc gia đặc biệt, một biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để phát triển du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Ngọc Sơn - “bảo tàng” văn tự Hán Nôm