Đông Anh phát huy thế mạnh từng làng nghề

Đỗ Minh| 09/09/2022 07:23

(HNM) - Là một trong những địa phương có thế mạnh về làng nghề, những năm qua, huyện Đông Anh đẩy mạnh quảng bá, phát triển sản phẩm làng nghề thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đều mang tính tiêu biểu, thế mạnh của mỗi làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Các sản phẩm đồ gỗ xã Vân Hà (huyện Đông Anh) được xếp hạng 3 sao, 4 sao của Chương trình OCOP.

Xã Vân Hà của huyện Đông Anh vốn nổi tiếng với nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Hảo cho biết, toàn xã hiện có 5 thôn với gần 2.600 hộ dân, trong đó, 80% hộ dân làm nghề thủ công mỹ nghệ. Giá trị sản xuất hằng năm về đồ thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 70% trong tổng thu nhập của toàn xã. Đến nay, Vân Hà đã hình thành được mạng lưới phân phối ổn định cho sản phẩm với khoảng 20 công ty TNHH chuyên buôn bán, chế biến mặt hàng đồ gỗ, trong đó có nhiều công ty chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ trong nước và xuất khẩu. Một số sản phẩm đồ gỗ Vân Hà đã được xếp hạng 3 sao, 4 sao trong Chương trình OCOP.

Ông Đỗ Văn Cường, ở xã Vân Hà cho biết, gia đình ông có sản phẩm gỗ được xếp hạng 3 sao. Sau khi được cấp chứng nhận sao, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, chủ thể cũng được hỗ trợ từ chính quyền địa phương để phát triển sản phẩm.

Không riêng gỗ Vân Hà, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống của Đông Anh đã hình thành các kênh phân phối, quảng bá từ khi tham gia và được xếp hạng OCOP.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, đến nay, toàn huyện có 146 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp, trong đó có 1 sản phẩm đánh giá tiềm năng 5 sao. Riêng nhóm ngành thủ công mỹ nghệ có 34 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 3 sao. Đã có 38 chủ thể có sản phẩm được xếp hạng sao, trong đó có 16 chủ thể là hợp tác xã, 11 chủ thể là hộ kinh doanh, 11 chủ thể là doanh nghiệp.

Có thể thấy, qua 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương. Chương trình khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy lợi thế từ các làng nghề truyền thống.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, để tiếp tục phát huy lợi thế từ chương trình, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế làng nghề, kinh tế gia đình, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP; hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; mở rộng hợp tác sản xuất; thúc đẩy phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.

Theo đó, huyện Đông Anh tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; huy động các nguồn lực để triển khai đề án và kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó, huyện tăng cường hỗ trợ, nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và được công nhận sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh rà soát, phát hiện sản phẩm, ý tưởng sản phẩm mới gắn với phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn. Năm 2022, Đông Anh tiếp tục phát triển, hoàn thiện, tổ chức đánh giá, phân hạng, nâng cấp ít nhất 40 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh phát huy thế mạnh từng làng nghề