Hà Nội văn

Giếng nước ngày xa

Nhất Mạt Hương 19/08/2023 - 06:18

Mỗi khi đi đâu đó mà vô tình bắt gặp một cái giếng, tôi đều thấy thú vị, rưng rưng như gặp lại cố nhân. Ngày còn bé, nhà tôi cũng có một cái giếng. Thực ra, có nhà nào trong làng ngày ấy lại không có giếng. Thế mà dần dà, những cái giếng biến đi đâu mất. Để tôi tìm đỏ mắt.

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà.

Giếng nhà tôi là giếng đất, được đào từ lúc ông bà cho bố mẹ ra ở riêng. Khi tôi lớn lên, cái giếng đã thấm trải đủ nắng mưa mà đổi màu sang nâu sẫm. Thành giếng bên ngoài nhẵn nhụi, bên trong lô nhô vết gạch và những ngấn nước đọng thành hàng qua bao năm tháng.

Bố sắm một cái gàu nhỏ để anh em tôi có thể kéo nước. Cái gàu nhỏ mà phải cố hết sức tôi mới kéo lên nổi, mà khi đến miệng giếng, nước có khi chỉ còn phân nửa. Chung mạch với cái ao ngoài cổng nên nước giếng nhà tôi không được trong, phải mang lọc mới ăn uống được.

Một cái bể con bên dưới, một cái vại ở trên, đổ lần lượt than hoa, cát, sỏi... đến lưng lửng, nước thấm dần rồi lọc tạp chất để chảy xuống thứ nước trong trẻo, ngọt lành. Nhưng cứ sau một thời gian, khi lớp cát vàng lắng dày cặn thì nước chảy rất chậm. Nhiều khi ngồi đợi dòng nước tí tách chui qua cái vòi tí tẹo mà sốt ruột. Tôi đã từng ao ước suốt ấu thơ, là có ông bụt hiện lên bên bờ giếng như trong câu chuyện "Tấm Cám"; không phải để bày chọn xương cá lấy quần áo đẹp mà là để kéo nước vào vại lọc giúp tôi.

Những ngày tháng Sáu, tháng Bảy đúng đợt giỗ ông bà nội tôi, mưa nhiều, nước ao tràn lên cả ngõ và cái giếng nhà tôi cũng dâng cao; cầm gáo có thể vục xuống múc. Mẹ sợ trẻ con nghịch ngợm bày trò múc nước khéo lộn cổ nên phải lấy cái nia ra che miệng giếng.

Nhìn cái nia, tôi lại nhớ đến câu chuyện hoang đường của đám trẻ trong làng. Chúng truyền tai nhau rằng, sắp tới sẽ có một cơn mưa tro bụi rắc xuống mặt đất, nhà nào nhà nấy phải che chắn giếng, bể..., nếu không nước dính phải thì ăn vào sẽ gặp họa. Tôi đã lo sợ biết bao nhiêu, ngỏ ý với bố mẹ việc che đậy nhưng chỉ thấy nụ cười xòa. Mẹ chỉ mang nia ra đậy miệng giếng chứ tuyệt nhiên không dao động bởi những lời đồn thổi kia.

Tôi quên dần câu chuyện cùng nỗi sợ mơ hồ ấy để chiều chiều thơ thẩn bên bờ giếng cùng lũ trẻ trong xóm nhặt hoa mướp rụng chơi đồ hàng. Đôi đốm vàng lơ đễnh đậu trong lòng giếng, nổi bập bềnh trên mặt nước như những đốm nắng cuối ngày rực rỡ. Bên trên, gió xao xác đùa cùng lá, ràn rạt khúc nhạc đắm say. Tôi tưởng lạc bên bờ cổ tích, xa xăm mà gần gụi.

Khi chiều muộn, chúng tôi tập trung bên giếng nhà bác cả. Giếng nhà bác cả sâu nhất xóm, nước kéo lên mát rượi; bên cạnh là bể nước mưa được dẫn từ mấy tàu cau mốc thếch nối nhau. Từng gàu nước được dội từ đầu chảy xuống chân, nghe lạnh đến tâm can. Nhưng chỉ lũ con trai đủ dũng cảm và hào hứng với trò đó, lũ con gái chỉ dám vầy nước trong mấy cái chậu đã được đổ đầy, bọt tung trắng xóa. Xong lại uống từng ngụm nước mưa ngọt lịm, ngọt hơn mọi thứ nước trên đời. Cái giếng nhà bác cả không bao giờ cạn nước. Hơi nước mát từ những tháng năm xưa cũ còn tỏa đến hôm nay, dịu dàng, thanh thản.

Sau này nhà nhà xây bể, lắp bồn, dùng nước sạch; những cái giếng cứ thưa dần. Lúc nhìn bãi gạch phẳng phiu bố lấp lên miệng giếng cũ, tôi tưởng một phần ấu thơ đang bị lấp đi cùng những giọt nước mát trong ngày nắng lửa. Vài bông hoa mướp cuối mùa khe khẽ rụng, va vào nền gạch khô khốc, lăn hoài trong bóng nắng buồn tênh.

Nếu có ông bụt bất ngờ xuất hiện, tôi chỉ ước thêm một lần được soi mình trong làn nước trong veo, nhìn lại bầu trời trong đáy mắt giữa vòm mây thành giếng cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giếng nước ngày xa