Để hỗ trợ phụ nữ Thủ đô phát triển nghề truyền thống, trong 3 năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã phối hợp bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho 1.870 lao động nữ làng nghề. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp”, các cấp Hội còn giúp đỡ 153.084 phụ nữ vay vốn với tổng số tiền 7.605 tỷ đồng để phát triển kinh tế, trong đó có 38.250 phụ nữ tại các làng nghề. Các hoạt động của tổ chức Hội đã góp phần giúp phụ nữ ở các làng nghề thêm tự tin, làm ra nhiều sản phẩm đặc sắc, tinh tế...
Cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội và các cấp, các ngành thành phố, thì yếu tố quan trọng chính là sự nỗ lực sáng tạo, tự học hỏi, đổi mới sản phẩm của các nữ nghệ nhân làng nghề để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đơn cử, nghệ nhân Tạ Thu Hương (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) đã đưa ra thị trường những mẫu mã nón lá mới để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn phong phú hơn. Trước đây sản phẩm chỉ là nón lá truyền thống, còn giờ đây chị kết hợp nón lá lụa, nón lá sen, nón bộ... Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở việc thay đổi kiểu dáng, chất liệu làm nón, để tạo nên những sản phẩm đặc sắc. Khách du lịch ưa thích sản phẩm đậm chất Việt Nam nhưng cũng thích sự mới lạ, sang trọng”. Doanh thu năm 2022 từ nghề làm nón lá của nghệ nhân Tạ Thu Hương đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nghệ nhân Tạ Thu Hương cũng dạy nghề cho 100 học viên mới.
Hay như nghệ nhân Vũ Như Quỳnh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Vạn An Lộc (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã miệt mài nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo, đặc biệt là gốm phong thủy, tâm linh, đưa gốm truyền thống đi vào đời sống. Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh cho hay, với phương châm phát triển “Chất lượng sản phẩm là số 1, bảo đảm uy tín với khách hàng”, sản phẩm gốm của công ty đã được khách hàng trong nước và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Đặc biệt, sản phẩm gốm sứ tâm linh có thể ví như một tác phẩm nghệ thuật bởi những tạo hình tinh tế, kỹ thuật nung điêu luyện cũng như những nét trang trí tài tình mà vẫn đậm hồn dân tộc Việt.
Không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, đóng góp cho ngân sách nhà nước, các nữ nghệ nhân làng nghề Hà Nội còn nhiệt tình truyền nghề, nhân cấy nghề để tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, tích cực hưởng ứng các hoạt động cộng đồng. Chẳng hạn như nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) đã gây dựng Công ty Tranh thêu Phương Thảo, sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao, tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập ổn định. Theo nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào: “Việc đào tạo được những học viên có tay nghề cao, vừa là cách có thể mở rộng, giữ gìn làng nghề thêu tay truyền thống, vừa góp phần tạo việc làm cho người dân tại các địa phương…”.
Trong khi đó, hằng năm, Công ty Gốm sứ Vạn An Lộc đều mở các lớp dạy nghề miễn phí cho những người đam mê theo nghề gốm. “Những học viên tham gia khóa đào tạo dạy nghề của công ty đều được hỗ trợ tiền học phí, chi phí đi lại và nhiều học viên có tay nghề tốt đã trở thành những nghệ nhân lành nghề”, nghệ nhân Vũ Như Quỳnh cho biết.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, để phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, các hiệp hội làng nghề tại địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của làng nghề; hỗ trợ tiếp cận các chính sách phát triển làng nghề; vận động nữ nghệ nhân, thợ giỏi tham gia truyền nghề, nhân cấy nghề, nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề; đồng thời khuyến khích phụ nữ làng nghề năng động, sáng tạo ra các sản phẩm làng nghề tinh tế, độc đáo, có giá trị kinh tế cao mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống...