Hoài Đức - “Phố trong làng” mướt xanh cây trái

Nguyễn Mai| 14/10/2022 13:54

(NSHN) - Ở các xã vùng ven sông Đáy, với sự hỗ trợ của xã và huyện Hoài Đức, người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất, hình thành những vườn cây trái trù phú, hiệu quả kinh tế rất cao…

Vườn bưởi trĩu quả được canh tác theo quy trình hữu cơ của hộ gia đình bàTrần Thị Dần, ở thôn 8, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức).

Mùa quả chín ven Đáy

Xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) ngày cuối thu, những vườn bưởi trĩu quả rung rinh trong nắng vô cùng đẹp mắt. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Sở Trần Hữu Tâm hào hứng nói:

"Xã đã đạt 13/15 tiêu chí của phường nhưng cây bưởi vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Toàn xã có 65ha bưởi, trong đó có 45ha đang cho thu hoạch quả ổn định. Đặc biệt, những năm qua, khi bưởi nhiều nơi đến mức dư thừa, giá giảm xuống chỉ còn 15 đến 20 nghìn đồng/quả thì người dân Yên Sở vẫn bán bưởi với giá 35 đến 40 nghìn đồng/quả ngay tại vườn mà không lo “đầu ra”. Nguyên nhân do người dân xây dựng được vùng trồng bưởi theo hướng hữu cơ, quy trình sản xuất sạch để cho ra những trái bưởi ngọt, ngon".

Theo lời anh Tâm, người dân Yên Sở trồng nhiều giống bưởi khác nhau, trong đó có giống bưởi đường Hoài Đức quả chín sớm và giống bưởi Diễn chín vào dịp giáp Tết Nguyên đán.

Bà Trần Thị Dần ở thôn 8 xã Yên Sở có vườn bưởi 600m² với khoảng 50 gốc bưởi sai trĩu quả, cho biết: “So với cây ăn quả khác, trồng bưởi khá nhàn. Vườn nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng làm. Đầu năm, sau khi thu hoạch hết bưởi vụ trước thì cắt tỉa cành lá, bón phân lúc này có vất hơn đôi chút; các tháng sau đó, duy trì chăm sóc cây công việc nhẹ nhàng hơn”.

Bà Dần sử dụng bẫy bả sinh học để xua đuổi côn trùng hại bưởi.

Cũng theo bà Dần, toàn bộ vườn bưởi của gia đình được Hợp tác xã hướng dẫn canh tác theo theo hướng hữu cơ. “Để cung cấp đạm tự nhiên cho cây, tôi sử dụng phân gà ủ hoai mục, đậu tương ngâm, cá ngâm; để bổ sung kali thì bón tro bếp; để chống rám và nấm quả thì phun nước vôi; để xua đuổi côn trùng thì sử dụng các loại bẫy bả sinh học, băng phiến... Bưởi ngon nhất là trái có trọng lượng từ 8 lạng đến 1,1kg. Vụ bưởi năm ngoái, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 38 nghìn đồng/quả, cả vườn bán được 90 triệu đồng”- bà Dần hồ hởi cho biết.

Không chỉ ở Yên Sở, đến xã An Thượng cũng dễ dàng bắt gặp những vườn cây trái xum xuê với ổi, mít, bưởi, táo... Đặc biệt, nhiều hộ dân còn năng động trồng các loại trái cây mới mang lại hiệu quả rất cao.

Anh Nguyễn Hữu Hùng ở thôn Thanh Quang, xã An Thượng là người đang sở hữu hàng chục nghìn mét vuông trồng cây ăn quả cho biết: An Thượng là xã ven đô, những năm qua, nhân dân trong xã chuyển dịch cơ cấu lao động sang làm dịch vụ; thanh niên thì đi học và thoát ly nghề nông. Nhìn “bờ xôi, ruộng mật” bỏ hoang thấy rất “xót ruột” nên tôi đã thuê lại ruộng của các hộ dân để trồng cây ăn quả. Một vườn, rồi hai vườn... đến nay, anh Hùng đã sở hữu 4 vườn cây ăn quả, mỗi vườn hàng nghìn mét vuông trồng mít, ổi, táo, bưởi, đặc biệt là nho.

Một năm, cây nho trong vườn của anh Nguyễn Hữu Hùng, xã An Thượng (huyện Hoài Đức) ra quả 2 vụ.
Ảnh: Vườn nho sữa đang cho quả vụ thứ 2 trong năm 2022.

Nói về cây nho, anh Hùng cho biết đang trồng 2 giống nho hạ đen và nho sữa. “Tôi bắt đầu trồng nho hạ đen năm 2020 trên diện tích 3.600m² ở cánh đồng Chân Sa. Khu vực này trước đó người dân bỏ ruộng hoang rất nhiều. Tôi thuê lại của các hộ với giá 1,5 triệu đồng/sào/năm rồi cải tạo đất, làm nhà kính để trồng. Cây nho sinh trưởng và phát triển tốt, ra quả ngay trong năm đầu tiên”, anh Hùng nói. Vụ hè tháng 6-2002, trên diện tích gần 3.600m², anh Hùng thu hơn 2 tấn, bán 150 nghìn đồng/kg, được hơn 300 triệu đồng. Vườn nho sữa cũng đang ra quả vụ đông, năng suất không cao như vụ hè nhưng cũng khá nhiều quả, chứng tỏ cây nho hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và có tiềm năng phát triển.

Ở vùng ven đô Hoài Đức, những vườn cây ăn quả trĩu cành chẳng khác nào những “miệt vườn” trái cây Nam Bộ, không chỉ cho thu nhập cao mà còn thu hút du khách tham quan, trải nghiệm nghề nông. “Nho sữa trên thị trường Hà Nội chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thời gian tới, tôi tiếp tục nhân rộng vườn nho thay thế các loại cây ăn quả giá trị thấp hơn như đu đủ, ổi, táo… đồng thời, mở cửa đón khách tham quan, chụp ảnh, hái nho khi mùa quả chín”, anh Hùng nói.

Tiếp sức cho nông nghiệp

Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến, nếu như những năm trước đây, Hoài Đức được biết đến với những vùng rau an toàn thì đến nay, huyện còn được biết là vùng cây ăn quả chất lượng cao, sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ như: Bưởi đường Cát Quế, La Tinh; nhãn chín muộn Song Phương, An Thượng; ổi Đài Loan, Thái Lan; táo đại, táo đào vàng Kim Chung, Di Trạch; phật thủ Đắc Sở...

Câu chuyện về chuyển dịch trong cơ cấu cây trồng ở Hoài Đức không chỉ có sự nỗ lực, cố gắng của người dân mà còn có sự hỗ trợ, định hướng của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Bá Trường Yên cho biết: "Trước những năm 2.000, khu Trại Đồng (thôn 8) của xã chỉ trồng lúa nhưng hiệu quả thấp, nước tưới khó khăn. Từ đó, xã đề xuất huyện cho chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả cao hơn. Những năm gần đây, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Sở tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất bưởi hữu cơ. Khu vực trồng bưởi đã được cấp mã số vùng trồng, chất lượng, giá bán sản phẩm cao nên người dân rất phấn khởi. Chúng tôi đã có ý tưởng sẽ phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề và du lịch tâm linh gắn với di tích lịch sử quốc gia - quán Giá và nghề làm bánh gai truyền thống… để nâng cao thu nhập cho người dân"...

Xác định phát triển đô thị trong tương lai nhưng các xã còn diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn, rất cần tái cơ cấu để tận dụng lợi thế đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, huyện tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã có chứng nhận nhãn hiệu tập thể như: Nhãn chín muộn Hoài Đức, Bưởi đường Quế Dương, Cam đường Canh, Phật thủ Đắc Sở, Rau an toàn Tiền Lệ... Huyện cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được 12 chuỗi liên kết gắn truy xuất nguồn gốc 63 sản phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy nông dân đầu tư sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

Nhấn mạnh vai trò của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại cho rằng, huyện có 9 xã vùng bãi ven Đáy, trong đó có xã Vân Côn nằm hoàn toàn ngoài đê. Khu vực vùng bãi có hơn 1.300ha đất nông nghiệp/tổng số khoảng 4.000ha đất nông nghiệp toàn huyện. Hoài Đức đang trong lộ trình lên quận, theo định hướng, thời gian tới huyện sẽ chuyển khoảng 600ha nông nghiệp khu vực vùng bãi sang phát triển phi nông nghiệp, hơn 700ha còn lại sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông nghiệp xanh, sạch gắn với phát triển du lịch... để vừa nâng cao đời sống người dân, vừa hài hòa giữ màu xanh và môi trường sinh thái cho đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức - “Phố trong làng” mướt xanh cây trái