Huyện Hoài Đức có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất Hà Nội

Gia Phong| 03/08/2016 15:53

Ngày 3-8, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại huyện Hoài Đức-địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất thành phố hiện nay.

(NSHN) - Ngày 3-8, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại huyện Hoài Đức-địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất thành phố hiện nay.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 494 ca mắc SXH nhưng chưa có trường hợp nào tử vong. Trong đó, 5 quận, huyện có tỷ lệ SXH cao nhất, dẫn đầu là Hoài Đức, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng. Riêng tại huyện Hoài Đức đã ghi nhận 57 trường hợp SXH, tập trung chủ yếu ở hai xã La Phù và An Khánh. Tính đến ngày 3-8, số ca mắc SXH đang phải điều trị trên toàn thành phố là 19 ca, tại huyện Hoài Đức là 10 ca, số ca mắc còn lại đã được điều trị khỏi.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Hoài Đức đã kiểm tra trên địa bàn xã An Khánh và La Phù, là hai địa phương hiện đang có ổ dịch SXH. Tại xã An Khánh cán bộ y tế của Trung tâm y tế (TTYT) huyện Hoài Đức và trạm y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường tại thôn có ổ dịch SXH là Ngãi Cầu và An Bình. Tại đây có 481 hộ dân được tuyên truyền, phát tờ rơi, hướng dẫn cách phát hiện ổ bọ gậy, tự thực hiện việc diệt muỗi, diệt bọ gậy, thu gom phế liệu, phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước không có nắp đậy kín, thả Abate vào hòn non bộ, chậu hoa, cây cảnh... để hạn chế sự phát triển của muỗi truyền bệnh nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh SXH. Hơn 400 con cá được thả nuôi và 20 lọ Abate được hòa vào một số bể chứa nước, hơn 1000 tờ rơi được phát tới tay người dân. Xe ô tô tuyên truyền lưu động phòng chống SXH được chạy trên các đường làng ngõ xóm 2 thôn để thông tin cho người dân.

Tại xã La Phù, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện tổ chức họp cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã đề ra các giải pháp tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền toàn dân nhận thức về vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phát tờ rơi tới tay người dân, tăng cường phát thanh phòng chống dịch SXH... góp phần khống chế dịch bệnh tại địa phương.

Hiện đang vào mùa mưa bão, muỗi truyền bệnh SXH (muỗi vằn) có khả năng phát triển mạnh, nhất là vào thời gian từ tháng 6 - 11, do nhiệt độ, môi trường, độ ẩm thích hợp cho sự phát triển của chúng. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch SXH có thể tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống ngay từ bây giờ, đặc biệt là công tác diệt muỗi và bọ gậy. Để đạt được kết quả tốt trong việc khống chế dịch bệnh SXH, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế phải có sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, của từng hộ gia đình và từng cá nhân trong cộng đồng, triển khai triệt để các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Hoài Đức có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất Hà Nội