(NSHN) - Tối 28-4, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đình Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp). Đây là Di tích quốc gia đặc biệt thứ 3 của huyện Phúc Thọ sau đền Hát Môn (xã Hát Môn) và đình Tường Phiêu (xã Tích Giang).
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ, đình Hạ Hiệp là một trong số những ngôi đình cổ nổi tiếng của huyện Phúc Thọ và cũng là công trình có giá trị tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật đình làng Việt Nam. Đình Hạ Hiệp phụng thờ Thành hoàng là tướng quân Hoàng Đạo - một danh tướng tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trong những năm 40-43. Ngài được phong là Trung đẳng thần Hiển Đức Chí Công và được Trưng Vương cho hưởng thực ấp ở làng Hạ Hiệp.
Trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo lớn, hiện, đình Hạ Hiệp còn lưu được nhiều di vật có giá trị: 27 đạo sắc của các triều đại phong kiến ban tặng, trong số đó, đạo sắc sớm nhất có niên đại Đức Long thất niên (1635); bia đá (1771); 2 cỗ kiệu (thế kỷ XVIII), đôi hạc thờ (thế kỷ XVIII), hai thống đá cảnh (1816) và nhiều hiện vật giá trị khác.
Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, đình Hạ Hiệp đã được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 1728 QĐ/VH ngày 2-10-1991 của Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ngày 31-12-2020, đình Hạ Hiệp vinh dự được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng thông tin, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 21 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia.
Để nâng cao hiệu quả việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và di tích quốc gia đặc biệt đình Hạ Hiệp nói riêng, đồng chí Đỗ Đình Hồng đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ tập trung làm tốt công tác lập quy hoạch để có định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch, phát huy điểm đến, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.