Lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực

Đinh Tú| 07/08/2021 17:58

(HNMCT) - Danh nhân văn hóa Nguyễn Trực (1417 - 1473) là một trong số rất ít người Việt Nam đạt được danh vị Lưỡng quốc Trạng nguyên, là người “có một không hai trên đời” theo đánh giá của Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1418 - 1499, Thượng thư Bộ Lại).

Lăng Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực tại Văn Khê (xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nguyễn Thắm

Nguyễn Trực, tự Công Dĩnh, hiệu Hu Liêu, quê gốc ở thôn Bối Khê, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Bang (nay là thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai).

Ngày 28 tháng 12 năm Quý Tỵ (1473), Nguyễn Trực bị bệnh và mất tại phường Thịnh Quang, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay thuộc quận Đống Đa) khi đang giữ chức Gia khanh Đại phu, Hàn lâm viện Thừa chỉ. Ngày 3-3 năm Giáp Ngọ (1474), thi hài cụ được vua Lê Thánh Tông cho đưa về quê an táng tại xứ Đồng Muội (Nghĩa Bang), ngày 13-7 năm Giáp Thìn (1484) được vua cho cải táng, đưa về khu Ao Đế, thôn Đại Lại, xã Bạch Thạch, huyện Mỹ Lương, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai).

Việc phát hiện mộ cụ Trạng hoàn toàn tình cờ. Theo ông Đỗ Đình Xuyên (65 tuổi, ở xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai), sự việc xảy ra trong năm 1971, khi ông cùng bố lên vườn đào củ và chạm phải gạch đá ở dưới. Đào tiếp thì thu được một số di vật gồm 4 viên đá hoa, bộ ấm sứ màu vàng xanh, bên trong ấm có tờ giấy viết chữ Nho ghi việc con rể cụ Trạng là Đô đốc Hoàng Bá Dương xây mộ cho bố vợ. Ông Xuyên cho biết, sau khi bố con ông đào lên, phát hiện di vật bèn đặt vào chỗ cũ, đắp lại mộ, sau đó lại xây đài mộ cao hơn mặt đất chừng 1 mét.

Năm 1999, ông Xuyên cung tiến 100m2 đất cho họ Đỗ bên ngoại cụ Trạng xây lăng mộ cho cụ, hoàn thành ngày 10-2-2001. Trên hai cột trụ ở hai bên là câu đối: “Lưỡng quốc Trạng nguyên tiêu lãnh dự/ Tam triều tể phụ bỉnh bưu thanh" (“Lưỡng quốc Trạng nguyên lừng đất nước/ Danh thơm sự nghiệp rạng ba triều”). Trong lăng mộ, phía bên phải, ghi hàng dọc, có những chữ “sinh Đinh Dậu (1417)”, ở giữa có hàng chữ “Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực”, bên trái có dòng chữ “mất năm Quý Tỵ (1473)”.

Theo ông Đỗ Đình Xuyên, trong nhiều năm, chỉ có 2 bên gia tộc cụ Trạng thăm nom khu lăng mộ, còn hầu như rất ít người biết đến di tích này. Nhà nghiên cứu văn hóa địa phương Nguyễn Kiến cho rằng: Lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực là một di tích quý, cần được nghiên cứu đầy đủ và giới thiệu rộng rãi. Trong nhiều thế kỷ, hằng năm vào ngày 16-5 âm lịch là lễ tế yết cụ Trạng, có xôi gà; ngày 28-12 âm lịch là lễ tế chạ, có thịt lợn; xuân thu nhị tế vào 12 tháng 3 và 12 tháng 9 âm lịch; kéo dài đến năm 1954 thì chấm dứt. Khoảng trống nghi lễ, cũng là cách tôn vinh danh nhân, từ đó đến nay đã là gần 70 năm, cần được xem xét, khôi phục.

Cụ Nguyễn Kiến cho biết: Thân sinh cụ Trạng là Nguyễn Thời Trung (1381-?), từng làm đến Giáo thụ Quốc Tử Giám, sau cáo quan về quê vợ (cụ Đỗ Thị Rĩ, tức Trừng) ở xã Nghĩa Bang. Ngày 16-5 Đinh Dậu (1417), cụ Rĩ sinh Nguyễn Trực tại cửa am Long Đẩu, chùa Phật Tích (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Năm 12 tuổi, Nguyễn Trực đã biết làm thơ văn. Năm Giáp Dần (1434), Nguyễn Trực thi Hương ở Sơn Tây, đỗ Hương tiến, xếp thứ 2.

Năm Nhâm Tuất (1442), lúc 26 tuổi Nguyễn Trực đỗ đầu kỳ thi Đình, được sắc ban Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ và được phong là “Khai quốc Trạng nguyên”. Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội) có ghi điều này. Dưới triều Lê Thánh Tông, cụ làm quan đến chức Thừa chỉ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu... Tháng 5-1442, bố mất, cụ xin về quê cư tang trong 3 năm. Cụ mở trường dạy học cho hàng nghìn học trò. Trong số học trò có Kiều Phú (1446 - ?) quê ở Lạp Hạ (nay là xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), sau đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Tham chính.

Năm 1444, Nguyễn Trực đi sứ Trung Quốc, xin dự thi và đỗ Trạng nguyên (Giáp đệ, thứ nhất) ở bên đó nên được gọi là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Năm 1455, khi mẹ mất, cụ về Nghĩa Bang chịu tang và xin ở quê luôn.

Tháng 7 năm Bính Tuất (1466), vua Lê Thánh Tông thấy cụ bị bệnh, đau yếu nên ban cho ngự dược (thuốc của vua), cho 2 thị hầu đem theo thuốc đủ dùng đến khi chữa khỏi bệnh cho cụ. Cụ về Bạch Thạch (nay thuộc xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) làm một chiếc lều tranh để tĩnh dưỡng và làm thơ. Vua Lê Thánh Tông có thơ tặng cụ và cụ làm thơ đáp từ. Cụ sai môn nhân ghi chép thứ tự từng loại văn, lại thường có thêm lời nhận xét, ghi chú, ghi chép thành sách “Ngu nhàn loại biên”, “Ngu gian tập”, “Kinh nghĩa biện luận tập”, “Khóa văn”, “Hu Liêu tập” nên được tôn vinh là Bối Khê Hu Liêu tiên sinh và được nhà vua ban thưởng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến nhận định: Cuộc đời, sự nghiệp Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực cần được giới thiệu rộng rãi để giáo dục hậu thế. Còn lăng mộ cụ Trạng ở Bạch Thạch cùng với những nơi liên quan đến cuộc đời cụ (đền thờ ở làng Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu; đình và văn chỉ làng Thế Trụ, xã Nghĩa Hương...) là những hạng mục cần được hoàn thiện hồ sơ để công nhận. Cần giới thiệu, kết nối các di tích này vào hệ thống điểm đến du lịch để phát huy giá trị lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực