Lực đẩy từ những “đầu tàu” ở An Phú

Dương Hiệp| 28/11/2019 16:59

(HNMCT) - Xã An Phú (huyện Mỹ Đức) vốn là xã miền núi đặc biệt khó khăn của thành phố Hà Nội với 68% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mường. Trong những năm qua, sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của các cấp, các ngành Thành phố cùng với nỗ lực thoát nghèo của người dân, đặc biệt là những tấm gương của đội ngũ trưởng thôn trẻ năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, đã giúp bộ mặt nông thôn miền núi ở An Phú dần khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao...

Một góc xã An Phú hôm nay. Ảnh: Tuấn Minh

Tấm gương mẫu mực

Đến thôn Đồi Dùng hỏi anh Nguyễn Hoàng Hân ai cũng biết đến đó là một trưởng thôn trẻ tuổi, có trình độ, năng động và nhiệt tình với các hoạt động của thôn. 8 năm liền làm Trưởng thôn, 5 năm kiêm chức Bí thư Chi bộ, Nguyễn Hoàng Hân đã hết lòng bám quê hương, bám đồng ruộng, lãnh đạo nhân dân thôn Đồi Dùng, động viên, hướng dẫn bà con làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đưa cuộc sống của người dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

Thôn Đồi Dùng có 201 hộ, hơn 700 nhân khẩu, hầu hết sinh sống bằng nghề nông nghiệp thuần túy, nhiều năm trước đây từng là một thôn nghèo. Ngay từ khi đảm nhận cương vị Trưởng thôn, đảng viên trẻ Nguyễn Hoàng Hân đã cùng Chi ủy và cán bộ thôn xác định mục tiêu quan trọng, nhiệm vụ hàng đầu là xóa đói giảm nghèo cho bà con, để từ đó lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc, miền núi của Trung ương và Thành phố.

Hân đã cùng lãnh đạo các đoàn thể vận động toàn dân dồn ô đổi thửa, lấy thâm canh, kỹ thuật làm gốc, chuyển đổi những khu ruộng trũng lầy cấy lúa không năng suất sang mô hình sen - cá mang lại hiệu quả kinh tế, giảm ngày công lao động. Đến nay 70% diện tích đất nông nghiệp của thôn đã làm ao thả cá và cấy sen. Ngoài công việc chính là làm nông nghiệp, các hộ dân trong thôn Đồi Dùng đã trồng thêm cây ăn quả như bưởi, nhãn và chăn nuôi lợn, gà. Với phương châm “Đảng viên đi trước”, bản thân gia đình Trưởng thôn Nguyễn Hoàng Hân cũng trồng một số cây ăn quả, chủ yếu là bưởi, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng, ngoài ra có hơn 1 mẫu ao kết hợp trồng sen và thả cá, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nguyễn Hoàng Hân chia sẻ, muốn vận động nhân dân thì nhà mình phải cố gắng gương mẫu làm trước. Gia đình Trưởng thôn có khá giả, ấm no hạnh phúc thì mới được dân tín nhiệm, đồng tình ủng hộ, làm theo.

Chính từ suy nghĩ tích cực đó mà người trưởng thôn trẻ ấy luôn đồng hành với các phong trào của thôn Đồi Dùng. Phải nói rằng hiếm có một trưởng thôn nào luôn "kề vai sát cánh" cùng tất cả hoạt động của thôn như Hân. Năm 2014, anh cùng các cán bộ thôn kêu gọi nhân dân đóng góp ủng hộ xây cổng làng khang trang, rồi năm 2016 tổ chức cho bà con đón nhận danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện, hai năm qua lại kêu gọi đóng góp công đức xây dựng ngôi đại bái đình làng (dự kiến sẽ khánh thành vào dịp cuối năm âm lịch sắp tới). Thôn Đồi Dùng năm nào cũng là thôn đạt giải nhất trong các phong trào thi đua của xã, các đoàn thể của thôn hằng năm đều được khen thưởng, cá nhân Trưởng thôn hằng năm cũng luôn được khen thưởng. Bà con thôn Đồi Dùng thường tấm tắc rằng, kể từ khi địa phương được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của các hộ dân được nâng lên, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của người trưởng thôn hết lòng vì công việc chung.

Chỗ dựa vững chắc của nhân dân

Ông Nguyễn Văn Hiển - Bí thư Đảng ủy xã An Phú cho biết, từ năm 2017, xã An Phú đã thoát khỏi diện xã dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn nhờ công sức đóng góp đáng kể của những trưởng thôn thế hệ 8x như Nguyễn Hoàng Hân. Những người đảng viên trẻ năng động, nhiệt huyết với quê hương đã trở thành đòn bẩy quan trọng, góp phần biến những khó khăn của một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của Thủ đô - diện tích hơn 2.200ha, bằng 1/10 diện tích toàn huyện Mỹ Đức, trong đó có 560ha rừng thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng Hương Sơn và 800ha rừng trồng trên những dãy núi đá vôi - trở thành lợi thế phát triển kinh tế.

Trong câu chuyện, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Hiển nhắc tới những mô hình kinh tế trang trại đang rất phát triển ở An Phú. Theo thống kê, toàn xã An Phú hiện có 70 hộ nuôi dê với tổng đàn khoảng 1.283 con, cho hiệu quả kinh tế cao, tập trung ở 2 thôn Thanh Hà và Đồng Chiêm. Nhà nhiều thì nuôi 50 - 70 con, nhà ít nuôi vài ba con. Tính ra nuôi dê lãi hơn nhiều so với nuôi bò, lợn hoặc gà, lại nhanh thu hồi vốn, không sợ ế hàng. Nhờ chăn nuôi phát triển nên cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư tương đối hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Anh Lê Văn Tiến - Trưởng thôn Thanh Hà cho biết, thôn Thanh Hà giờ đã thay đổi nhiều từ hạ tầng cơ sở đến đời sống vật chất và tinh thần của bà con nhờ đòn bẩy phát triển kinh tế. Bà con trong thôn phần lớn là người dân tộc nên họ chỉ tin và làm theo những gì nhìn thấy được, chính vì thế mà từ cán bộ thôn đến lãnh đạo xã đều phải là "đầu tàu gương mẫu". Bản thân Trưởng thôn Tiến cũng là một tấm gương "nói đi đôi với làm". Dù nằm sâu trong núi nhưng trang trại của anh đang được đánh giá là một điển hình kinh tế của vùng đồng bào dân tộc miền núi Mỹ Đức. Trang trại của Tiến hiện có đàn dê 70 con và 5.000 con gà, 200 con vịt đẻ cùng hàng chục trâu, bò và ao cá, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy xã An Phú Nguyễn Văn Hiển khẳng định, ngoài các mô hình chăn nuôi dê, chính quyền các cấp cũng hỗ trợ các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ở An Phú phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, xã cũng hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để bà con mua con giống, vật tư nông nghiệp phát triển kinh tế. Riêng với mô hình nuôi dê, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị nhân rộng thông qua hỗ trợ vốn mua con giống và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ, giúp bà con yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống.

Nếu so với trước đây, cuộc sống của người dân vùng "chân chim bóng núi" An Phú gặp rất nhiều khó khăn do địa hình đồi núi phức tạp, điều kiện cơ sở hạ tầng kém, thì nay, sau hơn chục năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, An Phú đã vươn lên thoát nghèo, đời sống kinh tế, xã hội dần dần khởi sắc.

Để có được những đổi thay đó không thể không kể đến những chương trình dự án đã được Trung ương và Thành phố đầu tư, đặc biệt là nhiều chính sách về dân tộc, miền núi được quan tâm triển khai thực hiện, đơn cử như Quyết định 102/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Từ năm 2015 đến năm 2018, ở An Phú đã có 1.893 lượt hộ/7.519 lượt người được Thành phố hỗ trợ với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng. Các chương trình, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở An Phú được triển khai kịp thời, ví dụ như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm (từ năm 2015 - 2018), các cấp, ngành đã mở các lớp đào tạo nghề ở An Phú cho hơn 800 học viên trình độ sơ cấp nghề, 180 học viên nhân cấy nghề, bình quân mỗi năm giải quyết trên 300 lao động có việc làm mới; ngoài ra là chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế công tác tại vùng đặc biệt khó khăn...

Nhờ đòn bẩy từ chính sách, nhờ các cá nhân tiêu biểu là những đảng viên trẻ đi trước làm gương, bà con các dân tộc ở An Phú hiện nay đã yên tâm sản xuất 2 vụ lúa, năng suất cao. Những xứ đồng úng trũng, bà con đã cấy 1 vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ cấy lúa sang trồng sen... Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chuyển biến rõ nét, có nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng sen kết hợp với nuôi trồng thủy sản phát triển du lịch, chăn nuôi dê. Những rừng keo đến tuổi thu hoạch bạt ngàn trên các triền núi, cùng với những trang trại, nông trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi dưới chân núi của những thanh niên 8x thực sự đã góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi ở Mỹ Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lực đẩy từ những “đầu tàu” ở An Phú