Thực ra những hoa lá cỏ cây vừa kể đã có trước cơn mưa nhưng dưới cái nắng như đổ lửa cảm nhận của con người không như chiếc máy chụp hình mà nhìn thấy cảnh vật theo tâm trạng. Đi dưới một tán phượng vĩ rực nở dưới cái nắng 45oC có người hình dung một bếp lò than lộn ngược đang bừng bừng cháy trên đầu; còn hàng trăm đèn lồng hoàng yến giăng giăng làm người ta tưởng rằng chúng đang mở hội hoa đăng ban ngày, góp thêm ánh sáng cho bầu trời đã lóa mắt nhìn...
Nhưng rồi cơn mưa đến đã làm đổi thay tất cả. Không phải cơn mưa cậy thế “nhất thủy nhì hỏa” thông thường mà tắt hết những ngọn lửa mùa hạ, nó thay đổi gam màu cây cỏ bằng những hạt nước nhiệm màu khiến mọi thứ trở nên lung linh và dịu mát.
Ở một nước nông nghiệp, nhất là ở miền văn minh lúa nước, cơn mưa là tất cả: "Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp…". Nếu cơn mưa đến đúng thời điểm thì mùa màng bội thu, dân tình no ấm, nếu mưa không về hoặc kéo về lũ lượt thì hoặc hạn hán hoặc lũ lụt, xóm làng xơ xác, người dân đói khổ. Ở ta, không có hiện tượng tự nhiên nào mang nhiều tên gọi như cơn mưa. Là gọi theo mùa: Mưa xuân, mưa đầu mùa hạ, mưa thu...; gọi theo cường độ: Mưa phùn, mưa rào, mưa giông...; gọi theo tính chất: Mưa bóng mây, mưa rã bão, mưa đền cây...; gọi theo truyền thuyết: Mưa ngâu, mưa rửa đền... Tên mưa đi vào trong thi ca, nhạc họa, chỉ tên mưa thôi cũng đủ nói bao điều. "Khẽ khàng rơi lên kính cửa/ anh biết rằng mưa trở về/ Từ kiếp luân hồi giọt nước/ theo dòng vô định em đi/ Đã xanh màu xanh của sóng/ đã trắng màu trắng của mây/ Trong suốt giọt mưa đầu hạ/ tìm anh vào lúc rạng ngày...".
Tên mưa được thì thầm gọi trước tiên là thay lời cây lúa. "Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên!". Chờ tiếng sấm, chờ cơn mưa mùa hạ là nỗi mong chờ bền bỉ của nhà nông. Mà không chỉ cây lúa, không chỉ nhà nông, đi cùng tiếng sấm mùa hạ là những cơn mưa tràn trề nước mát, vạn vật mãn nguyện và sự sống bừng lên.
Tôi đi ra đường khi cơn mưa còn chưa tạnh, trong lòng vẫn còn nguyên nỗi hân hoan, niềm hạnh phúc khi được đón ân huệ của đất trời. Dẫu không phải là lần đầu tiên trong cuộc đời mình nhưng tôi vẫn muốn sẻ chia cùng cây cỏ nỗi niềm thơ thới đó. Cây hoa ban tím xõa cành với tới tận tấm thảm cỏ đầm đìa xanh, cây phượng vĩ khẽ chạm vào mặt hồ lấp loáng nước..., mùa nào tôi cũng thích được đưa tay hứng lấy những giọt mưa đọng trên tán lá vừa đủ nặng để rơi rơi mà thấy như được giao cảm với thiên nhiên màu nhiệm. Những con đường sau mưa còn róc rách nước, mặt hồ Tây như vừa đầy thêm lên đang khẽ vỗ sóng vào kè đá, cơn mưa dường như đã đem về sự viên mãn tưởng như không có được, một niềm ước ao trở thành có thật, một sự thanh tân.
Trên những phiến lá sen hồ nước mưa còn đọng lại, những giọt nước hình cầu lăn theo chiều nghiêng của lá trông như những hạt thủy ngân. Mặt hồ sen đã khép tán, dường như lá sen đã nở rộng theo những hạt mưa, những cọng tàu khỏe khoắn nâng từng phiến lá cao lên khỏi mặt nước một cách kiêu hãnh và duyên dáng trong vũ điệu hân hoan và hư ảo, kề bên là những nụ hoa mập mạp ửng hồng một sắc thanh xuân.
Trên những nẻo đường mưa không chỉ có mình tôi, nhiều cư dân thành phố, trung thành với truyền thống, cũng cùng “xuống đường” mỗi khi có ngày vui hằng mong đợi! Phía ngoài bãi sông Hồng những vườn đào quất vừa được tạo tán đang chấp chới chồi xanh, xa hơn chút nữa lúa, màu và hoa ngoại thành đang phất cờ mà lên trong dư vị ngọt ngào của những cơn mưa. Tôi đi kề bên những cây ô nhiều màu, những mái tóc ướt, những mắt môi tươi tắn... Nghe ríu ran nói cười, tiếng của niềm vui giản dị.
Và tôi gọi đấy là màu của cơn mưa!