Mưa mùa hè

Truyện ngắn của Y Nguyên| 22/07/2022 06:05

(HNMCT) - Nhà chị ở thị trấn miền núi. Hè nắng đổ lửa, đông lạnh tím da. Nhưng mùa hè đáng sợ hơn bởi ngoài cái nắng như thiêu đốt còn lo sấm sét từ những cơn giông. Năm nào thị trấn cũng có người “bị Thiên Lôi gọi". Sợ, nhưng đâu có cách nào khác. “Trời kêu ai nấy dạ”, chỉ mong sao trời đừng kêu mình!

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Anh là nhà giáo, chị làm nội trợ. Lương giáo chức thâm niên vùng sâu, vùng xa cộng thêm phụ cấp mỗi tháng cũng tròm trèm chục triệu, tạm đủ cơm áo cho vợ chồng với hai đứa nhỏ. Thằng lớn vào lớp 9. Thằng bé mới mẫu giáo. Ai có hỏi “sao hai đứa con tuổi tác cách nhau dữ vậy?”, chị trả lời tỉnh queo: “Vỡ kế hoạch!”. Té ra thằng cu em là đứa con không mong đợi, đứa con mà chị đã toan "bỏ" khi phát hiện mang thai ngoài ý muốn. Thu nhập thấp, đẻ nhiều lấy gì mà nuôi? Chồng chị cản, bảo: “Lỡ rồi, ráng nuôi, có khi nó lại là quý nhân nhà mình. Giàu con út, khó con út em à”.

Trận mưa giông chiều hôm ấy ập đến khi anh đang trực ở trường. Sấm sét đùng đùng. Sợ mẹ con ở nhà cửa nẻo điện đóm sơ suất, anh đội mưa lấy xe máy chạy về. Lúc lên đỉnh dốc, ngang qua gốc cây dầu vệ đường to cao bất giác một tia chớp rạch nhoàng. Ánh sáng xanh lẹt kèm theo sức nổ đủ hất văng luôn một con voi xuống vực.

Năm ấy, anh vừa tròn 49 tuổi ta. Người ta bảo “hung niên”. Sao Thái Bạch. Đại hạn!

Đám tang chồng. Chị đội khăn sô mặc áo tang, thập thững bàng hoàng bước như người mộng du. Ai bảo gì chị làm theo đó, như cái máy. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp thương, xắn tay lo toan giúp tất tật từ A tới Z. Hai đứa con, thằng nhỏ lẵng nhẵng đi theo quan tài ba bệu bạo khóc. Thằng lớn lặng im, mặt mày nom như hóa đá.

***

Rồi cũng phải tiếp tục sống. Đau đớn nguôi ngoai, chị bắt đầu gượng dậy, vắt óc nghĩ cách kiếm tiền nuôi sống ba mẹ con. Tiền trợ cấp tử tuất chị đem mua cái máy ép nước mía đặt trước nhà, mua bàn ghế, ly cốc... học thêm cách nấu các loại chè, pha chế trà sữa, trà đào, trà tắc... Đồ uống chất lượng, giá cả lại bình dân nên bán đông khách. Tìm ra lối thoát mưu sinh giữa tình cảnh tưởng chừng như bế tắc, chị mừng không kể xiết!

Vậy nhưng, mừng chưa trọn vẹn đã tiếp sang lo. Hiếu, thằng con lớn, ngày càng lỳ lợm, bất trị. Người ta bảo: Con trai tuổi khủng hoảng dậy thì khó bảo, như con ngựa hoang. "Ngựa" ấy cần một người đàn ông đủ sức kìm cương; không thôi hỏng. Mà hỏng thật, quán xá giờ cao điểm khách nườm nượp, thằng Thảo học mẫu giáo còn biết te tái chạy phụ mẹ bưng đồ uống, vậy nhưng nó vẫn ngồi trong phòng chơi game. Học hành ngày càng bết bát. Tá hỏa hơn, chị còn phát hiện nó lén coi phim người lớn, in ảnh sex giấu dưới nệm giường! Lần đầu chị giáo huấn, Hiếu vâng dạ, hứa không tái phạm nhưng rồi vẫn chứng nào tật ấy. Nổi điên, chị lôi ra đánh, vừa đánh vừa gào khóc. Thấy mẹ làm dữ, Hiếu thôi được một thời gian. Tưởng yên nhưng không, nó tiếp tục trổ mòi chuyện khác. Ông chủ quán net trên phố đến tận nhà tố cáo chuyện nó ghé quán chơi, lừa khi ông sơ ý gỡ trộm cái webcam. Quán có lắp camera an ninh, tang chứng rành rành. Ông đe: “Lần này tui cảnh cáo, cho gia đình giáo dưỡng, chứ còn lần sau sẽ báo công an!”. Thêm một phen chị rụng rời. Chị hỏi: “Lấy trộm đồ làm chi?”, Hiếu đáp, gọn lỏn: “Thích, lấy về chơi”. Lại hỏi: “Có biết vậy là ăn cắp không?”, nó gật!

Giờ chị nơm nớp sống trong sợ hãi. Làm việc gì mắt cũng cứ lom lom ra cửa. Ngày nào từ sáng tới chiều không ai tới mắng vốn thằng con quý tử mới nuốt nổi cơm. Trộm vặt. Gây gổ, đánh nhau. Bỏ học giữa chừng, hỗn láo với thầy cô... Mẹ giáo huấn nó cứ lạnh tanh. Có lần chị tuyệt vọng khóc ngất, đòi chạy ra đâm đầu xuống giếng. Cu Thảo hoảng kinh ôm chân mẹ gào khóc: “Mẹ ơi! Mẹ đừng chết bỏ tụi con. Mẹ ơi!...”. Thằng nhỏ sớm khôn, chứng kiến cảnh ba chết giờ nghe mẹ đòi chết nó rất hãi. Không chỉ níu chân mẹ nó còn quay sang lay vai thằng anh: “Anh Hai! Đừng vậy nữa mà anh Hai! Anh Hai hứa với mẹ đi. Không mẹ "chết" như ba, bỏ anh em mình á!”... Thằng Hiếu cúi xuống ôm em. Đôi mắt tưởng chừng vô hồn của nó bỗng nhiên ứa ra một giọt nước mắt.

***

Người ta khuyên tìm người thân gửi thằng Hiếu tá túc một thời gian. Cho thay đổi môi trường. Cho có người kèm cặp nó qua tuổi khủng hoảng... Chị nghe có lý. Nghĩ mãi, chỉ có chú em ruột chồng chị đang sống dưới quê may ra khả thi. Phải rồi, sẩy cha còn chú...

Điện thoại mở lời, chưa dứt câu chú em chồng đã chối đây đẩy: “Vụ này em không giúp được chị ơi! Vì... vì...”. Cái "rằng thì là mà" chú em chồng trình bày dài hàng cây số. Lý do nào cũng đúng. Nhưng chị hiểu: Cái đúng nhất nằm ngay nơi chú em cố tình tránh không nói tới: Lai lịch "bất hảo" của thằng Hiếu.

Chị cậy nhờ thêm vài người thân khác trong gia đình. Chỗ nào cũng y kịch bản. Phát chán không muốn mở lời tiếp. Cô em chồng vẽ lối: “Hay chị nhờ anh Cả thử xem?”. À, chị nhớ ra ông anh nuôi của chồng sống trên thành phố. Ngày ba Hiếu mất anh chị cũng về thắp hương, phúng viếng, đưa tang. Nhưng..., chuyện này nhạy cảm, huyết thống ruột rà còn chưa nhờ được huống chi anh nuôi? Lòng tự trọng không cho phép chị làm theo gợi ý của cô em. Gánh nặng này kẻ phải è cổ gánh chỉ có thể là chị, không trông vào ai được. Chừng nào “buông xuôi” hẵng tính.

Giờ chị đâm căm ghét những cơn mưa mùa hè. Nghe mưa là khó thở. Những cơn mưa chị từng một thời mong đợi, yêu thương...

Chị đổ bệnh. Căn bệnh lạ phải chuyển tuyến trên, vào bệnh viện thành phố.

Chị thu xếp tiền bạc, công việc, giao hai anh em Hiếu - Thảo ở nhà trông nhau. Cu Thảo mếu máo: “Mẹ ơi, mẹ mau hết bệnh rồi về, không được chết mẹ nha...”. Thằng Hiếu nạt: “Em đừng nói bậy!”. Tiễn mẹ ra cửa, nó vòng hai tay ôm lấy thằng em đang khóc mếu như muốn chở che. Mắt nó đỏ hoe.

Chị tới bệnh viện. Lại chụp, chiếu, xét nghiệm. Lê tấm thân rời rã ngật ngừ hết phòng này sang khoa khác. Sáng bụng đói chờ làm xét nghiệm nên không dám ăn. Mà cũng không muốn ăn. Bụng rỗng khiến chân tay run rẩy, mắt đổ hào quang. Còn phải tới phòng siêu âm. Chị ngồi phịch xuống chiếc ghế tựa hành lang thở dốc lấy sức.

Chợt chuông điện thoại đổ. Số máy lạ. Chị run run tay nhấn nút nghe. “A lô! Thím Tư phải không? Anh đây! Anh Cả đây. Nghe thím bệnh vào thành phố sao không cho anh hay? Giờ thím đang ở bệnh viện nào? Được, anh chị đang tới”...

Ơn trời, thật đúng lúc. Không có cánh tay bà chị dâu nuôi vươn ra đỡ hẳn chị đã ngã vật luôn trước cửa phòng siêu âm bởi không còn gượng nổi. Phòng cấp cứu. Chị thều thào:

- Sao... anh... chị... biết...?

- Còn sao nữa! Các cô chú ngoài quê điện thoại báo chứ không làm sao anh chị biết? Mà thím cũng thật, nhà cửa, con cái, bệnh tật vậy cứ im ỉm, không cho anh hay. Thím không coi anh chị là người nhà hay sao?

- Dạ... em...

- Thôi, không nói nhiều! Giờ yên tâm lo chữa cho lành bệnh, chuyện vòng ngoài có anh chị lo. À, còn hai thằng nhóc con thím anh cũng đã liên hệ cùng cô Năm, chú Út sắp xếp rồi. Sẽ có người luân phiên trông chừng chúng nó, thím không phải ngại. Chuyện thằng Hiếu anh cũng đã nghe. Lần này thím về, nếu nó không khá hơn thì qua khai giảng thím để anh đón nó vào đây. Mất cha còn bác, anh tin...

Nước mắt chị bất giác từ đâu tuôn ròng như suối. May quá, cứ tưởng nó cạn khô không còn để khóc. Chị cứ nằm yên nghe nước mắt lặng lẽ chảy, hạnh phúc mà nghe nó chảy, trong khi giọng chị dâu rì rầm bên tai: “Đừng khóc nữa em! Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, có anh chị đây rồi”.

***

Chị gọi điện về nhà. Thằng cu em lanh chanh giành máy. “Mẹ ơi, mẹ hết bệnh chưa, mau về với tụi con. Anh Hiếu hứa từ nay anh sẽ thay đổi, không "hư" nữa để mẹ khỏi buồn...”. “Cái thằng này! Ai mượn mày!”. “Thì hôm qua anh nói vậy mà”... Nghe tiếng hai thằng con chí chóe trong điện thoại mà chị ứa nước mắt. Rồi chị buông máy mỉm cười, nụ cười dường như đã vắng rất lâu kể từ lúc anh ra đi biền biệt.

Ngoài trời đang ào ạt một cơn mưa đổ. Hơi mưa mùa hè mát rượi luồn qua khe cửa, xua đi khỏi phòng bệnh thứ không khí "đóng hộp" oi nồng. “Ngày mai xuất viện”, bác sĩ bảo vậy. Bất chợt tâm trạng chị lại lâng lâng thứ cảm giác một thời xưa cũ: Yêu mến những cơn mưa. “Phải đó em”, văng vẳng đâu đây dường như tiếng anh đang nói: “Mưa mùa hè có tội gì đâu. Chỉ là rủi ro. Rủi ro thôi mà”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa mùa hè