Ngôi đình và những câu chuyện truyền kỳ
Ít có ngôi đình nào lại gắn với nhiều truyền thuyết về Thành hoàng làng như đình Sơn Đồng, nơi thờ Đông Nhạc Giáng Thần (Thần núi) và Vương Thanh Cao, một vị tướng tài dưới trướng thủ lĩnh Đinh Bộ Lĩnh thời 12 sứ quân (944 - 968).
Ngoài truyền thuyết về người học trò nghèo Vương Thanh Cao, theo một truyền thuyết khác thì Thành hoàng làng Sơn Đồng là đức thánh Đào Trực, người đã có công mở trường dạy học và hành nghề chữa bệnh cứu người ở Sơn Đồng. Một truyền thuyết nữa liên quan đến kiến trúc của ngôi đình. Đình Sơn Đồng nhìn hướng Tây Nam, tọa lạc trên trán rồng theo thuật phong thủy. Văn bia trong đình ghi rõ: “Năm Duy Tân thứ 7 (1913), hai thôn quyết định tu sửa mả rồng, long mạch chạy dài về đình, không ai được làm thương tổn, đứt đoạn. Từ nay về sau cấm đào bới’’. Còn một truyền thuyết gắn với sự tích Thánh Hậu, cho biết đình vốn là ngôi đền cổ thờ mẫu.
Do đình làng không còn lưu giữ được sắc phong và thần phả nên việc xác định Thành hoàng chịu ảnh hưởng của truyền thuyết. Còn căn cứ vào các tư liệu cổ và dấu tích trên các di vật trong đình, như bức đại tự “Thánh Hậu Vương từ”, thì có thể nhận định đây vốn là một ngôi đền cổ thờ mẫu, sau được mở mang, xây dựng với quy mô lớn hơn, trở thành đình làng. Việc lưu truyền các tục lệ hay trò chơi giằng bông, tục bó mo... càng giúp khẳng định điều đó. Một điều hấp dẫn là qua thời gian, lại có thêm những truyền thuyết về ngôi đình, cùng với đó là thêm nhiều lớp thần được thờ.
Trong lễ hội làng, vào ngày mùng 6 tháng Hai (âm lịch) hằng năm luôn có tục dâng lễ vật là bánh giầy, bánh cuốn.
Điền khuyết trong tour du lịch làng nghề
Sơn Đồng có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm, nay nổi tiếng với nghề mộc mỹ nghệ và đồ thờ tự sơn son thếp vàng được khách hàng gần xa ưa chuộng. Trong bối cảnh chung là du lịch làng nghề đang phát triển, Sơn Đồng ngày càng thu hút nhiều du khách về thăm.
Những năm qua, đã có một số giải pháp kích cầu du lịch làng nghề Sơn Đồng, nổi bật là việc sưu tầm, giới thiệu giá trị các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu gồm đình làng, đền Thượng và chùa Diên Phúc. Nhiều nhà nghiên cứu đã về Sơn Đồng tìm hiểu các di tích, tiếp cận tư liệu cổ, từng bước giới thiệu cho độc giả và du khách. Theo ngọc phả đền Thượng và chùa Diên Phúc thì Lê Lợi (1385 - 1433) sau khi chiến thắng giặc Minh xâm lược, đi qua Sơn Đồng thấy đền, miếu cổ thờ các vị từ thời Hùng Vương và thời Tiền Lê, nên đã cho dân làng tiền của để tôn tạo di tích.
Cũng theo các nhà nghiên cứu thì lễ hội làng Sơn Đồng gắn liền với sự tích Hai Bà Trưng đánh giặc. Trong lễ hội làng từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 6 tháng Hai âm lịch có hai lễ tục độc đáo là tục bó mo và giằng (cướp) bông, được coi là ánh xạ đặc biệt của tín ngưỡng phồn thực từ xa xưa.
Tục bó mo là tục thi làm bánh giầy trong cả làng. Các gia đình làm bánh để đãi khách, các xóm làm bánh để dự thi, ban khánh tiết của làng làm bánh để tiếp quan khách và làm phần thưởng. Nguyên liệu là gạo nếp quýt hoa vàng, phải đồ xôi chín, dẻo rồi giã xôi trên chiếc mẹt mỏng với chày giã dài bằng nửa sải tay, một đầu bọc bằng mo cau. Bó mo là bó đầu chày bằng mo cau, nhưng không dùng nguyên chiếc mà phải tước phần lụa ở lòng mo ra thành từng nan, đan thành phên kín rồi bó vào đầu chày, buộc chặt bằng lạt giang.
Có nhiều hình tượng gợi liên tưởng đến tín ngưỡng phồn thực của người Việt như: Mo cau bọc đầu chày; một nửa bánh nặn thành những chiếc bánh giầy tròn, không có nhân, cứ hai chiếc kẹp thành một cặp; còn nửa kia nặn thành những chiếc bánh giầy cuốn, to bằng chuôi liềm, bên ngoài bọc lá chuối, trong có nhân đậu xanh rang, nghiền nhỏ, trộn mật. Bộ bánh gồm một cặp bánh giầy tròn và một chiếc bánh giầy cuốn.
Kiệu bánh dự thi của mỗi xóm gồm một mâm bồng, bốn chân gỗ chạm đầu rồng và hai đòn khiêng cũng chạm đầu rồng. Tất cả đều là đồ sơn son thếp vàng tinh xảo do chính người làng làm ra. Kiệu bánh đạt giải cao nhất được rước vào đặt cúng trước cửa cung; phần thưởng đi kèm là một cặp bánh giầy, và bánh cuốn. Trong lễ hội, các món ăn như bánh cuốn, bánh giầy, thịt trâu nướng... được cho là các món mà Hai Bà Trưng đã dùng để khao quân.
Sau tuần tế giã là tới hội giằng bông. Cây bông là một đoạn tre đực gồm 5 đốt (ngũ phúc), được cạo sạch tinh, tước ập vào xung quanh mấu, tạo thành đám bông tre xù tròn rồi nhuộm phẩm ngũ sắc; ống tre cũng được dán bằng những băng giấy màu. Cây bông cũng là một biểu tượng trong tín ngưỡng phồn thực. Tục truyền, đàn ông giằng được cây bông sẽ sinh con trai, trẻ em có túm bông đeo vào cổ sẽ có khước (điều tốt lành, may mắn), cuộc giằng bông càng vui thì năm ấy làng càng may mắn... Người giằng được bông sau khi làm lễ tạ ở đình thì mang về đặt trên ban thờ của nhà.
Quanh ngôi đình Sơn Đồng còn rất nhiều câu chuyện lý thú. Phải đến tận nơi, “tai nghe, mắt thấy” mới rõ giá trị của di tích. Tiềm năng du lịch ở làng nghề Sơn Đồng đang được khai thác, lịch trình các tour không thể để khuyết địa chỉ này.