Người anh kết nghĩa

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ| 06/05/2023 06:20

(HNMCT) - Chiều hôm trước, tôi được lãnh đạo tòa án tỉnh phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo liên quan tới dự án khu đô thị mới Cầu Ngang. Ngay sáng hôm sau, Trần Danh, ông anh kết nghĩa đồng thời là ân nhân của tôi gọi điện, giọng nghiêm trọng:

Minh họa: Lê Trí Dũng

- Vụ Cầu Ngang liên quan đến phó chủ tịch tỉnh, cậu từ chối làm chủ tọa đi, kẻo vạ vào thân.

- Liên quan thế nào?

- Nhận hối lộ. Giá trị lớn đấy!

Nói rồi Trần Danh cúp máy.

Mấy hôm sau, em con ông chú tôi làm bên văn phòng ủy ban cũng nhỏ to:  

- Anh Phong này! Em nghe nói vụ án C5 Cầu Ngang liên quan đến ông Ngô Mạn phó chủ tịch tỉnh nhận 100 nghìn đô la làm giấy tờ giúp cho doanh nghiệp lừa đảo…

Tôi trừng mắt:

- Bậy bạ! Chú đừng có tung tin nhảm nhí...

Nói cứng vậy nhưng tôi cũng bán tín bán nghi. Không lẽ đồng tiền đã làm một ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thoái hóa, biến chất đến như thế sao?

***

Hơn hai chục năm trước, tôi còn là sinh viên năm thứ ba khoa Luật. Sau cú ngã từ trên cao xuống đất, tôi bất tỉnh. Sau này mới biết người đưa tôi đi cấp cứu, chăm chút tôi suốt thời gian trong bệnh viện là Trần Danh. Anh hơn tôi 5 tuổi, học trên tôi một khóa. Số là hôm đó phòng tôi mất điện, tôi đánh liều trèo lên cột điện mò mẫm sửa, chẳng may bị ngã. Khi tôi hồi phục, mẹ tôi bảo: “Phúc bảy mươi đời nhà ta. Bác sĩ nói nếu chậm thì không thể cứu được. Ơn cứu mạng, tái sinh cả đời không trả được đâu. Con nhận anh Danh là anh kết nghĩa đi! Sống phải có tình có nghĩa, có trước có sau con ạ!”.

Ra trường, tôi chạy ngược chạy xuôi xin việc nhưng đi đâu cũng nhận được câu trả lời “không có nhu cầu tuyển dụng”. Đang thất vọng thì Trần Danh bảo tôi: “Làm thư ký tòa án lương thấp nhưng có tương lai. Cậu có chịu không để tớ nói với các anh bên tòa án tỉnh?”. Tôi đồng ý tắp lự. Trần Danh đang làm việc tại phòng pháp chế thuộc công ty xây dựng - thương mại của tỉnh, chẳng rõ quen biết, quan hệ thế nào mà ngay đầu tháng sau tôi được gọi đến tòa án tỉnh thử việc rồi sau đó thi tuyển vào ngạch thư ký. 

Thời gian trôi nhanh. Thấm thoắt tôi đã làm việc ở tòa án tỉnh gần hai chục năm. Trần Danh đã được đề bạt lên lãnh đạo cấp phòng, sau lên phó giám đốc rồi được bổ nhiệm làm giám đốc công ty. Tôi dần dà cũng được bổ nhiệm phó tòa, rồi chánh tòa hình sự. Thi thoảng Trần Danh lại gọi điện hoặc gặp gỡ để góp ý cho tôi về quan điểm xử lý một vụ án, tư vấn về chuyên môn xét xử… Tôi ngưỡng mộ anh, xem anh như chỗ dựa tinh thần vững chắc. Những lời tư vấn về chuyên môn của anh thường mang lại kết quả tốt cho công việc của tôi.

***

Vụ án tại khu đô thị C5 Cầu Ngang được xem là vụ án lừa đảo lớn nhất trong lịch sử tỉnh nhà. Nguyễn Thị Hồng Châu, tổng giám đốc tập đoàn Châu Phát đã cùng nhân viên vẽ ra “dự án ma” khu đô thị mới C5 ở ngoại vi thành phố, quảng cáo rùm beng và thu về hơn 2.000 tỷ đồng của người dân đặt cọc mua biệt thự, căn hộ cao cấp. Chủ trương xây dựng khu đô thị đã được phê duyệt. Nhưng ủy ban tỉnh chưa ra quyết định triển khai vì doanh nghiệp còn thiếu nhiều thủ tục, năng lực chưa đảm bảo…

Mặc dù đã giới thiệu dự án, đóng một số cọc nhồi làm phép và thu tiền của người dân, nhưng sau hơn 3 năm dự án vẫn án binh bất động. Người dân nhiều lần kéo đến tập đoàn Châu Phát đòi tiền nhưng tổng giám đốc Hồng Châu tìm mọi cách tránh mặt. Đơn thư tố cáo được gửi lên lãnh đạo tỉnh và Trung ương. Đại diện người dân nộp tiền mua nhà mang khẩu hiệu kéo nhau đến tòa án tỉnh, gây sức ép để tòa án sớm xét xử, đòi lại tiền cho họ.

Hồ sơ vụ án không có tình tiết nào dính dáng đến ông Ngô Mạn như tin đồn thổi. Có thể do đối tượng xấu tung tin để bôi nhọ nhằm hạ uy tín cán bộ trước đại hội đảng bộ tỉnh sắp tới. Mà cũng có thể trong một khoảnh khắc không tự chủ được bản thân nên ông Ngô Mạn bị cám dỗ rồi vi phạm...

Đang lúc rộ lên tin đồn về ông Ngô Mạn, bỗng trên mạng xã hội xuất hiện tấm ảnh bà Hoa, vợ ông Mạn đứng trước một ngôi biệt thự năm tầng trong khuôn viên sân vườn rộng hàng trăm mét. Bên dưới chua hàng chữ đậm: “Cần làm rõ biệt thự không phép của vợ sếp - Phải chăng xây nhà từ nguồn tiền tham nhũng?!”. Trần Danh bấm điện thoại tìm thông tin trên mạng rồi đưa cho tôi xem:

- Xem này, chồng ăn hối lộ, vợ rửa tiền xây nhà… Phen này đi đứt là cái chắc!

- Coi chừng tin nhảm nhí, ghép ảnh với mục đích xấu. Anh cũng nên cẩn thận khi phát ngôn, phát tán tin vớ vẩn chẳng phải đầu lại phải tai!

Trần Danh đưa tay sửa cặp kính cận:

- Không có lửa làm gì có khói. Chắc cũng có dính tí chút!

                ***

Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo tại dự án C5 Cầu Ngang được mở.

Bị cáo Hồng Châu và bị cáo Tất Mậu - giám đốc kinh doanh tập đoàn Châu Phát - đều khai phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Ngô Mạn đã nhận 100 nghìn đô la để cấp giấy phép xây dựng khu đô thị.

Đường đi của khoản tiền này là từ bà Hồng Châu chuyển cho giám đốc Mậu. Còn sau đó đến tay ông Ngô Mạn như thế nào, các bị cáo đều im lặng, không nói. Sau gần 30 phút bị hội đồng xét xử thẩm vấn ráo riết, bị cáo Mậu tỏ ra thành khẩn, khai rành rọt: “Thưa quý tòa, hôm đó bị cáo cầm tiền đến gặp…”.

Xét thấy để Mậu khai báo công khai trước tòa sẽ bất lợi và cũng chưa cần thiết phải xét hỏi bị cáo Đào Văn Tráng giám đốc Sở Xây dựng, tôi lập tức cho tạm dừng phiên tòa, tức tốc báo cáo chánh án tòa án tỉnh. Đúng lúc đó, Trần Danh gọi điện cho tôi: “Hai bị cáo đều khai trùng khớp về ông Ngô Mạn nhận tiền, cậu khởi tố hành vi đưa và nhận hối lộ ngay đi, chần chừ gì nữa!”.

Quyết định khởi tố ngay tại phiên tòa để điều tra là không sai luật. Nếu ông Ngô Mạn vi phạm thì xử lý theo luật. Nhưng nếu kết quả điều tra không như lời khai của các bị cáo? Chưa rõ “ngô khoai” ra sao, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị của một cán bộ lãnh đạo của tỉnh trong thời điểm đại hội đảng bộ tỉnh sắp diễn ra. Ông Mạn sẽ bị loại ra khỏi danh sách đại biểu dự đại hội chứ đừng nói đến danh sách ứng cử vào ban chấp hành khóa tới.

Tôi hội ý hội đồng xét xử rồi quyết định: Dừng phiên tòa; trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm rõ. Ngay tối hôm ấy, Trần Danh đến nhà tôi, giận dữ: “Sao không khởi tố hành vi đưa và nhận hối lộ ngay? Trả hồ sơ để tội phạm có thời gian tiêu hủy chứng cứ, thông cung, rồi chạy chọt người nọ người kia à? Từ nay tao không có anh em gì với mày nữa. Thằng anh nói một đằng, thằng em làm một nẻo!? Mày là đồ bạc nghĩa”…

***

Hơn ba tháng sau, phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ án C5 Cầu Ngang được mở. Kết quả điều tra bổ sung đã làm rõ lời khai của bị cáo Hồng Châu và Tất Mậu về việc đưa hối lộ 100 nghìn đô la cho ông Ngô Mạn để chạy giấy phép xây dựng là hoàn toàn sai sự thật, có biểu hiện phạm tội vu khống. Do không đủ điều kiện được cấp giấy phép xây dựng nên các bị cáo dùng tiền “chạy” xin giấy phép nhằm để người dân tin tưởng dự án sắp khởi công, nộp tiền mua nhà cho tập đoàn Châu Phát.

Sự thật là Tất Mậu quen biết với Đào Văn Hậu, con ông Tráng giám đốc Sở Xây dựng. Hậu đã tốt nghiệp đại học, đang chuẩn bị đi du học nước ngoài. Biết Mậu đang cần chạy xin giấy phép xây dựng, Hậu “nổ” rằng mình chơi thân với con phó chủ tịch tỉnh và ra giá phải chi 100 nghìn đô la để đưa cho ông Mạn.

Do mất cảnh giác, văn phòng Sở Xây dựng đã để Hậu lấy được chữ ký, con dấu vào giấy phép xây dựng khu đô thị C5 do y soạn sẵn. Hậu đã mạo danh và uy tín của phó chủ tịch tỉnh, lừa Mậu để ôm trọn 100 nghìn đô la đút túi. Ông Mạn vô can trong việc này. Sự việc vỡ lở, ông Tráng “ngậm đắng nuốt cay” nhận hết tội thay Hậu để con trai còn có cơ hội du học nước ngoài. Nhưng bố con ông giám đốc sở đều đã phải ra tòa lãnh án. Bị cáo Hồng Châu cùng các đồng phạm trong vụ án bị nhận những mức án nghiêm khắc.

Vụ án khép lại. Có điều rất buồn là ông anh kết nghĩa của tôi bị xử phạt hành chính và bị sa thải. Sau này, tôi được biết Trần Danh có người chú vợ đang là ứng cử viên sáng giá cho cái chức phó chủ tịch tỉnh, thậm chí còn được quy hoạch vào vị trí cao hơn. Ông này cũng bị kỷ luật, sắp tới phải hầu tòa cùng hai bị cáo khác liên quan đến vụ tung ảnh lên mạng vu khống bà Hoa. Có lẽ vì thế mà Trần Danh tung tin xấu về ông Mạn, lại xúi giục tôi khởi tố ông Mạn ngay tại phiên tòa.

Một thời gian ngắn sau đó, Trần Danh đưa vợ con vào sống ở một tỉnh phía Nam, mở công ty kinh doanh bất động sản và buôn bán vật liệu xây dựng. Tôi gọi điện nhiều lần nhưng anh đều không nghe máy. Tôi dự định sẽ nghỉ phép bay vào miền Nam tìm gặp anh bằng được. Cho dù Trần Danh hiểu hay cố tình không hiểu lòng tôi, nhưng anh mãi vẫn là người anh kết nghĩa - ân nhân của đời tôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người anh kết nghĩa