Nhà báo Trần Mai Hưởng: “Tôi chỉ là một nhà báo yêu thơ”

Bảo Châu| 18/06/2023 06:48

(HNMCT) - Nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) là người đã chụp bức ảnh lịch sử “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30-4-1975”. Ông sáng tác thơ từ rất sớm nhưng rồi công việc làm báo, làm quản lý cuốn ông đi, mãi khi về hưu ông mới sáng tác nhiều hơn, đã cho ra mắt 3 tập thơ dù luôn quan niệm “tôi chỉ là một nhà báo yêu thơ, không tham gia vào hội thơ nào cả”.

1. Những ngày tháng 6, được trò chuyện với nhà báo Trần Mai Hưởng tại tư gia trong Khu tập thể Bách Khoa (Hà Nội), tôi cảm nhận rõ hơn về sự tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu dạt dào của ông với những con chữ. Ở tuổi 71, trời vẫn cho ông đôi chân khỏe mạnh và một tâm hồn tràn đầy nhựa sống. Nghỉ công tác đã hơn 10 năm, ông đi và viết đều đặn. Trên trang Facebook của mình, ông liên tục cập nhật “trạng thái”, lúc thì thấy ông chụp ảnh bên bờ sông bãi bồi ở “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, lúc lại thấy ông chu du ở sông nước miền Tây. Những chuyến đi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, cảm xúc về miền đất mới là chất liệu để ông tạo ra những bút ký, bài thơ sinh động, hấp dẫn, ăm ắp tình người.

Bên cốc nước vối mát lành, nhà báo Trần Mai Hưởng thân thiện trò chuyện với chúng tôi. Ông bảo, nghề báo đến với mình như một cơ duyên và có lẽ cũng là do được truyền nguồn cảm hứng từ người anh trai - nhà báo Trần Mai Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam). “Tôi kém anh Trần Mai Hạnh 8 tuổi nên khi anh theo học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp, tôi chỉ mới là cậu bé. Mỗi lần anh nghỉ học về quê là tôi lại xúm lại hỏi anh xem ngành học của anh thế nào, có thú vị không, sau ra làm gì? Và rồi khi tôi đến tuổi thoát ly, lúc này anh tôi đã công tác tại Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), tôi muốn theo anh được đeo máy ảnh đi đến khắp tận cùng của đất nước Việt Nam thân yêu. Bởi thế, khi cơ quan của anh mở lớp đào tạo phóng viên khóa 8, tôi đã đăng ký theo học” - nhà báo Trần Mai Hưởng kể.

2. Có niềm yêu thích lại được trang bị kiến thức nên tình yêu với nghề báo càng lớn dần trong người phóng viên trẻ. Sau khi tốt nghiệp, được cử làm phóng viên thường trú tại tỉnh Hà Tây (cũ), ông xông xáo đi về các miền quê để phản ánh tình hình lao động sản xuất của bà con. Được sống trong phong trào bừng bừng khí thế “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Chiếc gậy Trường Sơn" của làng Hòa Xá (huyện Ứng Hòa), ông nung nấu mong muốn được ra trận. Rồi ông được cử vào Phân xã B đặt tại bờ bắc sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) trong chiến dịch Tổng tiến công năm 1972.

Cùng ăn, cùng ở với bộ đội và nhân dân vùng “tọa độ lửa Vĩnh Linh”, chàng phóng viên trẻ quê Hải Dương dâng trào cảm xúc khi viết những bài báo về nhân dân Vĩnh Linh vượt qua bom đạn Mỹ chở đò đưa bộ đội qua sông ra trận, về những ca cứu thương dưới hầm địa đạo, về những thầy cô giáo truyền chữ cho trẻ em trong tiếng bom đạn... Chưa hết, với năng lượng và nguồn cảm hứng dồi dào, ông đã viết bài thơ “Giếng nước dưới địa đạo” (sau này được đăng trên Báo Văn nghệ) với những câu thơ ám ảnh người đọc: “Cội nguồn nước ở tận đâu/ Mà mắt đất mở ra lúc nào cũng long lanh thế/ Cũng cái gầu đứt dây rơi xuống/ Biết mượn ai xuống vớt lên...”.

Nhà báo Trần Mai Hưởng vinh dự có mặt tại Dinh Độc lập vào ngày 30-4-1975 và chụp được khoảnh khắc lịch sử được coi là biểu tượng của đại thắng mùa xuân năm 1975. “Đó là một hình ảnh tuyệt đẹp: Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay theo gió. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Sư đoàn 304 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo. Theo phản xạ của người làm báo, tôi đưa máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ đó. Tôi không phải là phóng viên ảnh chuyên nghiệp mà tôi cho rằng mình chỉ là người may mắn đứng ở vị trí thuận lợi để chụp khoảnh khắc này. Đó chính là món quà tuyệt diệu mà nghề báo cho tôi và cũng là động lực để tôi tiếp tục cố gắng, nỗ lực trong suốt quãng đường làm báo sau này” - nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

3. Luôn quan niệm rằng nghề báo không có tuổi nghỉ hưu, thời gian qua ông vẫn tung tẩy trên hành trình khám phá đất nước. Và thơ ca chính là phương tiện để ông gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình. Là một nhà báo nên khi chuyển sang viết thơ, ông rất quan tâm đến những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế. Thay vì phản ánh qua những bài báo như trước đây, nay ông mạnh dạn góp tiếng nói trách nhiệm, tâm huyết qua thơ ca với ngôn ngữ gọn gàng mà không kém phần hóm hỉnh, sâu sắc. Ông viết “Nhân dân không có nhiệm kỳ”, “Tổ quốc ở Tiên Lãng”, “Nhân dân”, “Mặt thật”..., đúng như những gì mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Là nhà báo có những năm tháng đi qua chiến tranh, cận kề cái chết nên một đặc điểm nổi trội trong thơ của Trần Mai Hưởng là chính luận thời sự. Nhưng chính trị mà ông mang vào thơ là chính trị lương tâm, thời sự mà ông mang vào thơ ông là thời sự của một lịch sử dân tộc, của nhân dân”.

Ngoài ra, còn có một đề tài luôn thu hút sự quan tâm của ông, đó chính là Hà Nội. Mặc dù không phải là quê hương nhưng nơi này đã cho ông một sự nghiệp báo chí vẻ vang, là nơi mà cả gia đình ông sinh sống gần nửa thế kỷ qua. Với ông, Hà Nội mang vẻ đẹp kiêu sa, mỹ miều, một vẻ đẹp huyền bí, đầy cuốn hút mà mỗi khi đi xa lại day dứt khôn nguôi. Điều đó được ông đặc tả qua bài thơ “Nhớ về Hà Nội”: “Khao khát ấy vẫn âm thầm da diết/ Nửa vòng trái đất tuyết đang rơi/ Những mùa xuân ở nơi viễn xứ/ Nỗi nhớ cháy lên tự cuối trời/ Hồ Gươm mãi vẫn xanh sắc ngọc/ Tháp Rùa nghiêng bóng nhớ thương ai/ Hàng Lược chợ hoa mùa xuân gọi/ Phố cũ hồn xưa những ngõ dài...”.

Ông mơ màng với những chợ hoa Hàng Lược “thảo thơm tình đất tình người”, với phố Tạ Hiện “giấu trong lòng bao ký ức”, với núi Ba Vì “ngàn đời xanh màu cổ tích”, với họa mi xuống phố “như những đàn chim nhỏ”... Năm 2021, khi nhạc sĩ Phú Quang qua đời, ông đã sáng tác bài thơ “Người mang hồn phố” mà ở đó ông đã nhắc đến một “Hà Nội mù sương/ Mùa thu lá bay/ Mùa đông lặng thầm nỗi nhớ/ Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ...” khiến bạn đọc ứa nước mắt nhớ thương người nhạc sĩ cả đời sáng tác nên những giai điệu đẹp nhất về Thủ đô yêu dấu.

Nhà báo Trần Mai Hưởng quan niệm, nghề báo không chỉ là công việc mà đằng sau những con chữ là tình người. Chẳng thế mà sau hơn nửa thế kỷ tác nghiệp tại chiến trường Vĩnh Linh, vẫn có những người dân Vĩnh Linh điện thoại hỏi thăm ân cần, thậm chí còn đến nhà gửi biếu ông những túi gạo, món quà đặc sản của miền đất này để ông “đỡ nhớ Vĩnh Linh”. Dù nhọc nhằn, gian khó, thậm chí những phóng viên chiến trường như ông còn đối diện với chết chóc nhưng khi nghĩ về nghề báo, ông luôn nghĩ về sự tươi sáng, niềm hy vọng: “Những con chữ đong đầy mưa nguồn và chớp bể”, “Ngọn bút xuyên đêm cày lên giấy trắng/ Gian nan những nỗi đoạn trường”, “Những con chữ tìm tổ bay về/ Như một đàn ong cần mẫn”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Trần Mai Hưởng: “Tôi chỉ là một nhà báo yêu thơ”