Những bảo mẫu chăm ''ông ba mươi''

Dạ Khánh| 18/10/2022 06:22

(HNM) - Chắc hẳn ai đến với Vườn thú Hà Nội cũng đều mong được “mục sở thị” các con thú quý, trong đó có những chú hổ to lớn được mệnh danh là chúa tể của rừng xanh. Để những "ông ba mươi" luôn khỏe mạnh, các công nhân chăm sóc tại Vườn thú Hà Nội gọi chúng là con và luôn trách nhiệm, tận tâm chăm sóc, nuôi dưỡng.

Chị Trần Thị Ngọc (Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật số 1) chăm sóc hổ tại Vườn thú Hà Nội.

Coi hổ như con

Tại khu vực chuồng hổ Vườn thú Hà Nội, anh Phương Văn Bình, Phó Tổ trưởng Tổ hổ sinh sản (Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật số 2) đang... chơi đùa với 1 chú hổ to lớn, nặng đến cả tạ. Nó nằm ngoan ngoãn, dụi dụi cái đầu với vẻ đầy thích thú khi được anh Bình đưa tay qua song sắt vuốt ve và “trò chuyện”...

Ở chuồng bên cạnh, chị Trần Thị Ngọc và các công nhân Tổ chăm nuôi thú dữ (Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật số 1) đang nhanh tay cân và phân chia khẩu phần ăn cho từng con thú. “Bi ơi, Bống ơi, ra ăn nào...” - chị Ngọc vừa gọi hai chú hổ, vừa đưa từng khẩu phần ăn vào chuồng.

Chỉ từng con hổ, chị Ngọc giới thiệu: “Đây là Bống, đây là Bi, hai đứa con của tôi. Chúng được giải cứu trong vụ nuôi nhốt hổ tại tỉnh Nghệ An năm 2018 và đưa đến Vườn thú Hà Nội chăm sóc khi mới 4 tháng tuổi, lúc đó chỉ nặng tầm 12kg. Giờ các con đã lên 4 tuổi, nặng trên 100kg rồi. Bống thì trầm tính hơn, còn Bi thì tăng động hơn. Chăm sóc và yêu thương chúng ngay từ nhỏ nên chúng cũng dành tình cảm đặc biệt cho mình. Sáng nào cũng vậy, chúng đứng hóng mình như trẻ hóng bố, mẹ về...”.

Theo Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội) Bùi Quang Khánh, Vườn thú Hà Nội được giao nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng 17 con hổ, với các chủng loại: Đông Dương, Amur, Belgan. Trong đó, Tổ hổ sinh sản được lãnh đạo Vườn thú Hà Nội giao chăm nuôi 11 “ông 30” và Tổ chăm nuôi thú dữ được giao chăm sóc 6 “ông 30”, bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sư tử, báo, gấu.

Hơn 20 năm công tác tại Vườn thú Hà Nội, anh Phương Văn Bình đã có 12 năm gắn bó với Tổ hổ sinh sản. Theo anh Bình, về khoản ăn uống, hổ là thú nuôi thuộc loại tốn kém nhất và cũng kén chọn nhất. Suất ăn thông thường của một con hổ trưởng thành gồm 5kg thịt bò loại 1; 1kg sườn lợn; 0,5kg gan. Tất cả đều phải tươi ngon. Bên cạnh đó, hổ cũng là loài thú ưa sạch sẽ, vì vậy các anh thường xuyên phải cọ rửa bể tắm, cọ máng và thay nước uống...

Tận tâm với nghề

Ngoài chăm sóc hổ từ bữa ăn, công nhân vườn thú còn chú ý quan sát sức khỏe, thể trạng của những “ông 30” được giao nuôi dưỡng qua cách chúng ăn uống, vận động hằng ngày. “Nếu hổ có những biểu hiện như: Lười ăn hay ăn không hết khẩu phần, đi phân nát, đi đứng không nhanh nhẹn,... là biết ngay thể trạng của “con” hôm nay có vấn đề... Chúng tôi sẽ báo bác sĩ thú y, Phòng Kỹ thuật theo dõi, cần thiết bổ sung thuốc hay tăng, giảm khẩu phần ăn, thay đổi thức ăn...”, anh Phương Văn Bình kể.

Trò chuyện với các công nhân chăm sóc hổ của Vườn thú Hà Nội mới thấy, ngoài lòng yêu nghề, kinh nghiệm, còn là sự tận tâm, là tình yêu thương của các “bố”, “mẹ” dành cho các “con”. Chị Trần Thị Ngọc chia sẻ: “Mới đây nhất (tháng 3-2022), thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Vườn thú Hà Nội đã tiếp nhận 8 cá thể hổ được giải cứu tại Nghệ An (bị 2 hộ dân nuôi nhốt dưới hầm). Các cá thể hổ khi mới đưa về đi lại rất chậm chạp, thường hay nằm ở một góc, ăn uống kém. Để biết được tập tính từng con, chị thường đi sớm về muộn để làm quen; hằng ngày cẩn thận quan sát, cũng như dùng tình cảm, nhẹ nhàng quan tâm... từ đó lựa theo để tiếp cận, chăm sóc... Đến nay sau hơn 7 tháng tiếp nhận, chăm nuôi, đàn hổ đã ổn định phát triển; thể trạng hoạt động nhanh nhẹn, hoạt bát”.

Với chăm nuôi hổ sinh sản lại càng đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ hơn. Chị Nguyễn Hà Thu, Tổ trưởng Tổ hổ sinh sản cho hay, độ tuổi sinh sản của hổ là tầm 6-7 tuổi. Sau khi ghép giống thành công, giai đoạn hổ mang thai là thời gian cần đặc biệt lưu ý... Khoảng thời gian này, hổ sẽ được tăng khẩu phần ăn để bảo đảm dinh dưỡng. Sát ngày hổ đẻ, công nhân không vào vệ sinh và phải che chắn chuồng kỹ lưỡng vì hổ mẹ sẵn sàng bỏ con nếu ngửi thấy hơi người lạ.

Những ngày tháng chăm hổ đẻ, các công nhân chăm sóc hổ quả thực trở thành những ông bố, bà mẹ “bỉm sữa” thực thụ. Tổ chia ca, chăm nom hổ mẹ, hổ con 24/24 giờ. Thậm chí, có con 2 ngày tuổi, hổ mẹ không cho bú nữa, công nhân phải nuôi bộ, từ cho uống sữa theo cữ, theo giờ đến dùng tay kích thích hổ con đi vệ sinh,... Khi “con” biết ăn dặm, công nhân cẩn thận băm nhỏ thức ăn, cho ăn nhiều bữa để hổ con có thể hấp thụ, tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Việc chăm bộ chỉ kết thúc khi hổ con được 4 tháng tuổi và sẽ được thả ra chuồng riêng... "Đến nay, Vườn thú Hà Nội đã 3 lần nhân giống, ghép hổ sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt và 100% hổ con đều sinh trưởng khỏe mạnh", chị Thu cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bảo mẫu chăm ''ông ba mươi''