Bài đầu: Chảy mãi dòng sử thi - di sản
Theo sử sách, hành trình dời đô của đức vua Lý Thái Tổ được thực hiện bằng đường thủy, xuôi dòng sông Sào Khê, sông Hoàng Long, sông Châu Giang và ngược dòng sông Đáy, sông Hồng, sông Tô Lịch để tới thành Đại La. Nghĩa là cách nay 11 thế kỷ, những dòng sông của Thăng Long - Hà Nội đã thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả của mình, gắn liền với vận mệnh đất nước!
Những dòng chảy ngàn năm
Hãy làm cuộc hành trình hơn trăm cây số trên sông Hồng, từ ngã ba Hạc Trì nơi ba con sông hợp lưu (bên này là đất Cổ Đô, Ba Vì, bên kia là thành phố Việt Trì, đất Phong Châu - đất Tổ vua Hùng) qua thị xã Sơn Tây, qua Vân Phúc, Vân Nam (Phúc Thọ), xuôi Đan Phượng về Hà Nội, để thấy sông Hồng có vị thế đặc biệt như thế nào. Đó là con sông rất riêng của Hà Nội, là chứng nhân của lịch sử, là dòng chảy của huyền tích, là khởi nguồn của một nền văn minh lúa nước.
Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ghi rõ, năm 40 - 43, giặc Đông Hán sang xâm lược nước ta, Hai Bà Trưng cùng tướng sĩ chiến đấu tới cùng. Quyết không rơi vào tay giặc, Hai Bà đã tuẫn tiết ở cửa sông Hát - sông Đáy ngày nay (thuộc địa phận xã Hát Môn, Phúc Thọ).
Sau nhiều thế kỷ, dòng Hồng Hà đoạn chảy qua địa phận Hà Nội vẫn vang vọng hào khí Đông A với chiến thắng Đông Bộ Đầu lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (năm 1258), hay chiến công hiển hách "Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù..." cũng của vua tôi nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ 2 (1285)...
Sông Hồng ở bến Bồng Lai, xã Hồng Hà (Đan Phượng) giờ đây tấp nập thuyền bè xuôi ngược. Người ta kể rằng, khúc sông ở đây chảy chậm hơn, khi lặng lẽ hiền hòa, khi réo rắt đến quặn lòng. Đó là khúc tự tình về người con của quê hương Thượng Trì - nữ anh hùng liệt sĩ Hoàng Thị Lê đã bị giặc Pháp bắn chết rồi đẩy xuống sông. Người ta cũng mặc nhiên cho rằng, nước sông Hồng ngầu đỏ không chỉ vì sứ mệnh bồi đắp cho Đồng bằng Bắc Bộ phì nhiêu mà còn bởi dòng máu đào của bao anh hùng liệt sĩ đã hòa với nước sông trĩu nặng phù sa chảy ngầm như máu và bất tử như huyền thoại!
Đắp bồi phù sa, đắp bồi văn hiến
Hơn một trăm cây số chảy trên địa bàn Hà Nội, sông Hồng đỏ nặng phù sa, bồi đắp nên cái nôi của nền văn minh lúa nước nghìn năm Đại Việt. Sông Hồng cũng là hệ thống sông lớn nhất miền Bắc nước ta và lớn thứ hai trên bán đảo Đông Dương, sông Hồng dâng phù sa cho khắp vùng châu thổ - để vựa lúa phì nhiêu ngàn đời dung dưỡng con dân nước Việt!
Hàng nghìn năm qua, hai bờ tả ngạn, hữu ngạn của sông Hồng đã hình thành nên những làng nghề, làng văn hiến nổi tiếng. Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là một trong những làng nghề, làng khoa bảng liên quan mật thiết với cuộc dời đô của nhà Lý cách đây 11 thế kỷ. Đó là khi dời đô lên Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã ban chiếu vời thợ giỏi khắp nơi về xây dựng kinh thành, trong số đó có nhiều thợ giỏi ở các làng Vĩnh Ninh, Tràng Yên, Bồ Bát (Ninh Bình). Từ cuối đời Trần, Bát Tràng đã trở thành “kinh đô” gạch gốm của Thăng Long. Làng ven sông Hồng này còn là một làng khoa bảng có trạng nguyên, tiến sĩ và hàng trăm vị tiên nho nổi tiếng...
Từ lòng sông Cái - sông Mẹ - sông Hồng, những “đứa con” mang tên Đáy, Nhuệ, Tô Lịch, Đuống, Luộc... đã thành hình hài. Sông Tô Lịch có quá khứ huy hoàng, được mệnh danh “là con sông đẹp và thơ mộng bậc nhất chảy giữa kinh thành Thăng Long”. Từ nội thành, sông Tô chảy đến cầu Quán Gánh, cắt ngang quốc lộ 1, sải phóng túng giữa một bên là Liên Ninh (Thanh Trì), một bên là Nhị Khê (Thường Tín) rồi uốn hình chữ U, giống như cánh tay khổng lồ của tạo hóa “đỡ” lấy Nhị Khê trước khi xuôi vài cây số nữa để hợp lưu với sông Nhuệ, kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Vua Lý trong những lần ngự thuyền rồng từ kinh thành xuôi về Nam thấy cảnh đẹp hữu tình đã đặt tên Suối Hoa (Nhụy Khuê - Nhị Khê). Có lẽ vì thế mà những tinh túy của đất trời đã hội tụ, để mảnh đất cuối dòng Tô Lịch trở thành phúc địa - đất “phú quý vinh hoa” sản sinh ra bao nhiêu nhà khoa bảng, chí sĩ yêu nước, trong đó hai đại diện xuất sắc là cha con Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi.
Từ lòng sông Cái, Nhuệ giang được sinh ra, nơi đầu nguồn (Hạ Mỗ, Đan Phượng) có thành Ô Diên bảo vệ nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế. Nhuệ giang xưa là nơi Hai Bà Trưng tụ nghĩa, thuyền bè tấp nập, dưới sông là thuyền chiến, trên bờ là voi chiến. Dân gian đã mô phỏng thành hội hát Chèo tàu để tưởng nhớ Trưng Nữ Vương...
Nhuệ giang chảy đến đâu, nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội sinh ra đến đó: Thế kỷ XII đời nhà Lý vùng quê Hạ Mỗ (nay thuộc địa bàn huyện Đan Phượng) có Thái úy phụ chính Tô Hiến Thành, vị quan thanh liêm, chính trực; thời Lê Trung hưng làng Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) có Tể tướng - Thám hoa Nguyễn Quý Đức; thế kỷ XVI đất Đa Sĩ, Hà Đông có danh y Hoàng Đôn Hòa; hay làng Tả Thanh Oai (Thanh Trì) là nơi sản sinh ra dòng họ Ngô Thì nổi tiếng văn chương, nền nếp thi thư được mang danh “Ngô gia văn phái”, trong đó một nhân vật kiệt xuất là Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), nhà mưu lược quân sự tài ba triều Lê - Trịnh và có nhiều công lao trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước dưới triều vua Quang Trung...
Bên dòng Nhuệ giang, Vạn Phúc là tên gọi gợi nhớ bao điều tốt đẹp về làng lụa nổi tiếng. Vạn Phúc còn là An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ và là nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946.
Từ lòng sông Mẹ, Hát giang (sông Đáy) đúng với tên gọi, là con sông của nhạc và thơ đã đi vào thi phẩm của Quang Dũng nhà thơ tài hoa của xứ Đoài “Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc...” và thi phẩm Dòng sông quê anh, dòng sông quê em của nhà thơ Lai Vu (quê huyện Ứng Hòa).
Còn trong ký ức của ông Nguyễn Ngọc Châu (xã Phù Lưu Tế), một cựu chiến binh đã ở tuổi gần chín mươi, thì sông Đáy chảy qua địa phận Mỹ Đức quê ông đẹp nhất vào những ngày mùa Thu cách mạng 1945. Khi đó, ông mới chỉ là cậu thiếu niên nhưng được hòa vào dòng người chèo thuyền qua sông sang Ứng Hòa giành chính quyền. Hồi đó, nước sông ăm ắp, mát trong. Lòng sông rộng, dọc bờ sông là bãi dâu xanh mướt đã giúp cho nghề trồng dâu chăn tằm truyền thống quê ông mang danh “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Suốt chiều dài hơn 240km, sông Đáy là một trong 5 con sông lớn nhất miền Bắc mà khởi nguồn và kết thúc của sông đều gắn với những huyền thoại, cũng như nó đã chảy qua nhiều mảnh đất “địa linh nhân kiệt” với những làng khoa bảng Vân Canh (Hoài Đức), Đa Sĩ (Hà Đông), Đôn Thư, Canh Hoạch (Thanh Oai), Vân Đình (Ứng Hòa)...
Chảy từ lòng núi Tản, sông Tích gắn liền với truyền thuyết về đức Thánh Tản - một trong “tứ bất tử” của tâm linh người Việt. Sông chảy đến đâu sử thi theo đến đó, trải khắp vùng đất bao la của xứ Đoài và Sơn Nam Thượng. Phần hạ lưu - nơi hợp lưu với sông Bùi (xã Tốt Động, Chương Mỹ) có di tích quán Bến, quán Đừn thờ Lê Ngân, Đỗ Bí, Lý Triện - những danh tướng của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, đã chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh xâm lược, làm nên chiến thắng lịch sử Ninh Kiều - Tốt Động - Chúc Động năm 1426. Vì thế mà sông Tích là con sông của sử thi - di sản...
Hàng nghìn năm nay chảy trong “cơ thể” mạnh mẽ, khỏe khoắn của Thăng Long - Hà Nội, những dòng sông lặng lẽ bồi đắp phù sa, bồi đắp văn hiến, để hôm nay Hà Nội đã rõ vóc dáng của Phù Đổng vươn mình ở nơi có "núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền...” (sử gia Ngô Thì Sĩ).
(Còn tiếp)