Bản đồ vẽ năm 1883 của trung úy Launay có tên phố Thợ Khảm (Rue des Incrusteurs), phố này bắt đầu từ Đồn Thủy kéo dài ra đến tận Cửa Nam ngày nay. Launay đặt tên Thợ Khảm vì hai bên đường có nhiều nhà làm nghề khảm trai. Song người Hà Nội lại không gọi là phố Thợ Khảm mà gọi là Hàng Khay như một sự tiếp nối các phố bắt đầu từ chữ Hàng đã có từ lâu. Sở dĩ họ gọi như vậy vì tất cả đồ nghề của thợ từ cưa, đục nhỏ, dũa, mảnh trai đã mài, sơn... tất cả đều để trong khay gỗ. Audré Masson, tác giả cuốn Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888 viết: “Từ năm 1873 đến 1883, nghề khảm trai và đồ thêu rất phát đạt vì binh lính và nhân viên người Pháp tham gia xây dựng các công trình trong khu Đồn Thủy mua rất nhiều”. Hiện nay, đầu phố Hàng Khay còn một ngôi nhà cổ, trên cao đắp dòng chữ 1886.
Trước hết, phải khẳng định nghề khảm trai có nguồn gốc từ Việt Nam. Cuốn Xứ Đông thuộc Pháp - Những kỷ niệm (xuất bản ở Paris năm 1905), Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (giai đoạn 1897 - 1902) viết: “Tủ chè, đồ gỗ nhỏ khảm xà cừ thật sự được chú ý và nổi tiếng ở vùng Viễn Đông. Những thợ khảm Trung Hoa ở Quảng Châu hình như đã học tập nghệ thuật của người An Nam nhưng tài nghệ còn kém xa”. Nhưng nghề khảm trai xuất hiện ở Thăng Long khi nào? Tại làng Cựu Lâu (nay là khu vực phố Tràng Tiền) từng có đình thờ Thành hoàng Nguyễn Kim (đình bị phá khi thực dân Pháp xây khu nhượng địa Đồn Thủy năm 1876), người được cho là ông tổ nghề khảm trai khi mang nghề đến Thăng Long vào đời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786).
Theo truyền thuyết, Nguyễn Kim là dân thuyền chài quê Thuận Nghĩa (Thanh Hóa), trong một lần đi đánh cá thấy vỏ trai có màu sắc ánh lên đã mang về gắn lên gỗ, sau đó ra Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) dạy cách làm cho dân chúng vùng này rồi mang ra Thăng Long. Thế nhưng, trong bản tường trình lên quan Chưởng Ấn Silhouette, giáo sĩ Pháp Charles Thomas de Saint Phalle (1701 - 1766, đến Thăng Long năm 1732 và sống ở đây 8 năm, thạo tiếng Việt) lại cho rằng, sản phẩm khảm trai có nguồn gốc ở Thăng Long. Thực ra nhận định của Charles Thomas không đúng. Quan điểm về Nguyễn Kim là ông tổ của nghề khảm trai đất Thăng Long chỉ là truyền thuyết. Tuy nhiên, nghề khảm ở Thăng Long do người xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Tây, nay là Hà Nội) mang ra là điều chắc chắn.
Sau khi phố Thợ Khảm được mở rộng, lát vỉa hè vào năm 1885 và cuối năm 1886 được đặt tên chính thức là Paul Bert (tên viên Trú sứ người Pháp tại Hà Nội chết ngày 11-11-1886). Khi phố Thợ Khảm mở rộng, vài chục cửa hàng ven Hồ Gươm bị giải tỏa nhưng vẫn còn nhiều hộ mua đất tiếp tục làm nghề và nghề này kéo dài đến sau 1954. Sau nhiều năm ở Thăng Long, nghề khảm trai lại trở về Chuyên Mỹ và ngày càng phát triển.