Từ những năm 1958 - 1960 đến những năm 1980, mỗi tỉnh, thành ở miền Bắc đều có hệ thống cửa hàng (trực thuộc Sở Lương thực) để phân phối gạo cho toàn dân theo định lượng và trả tiền theo giá cố định: 4 đồng (mệnh giá trước khi đổi tiền năm 1986) cho 10kg. Sổ gạo ra đời từ chế độ phân phối ấy. Mỗi sổ gạo của gia đình, Sở Lương thực đã định mức rồi: Lực lượng vũ trang được phân phối chế độ gạo riêng; công nhân kỹ thuật ở nghề nghiệp lao lực, độc hại được 18kg; viên chức tùy theo ngành nghề được 13 - 15kg; sinh viên được ưu tiên 15kg, xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp, theo ngành nghề từ 10 - 13kg; xã viên hợp tác xã nông nghiệp 10kg, trẻ em thì tùy theo lứa tuổi...
Cửa hàng lương thực phân bố ở các khu phố và khu tập thể. Ví như cả làng Quỳnh Lôi và Khu tập thể Dệt 8-3 dồn về mua gạo ở cửa hàng cuối làng Quỳnh. Khu tập thể Mai Hương mua gạo ở cửa hàng gần phố Bạch Mai. Dân ven đê Lương Yên và khu Lò Lợn mua ở cửa hàng Thúy Ái. Thế nên cứ sáng sớm, ở bất kỳ cửa hàng lương thực nào cũng có cảnh người đã nghỉ hưu hay trẻ 10 - 15 tuổi ngồi cạnh dãy rổ rá, gạch... được xếp từ cánh cửa đóng im ỉm của cửa hàng ra tới mép đường. 7h sáng, cửa kẽo kẹt mở, đám người đứng vụt dậy, xô nhau, chen, có khi cãi nhau om xòm, mặt mũi đỏ như say rượu cho đến khi tiến tới sát bàn cân, đưa sổ gạo cho mậu dịch viên. Tổng cộng, cả nhà bao nhiêu kilôgam gạo, bao nhiêu kilôgam mỳ sợi, mậu dịch viên cân đong trên cái bàn cân tạ, rồi ký roẹt vào sổ gạo. Xong một người.
Được gạo không có mọt là may, vớ phải bao gạo có mọt bò lổm ngổm hay những con sâu gạo béo trắng nung núc, thôi cũng đành tặc lưỡi mang về nhà sàng sẩy lại. Có lần, gạo nhà tôi sắp hết, đang lo nhiệm vụ mẹ giao không làm xong thì lũ trẻ con loan báo: “Ra cửa hàng lương thực Mai Động nhanh lên, có gạo mới về cửa hàng rồi”. Tôi đạp xe vù ra, xếp theo dây gạch, bao tải... Đến lượt mình thì đã quá trưa. Hí hửng nhìn gạo mới, hít hà mùi thơm của gạo, buộc bao gạo lên xe đạp và đèo về. Đến đường vào khu tập thể, tránh ô tô đi ra, xe tôi sa xuống ổ gà. Ôi thôi, cả người cả gạo văng ra khỏi xe... Kiên nhẫn vốc gạo, buộc lại bao mà mắt đỏ hoe.
Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống vẫn còn muôn vàn gieo neo bởi “giặc Bắc giặc Nam máu tràn biên giới”. Tôi nhớ mãi đận Sở Lương thực phân phối mỳ sợi thay bằng khoai tây, gạo thay bằng hạt bo bo. Mùi ngai ngái của khoai tây luộc ngán ngẩm hơn khoai lang luộc thời sơ tán nhiều, mà vẫn phải cố ăn sáng rồi đạp 10km vào Mễ Trì. Đận ấy, Tiểu khu có sáng kiến xin đưa cửa hàng gạo về đầu khu tập thể để phục vụ bà con, không phải ra cửa hàng gạo Quỳnh Lôi hay Mai Động nữa. Ở đây, đông nhất là lũ trẻ lau nhau chen chỗ, cãi nhau, mặt đỏ như gà chọi. Một hôm, đang ngán ngẩm nhìn chúng tóm tóc nhau, bỗng gặp đôi mắt to đen, khuôn mặt trái xoan xinh đẹp đang nhìn ra. Tôi kêu lên: “Lan à, sao bạn lại ở đây?”. Nụ cười rõ tươi hiện ra giữa cái nóng ngột ngạt của dãy nhà lợp mái phibroximang cộng với hơi gạo bốc lên: “Ừ, tớ ra trường rồi, nhưng chưa tìm được chỗ làm, tạm làm chân mậu dịch viên ở đây”. Lũ chúng tôi không ai ngờ, cái cửa hàng gạo ấy lại là cầu nối cho Lan và Mạnh đẹp trai học cùng lớp thời phổ thông nên duyên vợ chồng.
Sau bao nhiêu biến động của cuộc sống, người ở lại thành phố, người đi tìm vùng đất lạ bên trời Âu. Hơn 40 năm sau, chúng tôi lại gặp nhau trong niềm vui mừng khôn xiết. Những kỷ niệm thời chen chúc mua gạo mậu dịch làm sao quên được.
Suốt từ khi vắt vẻo tóc đuôi gà cho đến khi là sinh viên rồi thành chủ gia đình, cuốn sổ gạo luôn gắn với tôi, tính ra, có đến nửa đời người. Người ta thường nhớ thời bao cấp với sự thiếu đói triền miên, nhưng cái đói khiến cho mọi người bao bọc, xích lại nhau. Vay một vài cân khi thùng gạo rỗng là bình thường. Bố mẹ làm ca kíp, đi học về quá bữa, sà vào mâm nhà bạn, gặp bữa, ăn luôn bát mỳ sợi Hải Châu nấu với cà chua, rau muống... Nay "bội thực" cái ăn, mà nhiều khi “đói” tình người. Hà Nội những năm ấy hiện lên trong ống kính của các nhà nhiếp ảnh người nước ngoài, trong lành lạ lùng. Có em bé phải xếp thùng ở máy nước công cộng. Có lũ trẻ bám đằng sau xe điện chơi trò trốn vé. Có vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp chất đầy đồ, sao mà ấm áp.
Những câu chuyện thời bao cấp giờ đã thành "câu chuyện cổ tích", nhưng vẫn cần kể cho con cháu để chúng biết yêu thương, trân quý hơn cuộc sống hiện đại.