Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, tháng 8-2022, thị xã triển khai thí điểm mô hình trồng sâm bố chính, cúc chi theo hướng hữu cơ tại thôn Vị Thủy, xã Thanh Mỹ. Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ) được lựa chọn là đơn vị thực hiện. Với diện tích trồng cúc chi trên 1,3ha, hợp tác xã được UBND thị xã hỗ trợ 50% giá giống, phân bón hữu cơ vi sinh, tổng kinh phí 150 triệu đồng, 50% còn lại hợp tác xã đối ứng.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm Uông Thị Tuyết Nhung chia sẻ: Giống cúc được đưa vào sản xuất là cúc chi ta, bông nhỏ, năng suất hoa tươi đạt 300kg/sào/vụ (khoảng 40kg hoa sấy lạnh). Giá thu mua hiện nay là 60.000 đồng/kg hoa tươi và 500.000 đồng/kg hoa sấy khô, cho thu nhập khoảng 18-20 triệu đồng/sào. Mô hình đang cho thu hoạch những lứa hoa đầu tiên, từ 100 đến 130kg/ha/ngày, dự kiến thu hoạch khi hoa rộ, đạt 200 - 250kg/ha/ngày. Toàn bộ hoa cúc chi sau khi thu hoạch sẽ được sấy lạnh để bảo đảm giữ màu sắc...
Cũng theo bà Uông Thị Tuyết Nhung, sản phẩm hoa cúc chi của hợp tác xã đã được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp mã xác nhận vùng trồng. Hiện, sản phẩm hoa cúc chi hữu cơ đủ điều kiện tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Tương tự, mô hình nuôi thí điểm 56.000 con ếch, sử dụng chế phẩm vi sinh tại xã Đường Lâm và phường Phú Thịnh cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% ếch giống, thức ăn nuôi ếch, chế phẩm xử lý môi trường, men vi sinh, thuốc sát trùng, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi…
Một trong số những hộ tham gia mô hình nuôi ếch, ông Hà Văn Tha ở phường Phú Thịnh khẳng định, mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi ếch thương phẩm có ưu điểm vốn đầu tư ít, không đòi hỏi kỹ thuật cao, việc chăm sóc và cho ếch ăn không mất nhiều thời gian. Ngoài ra, nuôi ếch sử dụng chế phẩm vi sinh còn giúp bảo vệ môi trường và cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, cần nhân rộng trên địa bàn các xã, phường khác...
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong, năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn thị xã đạt 1.302 tỷ đồng; giá trị bình quân trên 1ha canh tác ước đạt 115 triệu đồng. Thị xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình liên kết chuỗi, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, UBND thị xã Sơn Tây cũng giao Phòng Kinh tế phối hợp với UBND phường Trung Sơn Trầm xây dựng đề án trồng hoa cây cảnh giai đoạn 2022-2030; tổ chức các đợt tham quan tại làng hoa cây cảnh xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), Trung đoàn bộ binh 692 (Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội)... để khảo sát một số mô hình phát triển kinh tế trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, từ đó triển khai áp dụng và nhân rộng trên địa bàn thị xã, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị canh tác, đồng thời, cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn, chất lượng.