Sống đẹp

Thầm lặng cống hiến, làm đẹp cho đời

Dương Linh 23/09/2023 - 07:03

Quét dọn rác - công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại rất nhọc nhằn, vất vả. Ấy vậy mà gia đình anh Đinh Duy Đức (sinh năm 1984) đã có 3 đời cùng theo nghề vệ sinh môi trường. Anh Đức còn đang đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Tổ môi trường số 3, Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO).

Với ý thức trách nhiệm cao, thầm lặng cống hiến, anh vừa vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" vào tháng 9-2023.

don-rac.jpg
Anh Đinh Duy Đức thu gom rác từ các hộ gia đình trên địa bàn quận Đống Đa.

“Vì duyên nghiệp với rác”

Gần 19h30, những chiếc xe gom rác ùn ùn kéo về điểm tập kết ở số 1A phố Khâm Thiên (quận Đống Đa). Trong ánh đèn đường, những công nhân Tổ môi trường số 3 cần mẫn làm việc. Sau khi đảo qua một vòng các điểm thu gom rác của tổ, anh Đinh Duy Đức, Tổ trưởng Tổ môi trường số 3, Chi nhánh Đống Đa về đến điểm gom phố Khâm Thiên. Anh Đức tranh thủ chia sẻ: “Tính ra cả nhà tôi có tới hơn 50 năm gắn bó với nghề. Bắt đầu là ông nội tôi, sau đó đến bố tôi, rồi tới vợ chồng tôi cũng trở thành công nhân vệ sinh môi trường”.

Qua câu chuyện, được biết, anh Đức đã tốt nghiệp một trường cao đẳng với tấm bằng trung cấp điện trong tay. Nhưng có lẽ như anh nói “vì duyên nghiệp với rác”, anh lại chọn theo nghề vệ sinh môi trường như ông và cha mình. “Chị thấy đấy, rác nặng mùi thế này, hơn nữa, công việc lại đặc thù, vất vả và cực nhọc nên đòi hỏi người công nhân phải có lòng yêu nghề thì mới gắn bó lâu dài được”, anh Đức chia sẻ tiếp.

Sau 24 năm công tác ở vị trí công nhân vệ sinh môi trường, ông Đinh Duy Phúc (sinh năm 1959), bố anh Đức về hưu và được lãnh đạo bố trí làm bảo vệ tại Chi nhánh Đống Đa từ năm 2017. Tâm sự về hoàn cảnh gia đình, ông giãi bày: “Vợ chồng tôi lấy nhau năm 1983, sau khi sinh Đức năm 1984, mẹ cháu mắc bệnh khớp, khó khăn trong đi lại. Hằng ngày vừa đi học, Đức vừa phải chăm sóc, giúp mẹ việc nhà. Tuổi thơ của Đức gắn liền với những chuyến xe rác của bố mẹ. Hoàn cảnh vợ chồng tôi rất khó khăn nên Đức chịu nhiều thiệt thòi, nhưng cháu ngoan và hiếu thảo”.

Nhớ lại quãng thời gian còn đi thu gom rác trước đây, ông Phúc nói: “Ngày trước, công nhân quét rác đã là nghề nặng nhọc, nhưng hiện nay công việc này vất vả hơn bởi lượng rác thải nhiều, trong đó còn có loại rác độc hại, nguy hiểm”.

Biết con trai vừa vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt", ông Phúc rất phấn khởi. “3 năm trước, cháu nỗ lực lao động và được đứng trong hàng ngũ của Đảng, cả nhà đều mừng. Nay cháu lại được nhận danh hiệu của thành phố, gia đình chúng tôi vui lắm”, ông Phúc chia sẻ.

Ít ai biết rằng, 21 năm trong nghề vệ sinh môi trường thì cũng ngần đó năm, anh Đinh Duy Đức không được đón giao thừa cùng gia đình. “Cứ ngày 29, 30 Tết, nhà nhà sắm sửa, chuẩn bị đón năm mới, còn công nhân môi trường thì chưa được nghỉ, vì những ngày này vô cùng nhiều rác. Con cái gửi cho ông nội, vì cả hai vợ chồng đều đi làm. Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 1 chúng tôi mới được về nhà để đón Tết. Nhưng thấy đường phố sạch sẽ trong năm mới, chúng tôi luôn vui và tự hào về nghề mình đã chọn”, anh Đức cười nói.

Cho cuộc sống mãi xanh tươi...

Gắn bó với nghề từ năm 2002, đến nay anh Đinh Duy Đức đã làm công việc này 21 năm và có thâm niên hơn 6 năm làm Tổ trưởng. Tổ môi trường số 3 có 24 công nhân, đảm trách duy trì vệ sinh môi trường tại 3 phường: Thổ Quan, Trung Phụng, Khâm Thiên (quận Đống Đa). Đây là địa bàn rộng, tập trung đông dân cư, nhiều ngõ ngách, chợ dân sinh… nên hằng ngày khối lượng rác thải phát sinh rất lớn.

“Công việc của công nhân môi trường thường bắt đầu từ 17h hôm trước đến 1-2h hôm sau hoặc có thể kéo dài hơn, cho đến khi hết rác. Trung bình một công nhân phải thu gom 5-7 xe rác đầy mỗi ngày. Các dịp lễ, Tết thường phải tăng ca do lượng rác thải phát sinh lớn hơn”, anh Đức nói.

Bên cạnh việc luôn hoàn thành tốt công việc được giao, anh Đức còn phối hợp, điều hành, sắp xếp lịch trình công việc của các thành viên trong Tổ môi trường số 3 bảo đảm an toàn lao động, khoa học, hợp lý. Điều đáng nói, anh Đức cùng các thành viên trong tổ còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khó. Đơn cử như năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, địa bàn Tổ môi trường số 3 phụ trách cũng không tránh khỏi có các điểm phong tỏa, cách ly. Trong lúc ấy, với tinh thần trách nhiệm, anh Đức sẵn sàng vào tâm dịch thu dọn, không để rác thải tồn đọng, đồng thời đôn đốc công nhân trong tổ thực hiện đúng quy trình khi thu rác thải sinh hoạt.

Mới đây, trong vụ cháy nhà tại ngõ Thổ Quan (phường Khâm Thiên) ngày 8-7-2023, ngay sau khi nhận được đề nghị giúp đỡ hỗ trợ thu dọn vệ sinh của chính quyền sở tại, chỉ đạo của Ban Giám đốc Chi nhánh, anh Đức đã xung phong và động viên anh chị em trong tổ đến ngay hiện trường, ứng trực bố trí công nhân phối hợp với xe vận chuyển rác thu dọn, bốc xếp các vật dụng bị cháy, hư hỏng của gia đình nạn nhân. “Tôi cũng chỉ nghĩ là mình giúp được gì cho gia đình, cho xã hội thì làm. Trong quá trình thu dọn, tôi nhắc nhở anh em lưu ý những vật dụng nào còn có thể sử dụng, tận dụng sửa chữa được thì hỏi ý kiến gia đình, chính quyền địa phương để giữ lại, giúp cho gia đình vơi bớt phần nào thiệt hại”, anh Đức cho biết.

Không chỉ làm tốt công việc chuyên môn, anh Đức còn tích cực tham gia, phối hợp với tổ dân phố tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường như đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác thải bừa bãi… Với những thành viên trong tổ, anh luôn coi họ như người thân trong gia đình, luôn quan tâm, giúp đỡ, san sẻ công việc, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, anh càng được mọi người quý mến, tin tưởng và trân trọng.

Nói về người Tổ trưởng, chị Phạm Thu Liên (sinh năm 1977), là công nhân trong tổ, bày tỏ: “Chồng tôi bị mất sức lao động, con trai sức khỏe yếu, một mình tôi cáng đáng mọi việc trong nhà nên hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Anh Đức quan tâm anh chị em trong tổ, có việc gì cũng đỡ đần chúng tôi. Chị em nhiều khi ốm đau đột xuất, nhưng không thể bỏ công việc thu gom rác, anh Đức sẵn sàng hỗ trợ”.

Với những cố gắng, nỗ lực trong công việc, anh Đinh Duy Đức liên tục đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Tổ môi trường số 3 cũng thường xuyên được khen thưởng. Đặc biệt, tháng 9-2023, anh Đinh Duy Đức đã vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt". Theo anh Đức, phần thưởng cao quý trên sẽ trở thành nguồn động lực quý giá để anh tiếp tục hăng say lao động, cống hiến nhiều hơn nữa.

Nhận xét về anh Đinh Duy Đức, Giám đốc Chi nhánh Đống Đa Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: "Anh Đức là Tổ trưởng tổ sản xuất luôn biết cách quy tụ, đoàn kết các anh chị em trong tổ. Là đảng viên trẻ, với nhiều kinh nghiệm và có tinh thần trách nhiệm cao, anh Đức không quản ngại khó khăn, động viên anh chị em công nhân trong tổ sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ đột xuất, tăng ca, tăng giờ. Đây thực sự là tấm gương để các công nhân trong tổ noi theo".

Vui mừng vì nỗ lực và cống hiến của mình được ghi nhận, nhưng anh Đức cũng không giấu được những suy tư, trăn trở. “Cũng như nhiều anh chị em đồng nghiệp, sau mỗi ngày làm việc, tôi nhìn thấy đường phố sạch đẹp thì trong lòng thấy vui, vì đã góp phần nhỏ bé cho xã hội. Tuy nhiều người chưa biết sự cống hiến thầm lặng của chúng tôi, nhưng tôi chỉ mong rằng, người dân có ý thức bảo vệ môi trường hơn, không vứt rác bừa bãi, để công nhân đỡ vất vả, không gian sống cũng tốt hơn. Và tôi cũng mong muốn thu nhập của công nhân vệ sinh môi trường được nâng cao hơn, để đời sống anh chị em thêm phần ổn định”, anh Đức bộc bạch.

Tự hào về người con trai duy nhất của mình, ông Đinh Duy Phúc chia sẻ: “Dẫu biết rằng, công nhân vệ sinh môi trường là vất vả sớm khuya, tiềm ẩn nhiều rủi ro và lương bổng vẫn còn thấp, nhưng tôi tin là cháu Đức giống tôi, dù khó khăn thế nào cũng vượt qua, không bỏ nghề”. Sau lời bày tỏ, ánh mắt người cha sáng lấp lánh...

Chia tay họ, trong lòng tôi ngân lên câu hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…”. Công việc của công nhân vệ sinh môi trường là thế, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ. Chỉ khi nào đường phố sạch đẹp thì họ mới được về nhà nghỉ ngơi. Để người dân có môi trường trong lành, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang ngày đêm âm thầm cống hiến, làm đẹp cho đời, vun đắp cuộc sống mãi xanh tươi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầm lặng cống hiến, làm đẹp cho đời