Vàng son một thuở
Giống như bao làng nghề đúc đồng lâu đời khác ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ như làng Yên Xá, Tống Xá ở Ý Yên (Nam Định); Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đông Mai (Hưng Yên) hay các phố Ngũ Xã, Lò Đúc (Hà Nội)..., người dân làng Đào Viên ở Bắc Ninh cũng tôn thờ vị tổ nghề Nguyễn Minh Không - người có công đưa nghề đúc đồng từ Trung Quốc về Đại Việt và là người tạo nên “An Nam tứ đại khí” thời Lý - Trần. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngày nay, nhiều làng nghề đúc đồng truyền thống vẫn tồn tại và phát triển, không ít trong số đó đã trở thành những điểm du lịch làng nghề hấp dẫn.
Với tay nghề khéo léo, vào thời nhà Lê (thế kỷ XV - XVI), những người thợ ở Đào Viên cùng với 4 làng Đông Mai, Điện Tiền, Châu Mỹ, Lộng Thượng (Hưng Yên) được nhà vua vời về Thăng Long lập trường đúc tiền và đồ thờ. Sau đó, họ ở lại sinh cơ lập nghiệp và lập nên phường đúc đồng Ngũ Xã, nay thuộc phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội). Từ xưa đến nay, những người thợ làng Đào Viên hay Ngũ Xã được tiếng khéo léo đã chế tác nên những sản phẩm bằng đồng tinh xảo như chân nến, lư hương, đỉnh, hạc, chuông, khánh... và đặc biệt là các pho tượng lớn được làm bằng kỹ thuật đúc đồng liền khối mà chỉ người dân hai làng này nắm giữ bí quyết. Có thể kể tới những tác phẩm có giá trị như 3 pho tượng lớn ở chùa Hàm Long; 2 pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh và tượng Phật Di Đà tại chùa Thần Quang (Hà Nội); 2 pho tượng thành hoàng làng, 2 quả chuông nặng 200kg và các đồ thờ tại đình - chùa Đào Viên do các nghệ nhân trong làng tạo tác, phản ánh sự phát triển cực thịnh của làng nghề Đào Viên nhiều thế kỷ trước.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cùng chính sách tiêu thổ kháng chiến, nhiều đình, đền, chùa ở Đào Viên không còn giữ được nguyên trạng và nghề đúc đồng cũng bị mai một. Đến những năm 1990, khi Nhà nước chủ trương mở cửa kinh tế thị trường, một số người trong làng đã tìm cách khôi phục nghề truyền thống. Nhớ lại quãng thời gian ấy, ông Nguyễn Đức Phong, 69 tuổi, ở thôn Đào Viên ngậm ngùi chia sẻ: “Khi ấy, các cụ giỏi nghề còn lại rất ít. Nhưng với sự giúp đỡ của thợ làng Lộng Thượng (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) ở sát bên - những người trước đây từng sang học nghề và làm thuê cho người làng bên này, nên nghề đúc đồng ở làng Đào Viên đã được khôi phục. Đến nay, làng có khoảng 10 lò đúc, mang lại thu nhập ổn định cho các gia đình, đồng thời thổi bùng ngọn lửa làng nghề tưởng đã tắt suốt nhiều thập niên”.
Nỗ lực khôi phục nghề và phát triển du lịch
Vừa nhanh tay dàn đều những khối đất sét lên khuôn một chiếc đỉnh, anh Nguyễn Quân Cơ, 37 tuổi, vừa chia sẻ với du khách đến thăm xưởng sản xuất đồng của gia đình: “Mặc dù mới được khôi phục khoảng 20 năm nay nhưng nghề đúc đồng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn một số nghề khác. Người thợ Đào Viên vẫn giữ cách làm thủ công, mọi công đoạn chỉ làm bằng tay mà không sử dụng đến máy móc nên năng suất tuy chưa cao nhưng sản phẩm luôn đẹp, mang bản sắc riêng của làng nghề. Vì vậy, ngày càng nhiều người biết đến sản phẩm của chúng tôi”.
Ghé thăm cửa hàng đồ đồng mỹ nghệ Hoàn Chín ở sát cổng làng Đào Viên, không ít du khách đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước vẻ tinh xảo của các sản phẩm như chân đèn, mâm đồng, tranh chữ, tượng và nhiều đồ thờ cúng khác. Chị Ngô Việt Hà, du khách đến từ phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi tham quan làng nghề, được tận mắt thấy hoa văn sinh động chạm khắc trên sản phẩm, tôi càng cảm nhận rõ hơn sự khéo léo và tâm huyết của người thợ làng nghề Đào Viên. Những người thợ ở đây đã vượt qua khó khăn để tìm lại sức sống cho làng nghề. Đó là điều đáng trân trọng”.
Nhiều người con của làng Đào Viên sau khi lập nghiệp ở nơi khác đã tìm về với tâm nguyện là khôi phục lại nghề truyền thống và giữ gìn cho các thế hệ sau. Hiện nay, các di tích như đình - chùa Đào Viên, nhà hội đồng - nơi thờ tổ nghề đúc đồng, hay giếng làng đều được người dân và chính quyền địa phương chung tay trùng tu, bảo tồn. Nhiều gia đình đã khôi phục lò đúc, tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm. Điều mà người dân nơi đây mong muốn nhất là chính quyền địa phương quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo mô hình sinh thái - làng nghề kết hợp trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, xây dựng bảo tàng làng nghề; qua đó góp phần phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng “xanh” và bền vững.