Ngôi làng giàu nét văn hóa
Ngồi nghỉ mát bên hồ bán nguyệt trước cửa đình Đại - di tích lịch sử cấp quốc gia, ông Vũ Ngọc Thu (75 tuổi) - người dân thôn Tri Chỉ phấn khởi cho biết, làng Tri Chỉ có tên nôm là làng Chể. Tên gọi “Tri Chỉ” nghĩa là “biết dừng”- tri là biết, chỉ là dừng, thể hiện lối sống khiêm nhường đã có từ ngày lập làng của người dân.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Thu, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, thôn đã có rất nhiều thay đổi và về diện mạo và đời sống người dân. Làng quê đã phong quang, sạch đẹp hơn rất nhiều. Ngoài làm nông nghiệp, người dân Tri Chỉ còn có thêm nghề làm nón và gần đây là nghề mây, tre, giang đan nên kinh tế phát triển khá.
Tri Chỉ hôm nay vẫn mang dáng dấp của một làng cổ in đậm nét đặc trưng của vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ với những đình, chùa cổ kính. Làng có 2 đình là đình Đại và đình Vũ đều có niên đại hàng trăm năm. Đặc biệt, trước cửa đình Đại hiện còn 2 cây quéo cổ thụ, tỏa bóng mát cả một vùng rộng lớn… Nơi đây, mùa đông cũng như hè, rất đông người già, trẻ nhỏ ngồi nghỉ ngơi, thư giãn... Còn với đình Vũ là nơi thờ tự tổ nghề có công dạy dân làm nón và áo tơi lá… Nhờ có nghề này mà đời sống của nhân dân trước đây rất ấm no.
Xã Tri Trung còn có làng Trung Lập hay còn gọi tên nôm là kẻ Sộp. Người dân làng Trung Lập lại rất mê hát chèo. Theo các cụ cao tuổi truyền lại, đoàn chèo của làng được thành lập từ năm 1936.
Từ những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, đất chèo Trung Lập đã được nhiều nghệ sĩ gạo cội của các đoàn chèo lớn về tập huấn, hỗ trợ cũng như “tuyển quân” nên nhiều cô gái của làng Trung Lập có cơ duyên “đầu quân” cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Đến năm 1999, Câu lạc bộ hát chèo của làng Trung Lập chính thức được thành lập. Đó là nơi để mọi người thể hiện niềm say mê với chèo, đồng thời, cũng lưu giữ lại các vốn chèo cổ có nguy cơ bị mai một.
Giờ đây, Trung Lập đã thành làng hát chèo với nhiều giọng hát có tiếng như ông, bà: Đỗ Thị Hoa, Lê Thị Phái, Lê Danh Ứng, Quang Liễn, Lê Tuấn Khiết… Nhiều con em làng chèo Trung Lập đang công tác ở các đoàn chèo Hà Nội, Phú Thọ, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Tiếng hát chèo ở Trung Lập không chỉ là “món ăn” tinh thần của người dân quê mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm nên sức sống văn hóa mới của quê hương.
Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, làng Tri Chỉ và Trung Lập đều có nhiều đổi thay. Trong các ngôi làng, hệ thống giao thông được bê tông sạch sẽ thuận lợi cho người dân đi lại; cả 2 thôn đều có nhà văn hóa khang trang là địa chỉ để người dân sinh hoạt các câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn nghệ. “Toàn xã Tri Trung có 2 sân cầu lông, 3 sân bóng chuyền, 2 sân bóng đá mini. Năm 2022, địa phương đã lắp đặt dụng cụ thể dục - thể thao ngoài trời tại sân nhà văn hóa, nhân dân rất phấn khởi”, Chủ tịch UBND xã Tri Trung Lê Hữu Cường cho biết.
Đồng lòng xây dựng quê hương
Trong quá trình xây dựng làng quê sạch đẹp, bên cạnh sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền còn có sự chung sức rất lớn của nhân dân, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Ông Lê Đăng Phát, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Tri Chỉ cho biết, xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã đóng góp kinh phí để trùng tu, tôn tạo các công trình tâm linh, chỉnh trang đường làng ngõ xóm với số tiền hàng tỷ đồng. Cũng chính người dân đã tự giác giữ vệ sinh môi trường khu dân cư luôn sạch sẽ.
Cô giáo Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tri Trung cho biết, chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, từ năm 2020, nhà trường đã báo cáo UBND xã cho phép chuyển điểm đổ phế thải trước cổng trường diện tích 600m2 thành khuôn viên đẹp. Nhà trường đã phát động giáo viên ủng hộ được 40 triệu đồng, cha mẹ học sinh ủng hộ được 9 triệu đồng cùng rất nhiều ngày công lao động để dọn sạch phế thải, đổ lớp đất màu trồng hoa; xây đường nội bộ trong khuôn viên. Từ một điểm đổ phế thải nay đã trở thành khuôn viên sạch sẽ để các em nhỏ vui chơi; là nơi để phụ huynh chờ đón con trước giờ tan lớp…
Theo Chủ tịch UBND xã Tri Trung Lê Hữu Cường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã huy động được hơn 131 tỷ đồng, trong đó có hơn 8,2 tỷ đồng là vốn xã hội hóa. Đến nay, 100% tuyến giao thông ở Tri Trung đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Xã có trường học 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó, Trường Tiểu học Tri Trung đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã Tri Trung cũng đã được đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa quy mô xã với diện tích 8.800m2, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 4-2023. Hai thôn của xã cũng đều có nhà văn hóa - khu thể thao…
Cùng với diện mạo khang trang, đời sống người dân cũng ngày một đổi thay. Với địa hình chủ yếu là vàn trũng nên người dân Tri Trung đã chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình lúa - cá. Hiện, toàn xã có 183ha trồng lúa, trên 64ha nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nhiều hộ đã nuôi thủy sản tập trung kết hợp với ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cá cho nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó tiêu biểu như mô hình nuôi thủy sản của hộ ông Vũ Đình Trọng với diện tích 2,5ha cho doanh thu từ 3,5 đến 4,2 tỷ đồng mỗi năm…
Mới đây, xã Tri Trung đã được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá công nhận đạt đủ tiêu chí để thành phố xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.