Hà Nội văn

Trở về cố hương

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ 05/10/2024 09:05

Chiếc taxi lao vun vút hướng lên sân bay Nội Bài. Nghĩ đến người chị ruột đã xa cách gia đình, bặt tin đến bảy chục năm trời, bà Sơn hồi hộp, bồn chồn đến lạ. Bà chỉ nhang nhác nhớ dung mạo bà Giang qua ảnh hồi nhỏ.

Giờ bác ấy đã ngót tám chục tuổi, hẳn tóc đã bạc và gương mặt khác xưa nhiều. Bà Sơn hỏi con trai xem đã chuẩn bị tấm biển ghi tên bác Giang chưa, cậu ta bảo: “Mẹ yên tâm. Con cho in chữ to, đậm rồi. Cứ giơ lên, bác ấy khắc biết là người nhà ra đón mà”.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

... Thời Pháp thuộc, bố bà Sơn học kỹ thuật hỏa xa, làm việc tại ga Hàng Cỏ. Mẹ bà buôn bán vặt và nội trợ. Gia đình ở nhờ nhà ông bà ngoại tại một phố cổ. Ông bà sinh bốn người con, hai gái đầu và hai trai kế tiếp. Bố bà cũng khéo đặt tên con, lần lượt là Giang, Sơn, Bền, Vững, như gửi gắm ước vọng về quê hương, đất nước. Bà Giang sinh năm 1948, hơn bà Sơn bốn tuổi. Năm 1954, ông bà sinh thêm cậu Bền, rồi bốn năm sau “chốt hạ” cậu Vững.

Bà ngoại của bà Sơn ngày đó thường đi buôn tạp hóa, gặp món hàng gì hời thì buôn thứ đó. Bà rất quý đứa cháu gái đầu, đi đâu cũng cho đi theo. Hai bà cháu lên tận Đồng Đăng, vào chợ Đại dù bà Giang lúc ấy mới lũn tũn năm, sáu tuổi, thường ngồi lọt thỏm một bên quang gánh. Thế rồi một lần, vào giữa năm 1954, bà ngoại cho Giang đi bỏ mối hàng ở Hải Phòng rồi không thấy trở về. Cả nhà đỏ mắt mong ngóng, ngược xuôi tìm kiếm nhưng vô vọng. Có người bảo có khi hai bà cháu bị cướp, rồi bị thủ tiêu. Lại có tin bà cháu đã lên tàu thủy đi Nam... Ngày ấy, bà Sơn mới hai tuổi. Quá buồn bã, ông ngoại trở bệnh rồi qua đời sau đó một năm.

Hòa bình lập lại, bố bà Sơn vẫn làm việc ở ga Hà Nội, mẹ bà mở tổ đan len tại nhà. Bà ngoại và Giang thì vẫn biệt vô âm tín. Năm 1972, Bền 18 tuổi liền xung phong đi bộ đội, vào Nam chiến đấu. Chừng hơn một năm sau gia đình nhận giấy báo tử, Bền đã hy sinh tại Tây Nguyên. Cậu út Vững dù chưa đủ 18 tuổi cũng làm đơn tình nguyện nhập ngũ, nhưng không được chính quyền địa phương chấp nhận.

***

Vợ chồng bà Sơn sinh được hai con trai. Cậu lớn bây giờ là kỹ sư điện, cậu út là giảng viên đại học, đều đã yên bề gia thất. Ông bà đã có bốn cháu nội đủ nếp tẻ. Còn vợ chồng ông Vững cùng là công nhân nhà máy thuốc lá, có hai con, một trai, một gái. Anh con lớn là sĩ quan quân đội, đóng quân gần Hà Nội. Cô út làm giáo viên cấp hai dạy gần nhà.

Bố mẹ bà Sơn qua đời khi mới qua ngưỡng thất thập. Đại gia đình bốn chị em giờ chỉ còn nhà bà Sơn và nhà ông Vững. Sau năm 1975, bà Sơn, ông Vững và các con đã nhiều lần vào Nam, tìm gặp người quen, họ hàng sống trong đó để hỏi han tin tức về bà ngoại và bác Giang nhưng không có kết quả. Thì cứ hỏi cầu âu vậy...

Thế nhưng dường như cuộc đời thường xuất hiện phép màu khi mọi sự tưởng như đã tuyệt vọng. Một buổi tối, con trai bà Sơn là giảng viên đại học tình cờ phát hiện trên facebook một người dùng có nick là “Giang Phạm” đăng nhiều hình ảnh cả ngày bé và hiện tại có nhiều đặc điểm giống bác mình bèn nói với mẹ. Bà Sơn lấy tấm ảnh cũ ra so sánh. “Trời! Đúng rồi! Đúng là bác Giang đây rồi!”. Bà bảo con nhắn tin vào facebook của người đó, quả đúng là bà Giang. Bà Giang và các con đang định cư ở Mỹ. Chị em, bác cháu nhận nhau qua facebook mừng mừng tủi tủi. Bà Sơn rân rấn nước mắt, nhắn tin giục chị về Hà Nội thăm quê cha đất tổ, thắp nhang cho ông bà tổ tiên kẻo lúc tuổi cao quá, muốn về mà lực bất tòng tâm. Bà Giang đồng ý, thu xếp mọi việc để bay về thăm quê hương.

***

Hai mẹ con có mặt tại sân bay đúng giờ máy bay hạ cánh. Cậu út nhà bà Sơn giơ cái biển tên lên chừng 3 phút thì một người đàn bà tóc bạc trắng, dáng cao thanh mảnh đẩy chiếc xe chở đồ từ bên trong ra cửa an ninh rồi tiến đến, nhìn chằm chằm vào hai mẹ con và hỏi: “Dì Sơn phải không?”. Sau một phút sững sờ, bà Sơn ôm chầm lấy bà kia, reo lên: “Chị Giang! Chị Giang! Em Sơn đây!”. Cậu út đỡ lấy chiếc xe chở đồ. Hai chị em ôm nhau khóc, nước mắt giàn giụa. Khi bà Giang kiểm đồ để chuyển ra ô tô, thấy thiếu một cái túi xắc da đựng tiền cùng giấy tờ tùy thân. “Chết rồi! Cái túi quan trọng nhất chị quên lúc lấy đồ rồi!” - bà Giang hốt hoảng. Rất nhanh, cậu út chạy vụt đi báo với an ninh sân bay. Chỉ ít phút sau, nhân viên an ninh hàng không đã mời bà Giang vào phòng ký, nhận lại chiếc túi bà bỏ quên ở gần băng chuyền. Bà Giang mừng rỡ, rút ra mấy tờ đô la đưa cho người nhân viên an ninh để cảm ơn nhưng anh này gạt đi: “Bác cất tiền đi, đừng làm thế. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của chúng cháu”. Bà Giang ngạc nhiên: “Các chú không lấy tiền thưởng, tiền “bo” thật à? Thế mà họ cứ nói là...”.

Trên ô tô, bà Sơn bảo căn nhà ở phố cổ bây giờ gia đình cậu Bền ở, lo hương khói tổ tiên. Gia đình bà hiện ở căn nhà khác cùng vợ chồng con út. “Bây giờ em đưa bác đến khách sạn, cháu nó đặt trước rồi, cũng gần nhà em, tiện đi lại” - bà Sơn tươi cười nói. Bà Giang không chịu, cứ nằng nặc đòi về nhà bà Sơn ở để chị em tâm sự cho đã, chứ ở khách sạn xa cách quá.

Mọi người vừa về tới nhà thì bỗng ông Vững gọi điện báo tin là con trai lớn của ông đã liên hệ tìm được hài cốt ông Bền, hiện đang ở tỉnh Kon Tum, ba hôm nữa sẽ mang di cốt ra để an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà. Cả nhà mừng rỡ, đúng là “song hỷ lâm môn”. Bà Sơn phấn chấn: “Bác Giang thật may mắn nhé, vừa thăm quê hương hội ngộ anh chị em với các cháu, vừa được gặp cậu Bền, liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc!”.

Sau khi cơm nước xong, hai chị em tâm sự gần trắng đêm. Bà Sơn gặng hỏi:

- Sao chị với bà ngoại đi Nam mà không báo cho gia đình? Làm cả nhà lo lắng, đau buồn suốt mấy chục năm...

Bà Giang rầu rĩ nói:

- Cũng không biết sao nữa! Bà ngoại kéo chị lên tàu thủy ở Hải Phòng, ý định đi Nam buôn một chuyến hàng rồi trở ra, nhưng kẹt không quay lại được...

- Ở trong Nam sao chị không tìm cách báo tin về nhà?

Bà Giang kể, ở trong đó họ nói rằng ngoài Bắc mất tự do, khổ sở, toàn ăn độn khoai sắn với bo bo, không ai được học hành. Họ còn dọa nếu ai trở ra Bắc sẽ bị cùm kẹp, tra tấn, kể cả liên hệ với người thân ngoài đó cũng bị làm khó dễ, thậm chí còn bị bỏ tù. Bà ngoại thì mất ở trong Nam rồi, bà Giang đã đưa cốt lên chùa thờ phụng. Bà Giang lấy ông chồng cũng người Bắc, tính tình hiền lành. Ông bà sinh được hai cô con gái. Chồng bà là lái xe đò liên tỉnh, bọn mật vụ nghi là Việt cộng nên bị chúng sát hại trong một chuyến đi Tây Ninh...

Bà Sơn hỏi:

- Họ tuyên truyền vậy, chị có tin không?

- Thì cũng bán tín bán nghi. Họ nói ra rả mãi rồi dân cũng ngờ ngợ...

Bà Sơn tiếp:

- Đúng là hồi chiến tranh ăn uống kham khổ thật. Nhưng hễ cứ khổ quá lại bỏ nước ra đi thì lấy ai ở lại giữ nước và xây dựng kinh tế!? Còn việc học hành, chị thấy đấy, con em và con cậu Vững đều học đại học, có cháu còn học trên đại học nữa ấy chứ...

Bà Giang cười vui:

- Các cháu tôi thiệt giỏi ghê!

Rồi bà Giang kể hai cô con gái bà giờ đứa làm tiệm nail, đứa đi phụ hàng ăn. Bà rủ họ cùng về Hà Nội chuyến này nhưng không ai thu xếp được. Bà Sơn thắc mắc:

- Trong Nam, chị chỉ buôn bán, có hoạt động ngụy quân ngụy quyền gì đâu mà lại vượt biên, tị nạn?

Bà Giang rầu rĩ:

- Thì cũng sợ ở lại phải sống khổ sở... Vả lại, dân họ đi ầm ầm, mình thấy vậy cũng theo chứ đâu có biết tị nạn tị nung là gì đâu.

***

Trước khi đưa di cốt ông Bền về quê an táng, chính quyền phường tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ trang trọng. Vị đại diện ủy ban nhân dân phường đọc trong niềm xúc động: “Liệt sĩ Phạm Bền, một công dân của Thủ đô ta đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Chúng ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do, để chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay”...

Bà Giang ghé tai bà Sơn, sụt sùi: “Giá còn sống, cậu Bền năm nay cũng tròn 70 tuổi. Cậu ra đi vì nghĩa lớn, còn chị rời bỏ quê hương chỉ vì bản thân. Sự trở về của cậu Bền thật vinh quang. Còn chị, chị thấy mình ích kỷ, vô tích sự quá!”.

Bà Giang còn nói những gì bà tai nghe mắt thấy trong chuyến đi này đã khiến bà quyết định sẽ trở về sống hẳn ở Hà Nội, để nếu có nằm xuống thì cũng sẽ được nằm trên mảnh đất đã sinh ra bà. Và hai cô con gái của bà chắc cũng sẽ vâng theo ý mẹ để cùng trở về cố hương trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở về cố hương