Hà Nội 360

Văn nhân xứ Đoài

Vân Hạ 30/07/2023 09:46

Xứ Đoài - vùng đất mà lịch sử đã chứng kiến nhiều lần tách nhập. Nhiều thế kỷ qua, văn hóa xứ Đoài vừa phát triển song hành với văn hóa Thăng Long, lại vừa gắn kết, hội nhập, làm giàu thêm bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong đó, ở lĩnh vực văn chương, có biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ đã làm rạng danh hai mảnh đất, nơi sinh trưởng và nơi họ cống hiến, bằng những giải thưởng danh giá.

sach1.jpg
Tập tản văn viết về làng Chùa, quê hương của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Trong dòng chảy văn học xứ Đoài hòa nhập về “biển lớn” Hà thành, có thể bắt gặp nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Xưa có các danh nhân Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Đặng Trần Côn, Phan Huy Chú, Nguyễn Siêu, Dương Khuê, Nguyễn Thượng Hiền, Tản Đà... Tiếp nối là thế hệ của các tác giả như Nguyễn Nhược Pháp, Ngân Giang, Quang Dũng, Tô Hoài, Ngô Quân Miện, Thế Mạc, Tô Hà, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Nguyễn Sơn Đỗng, Nguyễn Trí Huân... Và nay là nhiều cây viết đã và đang chăm chỉ gieo hạt trên cánh đồng văn chương như Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy, Trần Hòa Bình, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Vương Tâm, Hà Nguyên Huyến, Nguyệt Chu...

Ngấm trong mình văn hóa xứ Đoài từ thuở ấu thơ, những lớp văn nghệ sĩ quê gốc Hà Đông, Hà Tây ấy lại tiếp tục trưởng thành trong cái nôi văn hiến Hà Nội. Văn hóa xứ Đoài - văn hóa Thăng Long trong họ đều hòa quyện không thể tách rời, và văn chương của họ từ đó “cất cánh” với nhiều giải thưởng, cao quý nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Tiêu biểu cho sự hòa quyện và cất cánh giữa hai dòng văn hóa, không thể không nhắc đến nhà thơ Quang Dũng, người làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng. Ông nổi tiếng với những câu thơ như “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”; “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc”; thậm chí “xứ Đoài mây trắng” trong “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” của ông trở thành cụm danh từ mà những thế hệ sau hay sử dụng mỗi khi nhắc về mảnh đất này.

Cùng được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 với nhà thơ Quang Dũng là nhà thơ Bằng Việt, nguyên quán ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất. Trong cuộc đời sáng tác của mình, Bằng Việt nổi tiếng với các tập thơ “Hương cây - Bếp lửa”, “Đất sau mưa”, “Bếp lửa - Khoảng trời”, “Ném câu thơ vào gió”. Ngoài thơ sáng tác, ông còn có nhiều tập thơ dịch như “Hãy nói bằng ngôn ngữ của tình yêu”, “Lọ lem”, “Thơ Raxun Gamzatốp”...

Nữ nhà thơ Xuân Quỳnh quê quán ở La Khê, Hà Đông, với những đóng góp của mình, bà không chỉ được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà còn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với hai tập thơ là “Lời ru trên mặt đất” và “Bầu trời trong quả trứng”.

Sinh ra và lớn lên tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đưa vào trong văn chương của mình nhiều, thật nhiều hình ảnh làng Chùa quê hương ông. Ông từng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều ở làng Chùa mà mình có thể viết mãi không hết, viết mãi cũng chưa chạm được vào điều mình muốn viết, những điều lớn lao chứa đựng trong vùng đất nhỏ bé”. Với những người viết nặng ân tình quê hương như Nguyễn Quang Thiều, nếu kể về chính mảnh đất của mình bằng ký ức và bằng tưởng tượng thì đề tài có lẽ không bao giờ vơi cạn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận được hơn 20 giải thưởng văn học trong và ngoài nước, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Ở lĩnh vực văn xuôi, các nhà thơ quê hương xứ Đoài cũng khẳng định tài năng văn chương của mình qua các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương sinh ra và lớn lên tại Kiến Hưng, Hà Đông. Ông nổi tiếng với các tác phẩm “Cỏ non”, “Biển gọi”, “Những tầm cao”, “Ngàn dâu”, “Những cánh rừng lá đỏ”... Đóng góp cho dòng văn học kháng chiến chống Pháp bằng truyện ngắn "Thư nhà" khi mới xấp xỉ 19 tuổi (năm 1948) và khi ở tuổi 77 nhà văn lại giới thiệu cuốn tiểu thuyết viết về Bác Hồ dưới một góc độ hoàn toàn mới, mang tên “Cha và con”.

Nhà văn Nguyễn Kiên, có tên khai sinh là Nguyễn Quang Hưởng, quê quán ở Vạn Phúc, Hà Đông, được biết đến với nhiều tác phẩm viết về nông thôn như “Vùng quê yên tĩnh”, “Lá rụng”, “Trong làng”, “Vụ mùa chưa gặt”, “Ngày và đêm hậu phương”, “Trái cam trong lòng tay”... Ông cũng có nhiều trang viết đặc sắc cho thiếu nhi như “Chú đất nung”, “Ếch xanh đi học”, “Tiếng kèn đồng”, “Vì sao thước kẻ lại chui ra khỏi cặp”...

Là một trong số ít nhà văn hiện đại chuyên chú và thành danh với thể loại truyện ngắn, nhà văn Vũ Thị Thường là “nhân vật” trong những câu thơ của chồng - nhà thơ Chế Lan Viên: “Cái rét đầu mùa, anh rét xa em/ Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa/ Một đắp cho em ở vùng sóng bể/ Một đắp cho mình ở phía không em”. Nữ nhà văn Vũ Thị Thường tên thật là Lê Kim Nga, quê quán ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thường Tín. Bà tạo dấu ấn trên văn đàn bằng tác phẩm “Cái hom giỏ”, rồi sau đó là các tập truyện ngắn nổi tiếng khác như “Gánh vác”, “Hai chị em”, “Bông hoa súng”, “Câu chuyện bắt đầu từ những đứa trẻ”...

Sinh năm 1950 tại xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, nhà văn Khuất Quang Thụy sở hữu hàng chục tiểu thuyết và truyện ngắn, trong đó nổi tiếng nhất là cụm 3 tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng” đã đưa ông tới Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Cũng là nhà văn xứ Đoài được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007 là cây bút Nguyễn Trí Huân. Ông sinh trưởng tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, được biết tới với các tác phẩm như tập truyện ngắn “Mặt cát”, tiểu thuyết “Năm 75 họ đã sống như thế”, “Chim én bay”, tập ký “Dấu thời gian”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn nhân xứ Đoài