Di sản

Về với bơi chải Hương Sơn

Thiện Mỹ 20/10/2023 - 10:08

Giữa tiết thu trong trẻo, trên dòng suối Yến thanh bình, những người con xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) quanh năm gắn bó với nghề chèo đò được đằm mình trong niềm vui của ngày hội bơi chải. Đã nhiều năm không tổ chức, giải bơi chải năm nay vỡ òa niềm hân hoan và kết nối mọi người hướng cùng về tôn vinh nghề chèo đò trên dòng suối Yến...

Rộn ràng trên dòng suối Yến

Sáng chủ nhật 15-10, cả một khúc suối Yến trước khu vực đền Trình thuộc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương - xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) rộn ràng tiếng chiêng, trống từ sớm. Cả một góc trời rực đỏ từ màu áo của các cổ động viên và cờ đỏ sao vàng, ai ai cũng hớn hở chen chân bên suối để cổ vũ, reo hò cho các đội bơi chải.

Sau màn khai mạc với tiết mục biểu diễn lân sư rồng đặc sắc của Câu lạc bộ Hiệp Nghĩa Đường Hương Sơn, các tiết mục nghệ thuật sôi động của Câu lạc bộ nhảy Zumba Hương Sơn, các đội thi lần lượt vào vị trí tập kết, sẵn sàng cho cuộc đua, mỗi lượt 2 đội thi, tính điểm theo thời gian.

Khi hiệu lệnh cất lên, các tay bơi bắt đầu trổ tài. Với động tác chèo mạnh, dứt khoát, nhịp nhàng, sức mạnh của cả đội được tổng hòa, thuyền rẽ sóng lao đi. Tiếng chiêng, trống cùng tiếng hò reo, vỗ tay của người dân, khách thập phương hai bên bờ suối đã tiếp thêm sức mạnh cho 180 vận động viên ở 12 đội chèo...

9(1).jpg
Rộn ràng một khúc suối Yến.

Giải bơi chải năm nay tề tựu đông đủ “anh hào” đến từ 8 cơ quan, đơn vị trong xã, gồm: Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, lực lượng vũ trang xã Hương Sơn, Công đoàn xã Hương Sơn, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hương Sơn, Đoàn Thanh niên xã Hương Sơn, Hợp tác xã dịch vụ du lịch xã Hương Sơn, thôn Yến Vỹ và thôn Đục Khê. Đặc biệt, giải năm này còn có sự tham gia của đội chải xã bạn Đốc Tín (huyện Mỹ Đức).

Cuộc thi kết thúc trong tiếng trống rền vang, kết quả từng đội chênh nhau được tính đến từng phút, từng giây. Chiến thắng không chỉ thuộc về các đội, mà là chiến thắng trong lòng toàn dân xã Hương Sơn.

Chứng kiến các tay chèo nắm tay nhau kết đoàn sau phần trao giải, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Bùi Văn Triều không giấu nổi niềm vui: “Cuộc thi bơi chải là chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và công nhận xã Hương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Việc tổ chức giải cũng nhằm khôi phục, giữ gìn giá trị văn hóa - thể thao truyền thống của địa phương, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích, cũng là dịp để các đơn vị giao lưu, đoàn kết, nâng cao sức khỏe".

1(4).jpg
Các đội bơi chải nỗ lực hết mình...
3(2).jpg
quyết tâm cán đích...

Tôn vinh nghề chèo đò

Bơi chải là cuộc thi đã có từ lâu đời trên dòng suối Yến. Tuy không được tổ chức hằng năm, song giải bơi chải đã ngấm vào máu của người dân nơi đây.

Ông Bùi Văn Sinh, thôn Yến Vỹ kể: “Trước kia chỉ có 2 thôn Đục Khê và Yến Vỹ tổ chức thi bơi chải với nhau, dần dần giải mở rộng, có cả địa phương khác cùng chung vui. Khi còn trẻ, tôi cũng đã 4 lần là tay chèo. Nay đã 84 tuổi, được chứng kiến cuộc đua, tôi háo hức như trở về ngày xưa...”.

11.jpg
Người dân hồ hởi cổ động giải bơi chải.

Cũng là người từng tham gia nhiều cuộc thi bơi chải, ông Bùi Ngọc Dũng (thôn Yến Vỹ) chia sẻ, được cha ông truyền lại, giải bơi chải như trở thành “đặc sản” văn hóa của địa phương. Thôn Yến Vỹ có đến 90% người làm nghề chèo thuyền phục vụ du khách tham quan chùa Hương. Vì thế, cuộc thi nhắc nhớ về một nghề gắn bó với người dân từ đời này sang đời khác.

"Thời xưa, chúng tôi chèo thuyền thúng, thuyền gỗ, theo thời cuộc, nay là thuyền sắt, nhẹ hơn và chở được nhiều khách hơn. Chúng tôi mong địa phương ngày càng có nhiều hoạt động đặc sắc thế này để thu hút du khách thập phương", ông Dũng nói.

7(1).jpg
Giải bơi chải ghi đậm dấu ấn trong lòng người dân xã Hương Sơn.

Giải bơi chải không chỉ là dấu ấn với lớp người nhiều tuổi, mà còn là những trải nghiệm sâu đậm với nhiều người trẻ, dù lập nghiệp nơi xa, dù bận rộn thế nào, cũng luôn hướng về quê hương mỗi dịp lễ hội.

Chị Đinh Thị Phượng, người con xã Hương Sơn vồn vã kể: “Mẹ tôi yêu nghề lái đò. 5 anh chị em chúng tôi lớn lên, học đại học cũng nhờ nghề của mẹ. Hình ảnh mẹ mặc áo bà ba chèo đò đẹp lắm. Bà vừa chèo đò, vừa giới thiệu cho du khách sự tích từng hòn núi ở di tích Hương Sơn... Hôm nay, bà đứng bên suối dõi theo và cổ vũ các đội bơi, nhìn các tay chèo, mẹ tôi lại nhớ về những ngày là lái chính, lại muốn được như thuở nào... Chúng tôi cũng thấy xúc cảm dâng tràn và tự hào với nghề chèo đò phục vụ khách tham quan trên dòng suối Yến của người dân quê mình...”.

Là một trong 15 thành viên trên chiếc thuyền có thành tích xuất sắc - về đích nhanh nhất, bà Bùi Thị Ninh (55 tuổi), đội trưởng Đội nữ thôn Yến Vỹ xúc động: “Chúng tôi làm nghề chèo thuyền phục vụ du khách nên việc tham gia giải bơi mang rất nhiều ý nghĩa. Chúng tôi nỗ lực không phải chỉ để giành giải, mà còn mong muốn được cống hiến cho nghề, cho bản sắc của quê hương...”.

Tuy không được tổ chức thường niên, nhưng cuộc thi bơi chải Hương Sơn năm 2023 thực sự đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người. Có lẽ, đó chính là động lực để xã Hương Sơn quyết tâm tổ chức giải hằng năm ở tầm quy mô hơn gắn với phát triển du lịch chùa Hương.

“Sâu xa hơn, giải bơi chải chính là hoạt động tôn vinh nghề chèo thuyền sông nước cho người dân nơi đây, họ đã gắn bó, mưu sinh trên dòng Yến. Người dân yêu nghề, họ sẽ gắn bó và có trách nhiệm với nghề, đó chính là điều làm nên hồn cốt của nghề chèo đò, của giải bơi chải”, ông Bùi Văn Triều chia sẻ thêm...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Về với bơi chải Hương Sơn