Bưởi Diễn chuẩn nhất thiết phải trồng trên đất Diễn (nay thuộc hai phường Phú Diễn và Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chỉ có thổ nhưỡng đặc biệt tại nơi đây mới cho ra những trái bưởi ngon, ngọt và thơm nhất.
Bưởi Diễn có màu vàng, mùi thơm thanh mát cuốn hút rất đặc trưng. Theo quan niệm dân gian, bưởi Diễn tượng trưng cho tài lộc thịnh vượng. Từ xa xưa, bưởi Diễn là thức quà quý, chuyên dùng để tiến vua. Đây cũng là đặc sản ăn Tết không thể thiếu trong mỗi gia đình Hà Nội.
Cây bưởi Diễn ra hoa vào đầu xuân, và khi thu đến, những trái bưởi vàng rực đã lúc lỉu trên cành. Đến vườn bưởi, chưa thấy quả đã thấy mùi thơm ngan ngát. Thứ hương này phảng phất trong gió, nao nao quyến rũ lòng người.
Không như những giống bưởi khác, khoảng tháng Tám đã chín và được thưởng thức lúc còn tươi, bưởi Diễn phải chờ đến Tết, lúc héo ăn mới ngon. Cây bưởi Diễn càng già quả lại càng nhỏ và vị ngọt càng trở nên đặc biệt, sắc mà thanh. Khi cây có tuổi từ 15 đến 20 năm, trái bưởi chỉ còn bằng cỡ chiếc bát ăn cơm nhưng vỏ mỏng dính, múi mọng nước và hương vị không gì sánh được.
Trước Tết Nguyên đán 1-2 tháng, người ta thường trẩy bưởi xuống, bôi vôi vào cuống, để dưới gầm giường hoặc dưới đất cho bưởi xuống đường. Bưởi Diễn có thể để được từ 3 đến 4 tháng. Trông quả bưởi nhăn nheo, khô quắt, xấu xí nhưng múi bưởi vẫn mọng đầy nước và hương vị không hề thay đổi.
Bưởi Diễn là một trong những món quà ngày Tết của người Hà Nội. Xưa nay, người Hà Nội ăn uống theo mùa không chỉ vì ngon, mà còn là để thưởng thức cái hồn của đất trời, là một phần quan trọng trong tâm thức.
Tôi còn nhớ hồi bà ngoại còn sống, gần Tết, thấy gầm giường chất đầy bưởi Diễn là thấy Tết no đủ và thơm nức.
Vì bưởi Diễn là loại quả hơi khó bổ, phần cùi và vỏ của nó rất mỏng nên bà dạy mấy chị em phải bổ cẩn thận, nguyên múi, ráo tay, chứ mà toét nước thì chỉ có vứt đi. Bà là con gái Hà Nội xưa, đảm đang và chịu khó vô cùng.
Giờ mỗi lần nhìn thấy đám bưởi Diễn trong gầm giường là lại thấy nhớ Ngoại vô cùng...