Chạm tay vào mùa cũ

Diên Khánh| 12/09/2020 06:55

(HNMCT) - Những quả thị trên phố chở hương thu, chở cả ước mơ về cuộc sống an yên, một thứ quả khiến tôi nghĩ về em, về mùa cũ tuổi nào. Hương thị đưa tôi về ngoại thành, nơi góc vườn nhà vẫn còn vẹn nguyên ở đó gốc thị đã thành cổ thụ. Mùa này cũng thơm nức vườn. Khung cảnh khu vườn vẫn vậy. Tiếng chim ríu rít chào buổi sáng như đón hương.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Lòng cứ bồi hồi ngẩn ngơ tiếc nhớ một thời. Tôi chạm tay lên thân cây, vít một cành thấp nhất. Những quả thị đu mình trên cành, thơm phức, vàng hượm mịn màng. Làng tôi xưa nhiều thị lắm. Thị thành vườn, cùng ổi, na, mít, xoài thành những ngôi vườn cổ tích. Mùa thu thi nhau chín, mùa hoa quả thi nhan sắc, tạo thành lễ hội của riêng loài quả. Hoa quả gọi chim về làm mùa thơm, đủ đầy. Quê tôi giờ đã thay đổi nhiều. Sắc màu quê đẹp hơn và đường rộng hơn. Những ngôi vườn đẹp, trữ tình vẫn được giữ lại, như một thứ tài sản quý báu của cả làng. Nhưng dòng sông vẫn vậy, bến sông vẫn thế và tình yêu quê hương vẫn chẳng đổi thay.

Ngày ấy tôi đã yêu hương thị, như yêu mái tóc người con gái láng giềng gội đầu mượt thơm bằng bồ kết, bằng vỏ bưởi, giản dị một thời thanh xuân nơi xóm làng. Tôi yêu quả thị như yêu tiếng chim đầu hồi. Tôi vẫn hỏi em rằng tiếng chim hay hương thị dậy sớm hơn? Em cười dịu dàng. Hương thị chẳng bao giờ đi ngủ. Phải không mùa thu? Phải không những điều giản dị mà đẹp đẽ? Là hàng xóm, hai đứa lớn lên bên nhau ở xóm làng êm ái nhưng đầy kỷ niệm. Ngày ấy tôi trèo cây giỏi lắm. Vẫn thường hái ổi, hái quả cho bà đi chợ, hái cho em cả những chùm sương ướt ngọt thuở thiếu thời.

Góc sân ấy, khoảng trời ấy thật tuyệt diệu, nơi tôi và em lớn lên bên nhau. Bà vẫn kể chuyện cô Tấm khi chúng tôi còn chưa đi học. Sau này đi học rồi, thêm những lần cổ tích ngấm vào ký ức. Để quả thị là thứ quả gửi gắm ước mơ, gửi gắm tin yêu vào đôi mắt nhau. Bà nội vẫn thường gom thị và những thứ quả hái được trong vườn đem ra chợ quê bán và mua thêm thứ quà khác cho các cháu. Dưới gốc thị, ông bà vẫn hằng ngày làm công việc của mình, là bện chổi lúa, đánh thừng, chão để mang ra chợ bán. Nhìn cách ông bà làm việc, tôi hiểu được rằng dù cuộc sống vất vả nhưng thuận vợ thuận chồng thì cuộc sống ấm êm vẫn hiện diện, con cái ngoan ngoãn, phương trưởng.

Góc sân vườn thị vẫn còn. Ông đã về thiên cổ. Bà không mang thị ra chợ bán nữa. Công việc đó chị tôi làm thay. Em không còn đến vườn thị nhà tôi bởi đã lấy chồng, sang bên kia sông. Mỗi mùa thị về tôi vẫn đứng ngóng trong hiu hiu gió thổi, thấy mình chạm vào mùa thu và những nỗi niềm xưa cũ. Mùa thị chỉ là cái cớ, là cái ghim neo lại để ta nhớ mà về. Bởi chẳng có gì lớn lao bằng tình cảm và kho ký ức. Mà góc quê ấy, những vườn thị, bến sông ấy chẳng phải là kho tàng của mỗi người con làng tôi đấy sao!

Phố phường Hà thành có nhiều thú chơi, trong đó có chơi thị. Thị mua về không phải để ăn, mà để thơm. Thị bày lên đĩa. Thị đặt trong giỏ đan bằng sợi dây len treo ở trong phòng. Hương mùa thu tỏa khắp phòng. Một vài thanh niên làng tôi đã biết cách mang thương hiệu của làng lên phố, bán thị cho thương lái. Thị làng tôi về với nhiều gia đình. Mà nhiều gia đình Hà Nội cũng muốn sống lại ký ức, chạm tay vào mùa đã rất xưa xa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chạm tay vào mùa cũ