''Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân'' được đánh giá, phân hạng OCOP

Nguyễn Mai| 14/12/2022 12:18

(NSHN) - Ngày 14-12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hà Nội (Hội đồng OCOP) đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thường Tín lần 1 cho 17 sản phẩm. Đặc biệt, lần đầu tiên huyện Thường Tín có sản phẩm du lịch tham gia đánh giá trong Chương trình OCOP.

Thành viên Hội đồng OCOP thành phố thăm và kiểm tra thực tế "Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân" của chủ thể Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Đặng Thị Thanh Hương, qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, toàn huyện Thường Tín đã có 152 sản phẩm được đánh giá, công nhận. Trong đó có 140 sản phẩm 4 sao và 12 sản phẩm 3 sao; trên địa bàn huyện đã hình thành 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân và xã Hà Hồi.

Với mục tiêu tập trung vào các sản phẩm thế mạnh ở nhóm nông sản, thực phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề tiêu biểu ở địa phương, năm 2022, huyện có 17 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, trong đó có 14 sản phẩm đánh giá lần đầu và 3 sản phẩm đánh giá lại (do hết thời hạn 3 năm từ ngày được chứng nhận theo quy định).

Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên huyện Thường Tín có sản phẩm du lịch tham gia đánh giá, phân hạng là "Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân" của chủ thể Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm đặc sắc khác như: "Chiếu hạt" của xã Nhị Khê; tranh tứ quý gỗ mít của xã Tô Hiệu; "Túi vải thêu tay" của xã Nguyễn Trãi; "Khoai tây" của Hợp tác xã nông nghiệp Hà Hồi...

 Hội đồng OCOP thành phố đánh giá các sản phẩm dự thi.

Tại hội nghị, các sản phẩm được đánh giá đều đáp ứng các tiêu chí để tham gia đánh giá lần 2 và trình UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, Thường Tín là một trong những địa phương có số sản phẩm OCOP được đánh giá, công nhận đứng đầu thành phố. Điều đó cho thấy huyện đã vào cuộc rất quyết liệt trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể để khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương tham gia vào Chương trình OCOP góp phần thức đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

"Thường Tín là địa phương thứ hai của thành phố có sản phẩm tham gia OCOP về du lịch là xã Hồng Vân. Các điểm du lịch nông thôn ở Hồng Vân vừa đẹp, vừa giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Nếu được công nhận OCOP, sẽ giúp du khách trong nước và quốc tế nhận diện và đến thăm miền quê này đông hơn, giúp người dân Hồng Vân phát triển kinh tế tốt hơn", ông Ngôn nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân'' được đánh giá, phân hạng OCOP