Xưa và nay

Độc đáo lễ hội kén rể thôn Đường Yên

Bài và ảnh: Nguyễn Công 18/02/2024 - 06:25

Đầu xuân là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội độc đáo, đặc sắc trên khắp dải đất hình chữ S, trong đó có lễ hội kén rể diễn ra vào ngày 2 tháng Hai (âm lịch) tại thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh.

Đây là lễ hội lâu đời và độc đáo, được tổ chức nhằm tưởng nhớ và suy tôn nữ danh tướng Lê Thị Hoa - người đã có công đánh giặc cứu nước dưới thời Hai Bà Trưng.

ken-re.jpg
Hai chàng rể bắt đầu phần thi cày ruộng.

Theo thần phả tại đình làng Đường Yên thì làng Đường Yên thờ bà Lê Thị Hoa, một danh tướng của Hai Bà Trưng và là người có công chữa bệnh cho dân làng. Đến tuổi gả chồng, mẹ nữ tướng Lê Thị Hoa và dân làng tổ chức kén rể, từ đó, lễ hội kén rể ra đời và được người Đường Yên giữ mãi cho đến ngày nay.

Ông Trần Văn Hiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đường Yên, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Theo truyền thuyết, bà nữ tướng Lê Thị Hoa làm nghề cắt thuốc để chữa bệnh cho người dân. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà Lê Thị Hoa đã tập hợp 50 thanh niên trong làng, gồm cả nam và nữ, để theo Hai Bà Trưng đánh giặc ngoại xâm. Sau khi thắng trận, Thái thú Tô Định tháo chạy về nước thì nữ tướng Lê Thị Hoa được Hai Bà Trưng phong làm tri phủ huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Sau khi được phong chức và trở về làng Đường Yên, bà được dân làng nghênh đón và sau này bà được tôn làm Thành hoàng làng. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 2 tháng 2 (Âm lịch), nhân dân lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công đức to lớn của bà đối với Đường Yên”.

Lễ hội kén rể làng Đường Yên đã có từ lâu đời, tuy nhiên, đã có giai đoạn lễ hội bị thất truyền, khoảng thời gian đó kéo dài khoảng 60 năm. Mãi đến năm 2001, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhân dân làng Đường Yên đã khôi phục lễ hội.

Lễ hội kén rể mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam và được chuẩn bị công phu từ trang phục đến việc lựa chọn người đóng vai vào các vị trí khác nhau. Đặc biệt, người vào vai nữ tướng Lê Thị Hoa và hai chàng rể được lựa chọn rất tỉ mỉ theo tiêu chí cụ thể. Ông Nguyễn Hữu Đạo, chủ khảo hội thi kén rể năm 2023 cho biết: “Khâu tuyển chọn vai diễn được làm rất cẩn trọng. Vai nữ tướng Lê Thị Hoa và hai chàng rể thông thường phải là người có học thức, chăm ngoan, xinh đẹp, chưa lập gia đình riêng đồng thời gia đình phải gương mẫu, có uy tín với làng xóm và được mọi người yêu mến”.

Hai chàng rể được chia làm 2 phe Bắc và Hậu, cùng thi tài qua các trò chơi dân gian, gồm 5 phần thi: Đối đáp, thi cày, câu ếch, bắt chạch trong chum và chọc chó. Các tích trò đều dựa trên thực tế sản xuất nông nghiệp, thể hiện ước vọng của người dân về cuộc sống ấm no hạnh phúc, mưa thuận gió hòa... Phần thi cày là phần thi quan trọng của lễ hội kén rể. Hai chàng rể sẽ phải thể hiện kỹ năng thuần thục khi buộc dây vào cổ trâu và tạo ra những đường cày thẳng, thể hiện sự hoạt bát và khỏe mạnh, đây là tiêu chí để đánh giá màn so tài cao thấp giữa hai chàng rể. Tiếp nối phần thi cày là phần thi câu ếch. Trò chơi này thể hiện sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Trong khi câu, nếu ếch nhoài người ra khỏi vòng tròn thì là phạm luật và người câu ếch không được tính điểm. Khi tung mồi tóm được ếch, chàng rể sẽ đem con ếch về trình ban giám khảo. Sau 3 lần thi, nếu ai câu được ếch trước thì người đó sẽ thắng.

Phần thi hấp dẫn và thu hút đông đảo người xem nhất là bắt chạch trong chum. Hai thị nữ của mẫu bà được giao nhiệm vụ gây khó dễ cho việc bắt chạch của các chàng. Dứt 3 hồi trống thì cuộc thi kết thúc, ban giám khảo sẽ cho điểm và công bố phần thắng thuộc về ai. Sau đó, chàng rể thắng cuộc trong trang phục mới sẽ sánh bước cùng nữ tướng ra mắt dân làng và hội thi kén rể kết thúc.

Lễ hội kén rể của làng Đường Yên với nhiều trò chơi dân gian thú vị là một lễ hội độc đáo, thu hút không chỉ những người dân Đường Yên đang làm ăn, sinh sống trên khắp cả nước về dự hội mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương. Lễ hội kén rể góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm, giáo dục về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ta, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết của nhân dân Đường Yên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo lễ hội kén rể thôn Đường Yên