Chuyện giữ nghề ở làng chạm khắc đồ mỹ nghệ
Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng luôn đau đáu tình yêu nghề, trân quý giữ gìn những nét tinh hoa nghề truyền thống của cha ông.
Trong nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống, người thợ nghề làng Thiết Úng đang gửi gắm hy vọng vào tương lai phát triển làng nghề gắn với du lịch văn hóa như một cơ hội chuyển mình đầy hấp dẫn, đưa sản phẩm làng nghề lớn mạnh, vươn xa...
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
Trong một ngày giá rét cuối năm 2023, chúng tôi về làng Thiết Úng, xã Vân Hà (huyện Đông Anh) tìm gặp nghệ nhân Đỗ Danh Nam, một trong những người con xuất sắc của làng nghề, để chiêm ngưỡng những tác phẩm mà anh vừa chế tác. Anh Nam nhiệt tình đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh làng. Dừng trước nhà thờ tổ, anh Nam cho biết, khác với các làng nghề truyền thống khác, người làng Thiết Úng không thờ một vị tổ nghề có hành trạng, sự tích cụ thể. Họ thờ tổ nghề và thành hoàng làng là Bình Thục Đại vương và Đông Pha Đại vương. Dưới thời nhà Nguyễn, nhiều người thợ giỏi của làng Thiết Úng từng được triệu vào cung để tham gia trang trí xây dựng cung điện lăng tẩm cho vua chúa, trong số họ có nhiều người đã được triều đình ban sắc phong.
Đến thế kỷ XX, nghề chạm khắc và những bí quyết gia truyền vẫn được bảo lưu trong từng gia đình và dòng họ. Nhiều gia đình có cả ba thế hệ cùng làm nghề. Bằng đôi tay khéo léo, tinh tế, người thợ Thiết Úng đã điều khiển những dụng cụ đồ nghề một cách điệu nghệ, thuần thục với nhiều cung bậc để tạo nên những hình khối, dáng vẻ sống động, gần gũi với đời sống của người dân. Nghề chạm khắc gỗ có nhiều khó khăn hơn một số nghề thủ công khác. Người thợ ngoài sức khỏe còn cần đức tính cần mẫn, kiên trì, đôi tay khéo nhưng không thể thiếu đầu óc tinh tế, năng lực tái hiện, sáng tạo những mẫu mới phù hợp với nhu cầu xã hội.
Tượng được coi là sản phẩm tiêu biểu của làng nghề Thiết Úng. Sự khác nhau của mỗi tác phẩm còn phụ thuộc vào tài năng, sự nhạy cảm của nghệ nhân tạc tượng để tạo nên cái hồn, thổi vào đó sức sống vĩnh cửu, trường tồn. Những nghệ nhân, thợ giỏi làng Thiết Úng tự hào vì họ thành thạo các quy chuẩn thông số, tỷ lệ cấu thành các pho tượng. Muốn làm một sản phẩm, người thợ phải bắt đầu từ khâu chọn gỗ tùy theo mặt hàng khách yêu cầu mà lựa cho phù hợp, trong đó tiêu chuẩn cao nhất là gỗ phải bảo đảm độ bền, không cong vênh, rạn nứt. Thớ gỗ phải dẻo dai, mịn, như vậy mới bền lâu, dễ chạm khắc, đánh bóng mới đẹp. Sau khi chọn gỗ thích hợp, người thợ phải xẻ, cắt, đẽo, bào phần thô theo hình dáng kích thước đồ vật cần làm.
Nghệ nhân Đỗ Danh Nam tâm sự: "Từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã quen thuộc với tiếng đục đẽo trên gỗ “lách cách”. Sau này, nhờ được sự chỉ bảo nhiệt tình của cố nghệ nhân Đào Văn Bồi, tôi học được cách chạm trổ các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như thuyền rồng, lẵng hoa…, độc đáo không ai có". Nghệ nhân bộc bạch, các sản phẩm lẵng hoa được đục bằng tay, thủ công hoàn toàn. Tác phẩm vừa thể hiện hành tượng hoa ở bên ngoài vừa có cả hoa ở bên trong và hoàn hảo ở chỗ nhìn xung quanh đều có hoa. Với sản phẩm này, người nghệ nhân phải mất 3 tháng mới hoàn thành. Không chỉ khéo tay, tỉ mỉ mà người nghệ nhân phải có trí tưởng tượng phong phú, sự sáng tạo.
Nhờ sự thông minh, nhanh nhạy, những tác phẩm đẹp, độc đáo từ tay nghệ nhân chế tác được nhiều người biết đến. Đơn đặt hàng từ các tỉnh, thành phố ngày đến một nhiều. Công việc phát triển, nghệ nhân càng vui vẻ truyền nghề cho con cháu.
Xưởng của ông Đỗ Danh Nam thu hút rất nhiều người đến học nghề và làm việc. Một số người khi có nghề quay ra mở cơ sở riêng, trở thành xưởng "vệ tinh". Đến nay, Nghệ nhân Đỗ Danh Nam đã truyền nghề cho vài trăm người. Trong đó, nghệ nhân nhớ nhất là người học trò ở huyện Sóc Sơn có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, mồ côi cả cha lẫn mẹ, được trung tâm bảo trợ xã hội cưu mang. Vì cảm mến nghị lực của người này, ông Đỗ Danh Nam đã truyền nghề miễn phí.
Năm 2013, ông Nam được xét tặng nghệ nhân. Năm 2014, ông giành giải Nhì cuộc thi mỹ thuật ứng dụng toàn quốc với sản phẩm “mâm Tứ Linh”. Ngoài ra, các sản phẩm của người nghệ nhân này được trưng bày tại nhiều sự kiện, hội chợ, triển lãm của thành phố… Nghệ nhân Đỗ Danh Nam chia sẻ, để sản phẩm làng nghề có thể vươn ra thế giới, ngoài những tác phẩm mang tính truyền thống như tượng Phật, đồ thờ cúng, con giống…, ông và các nghệ nhân làng nghề còn chủ động nghiên cứu, sáng tạo, chế tác một số sản phẩm theo mẫu mã, văn hóa nước ngoài để giới thiệu với khách hàng.
Sự cần cù, chủ động tìm bạn hàng nhằm mở rộng thị trường của ông Đỗ Danh Nam và thợ nghề làng Thiết Úng đã mang lại những tín hiệu tích cực với tổng giá trị sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ một năm ước đạt hơn 20 tỷ đồng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm cao cấp của Thiết Úng còn được khách nước ngoài đặc biệt ưa chuộng. Cụ thể, trong dịp đầu năm 2024, một số sản phẩm do các nghệ nhân chế tác đã được khách hàng Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc… đặt hàng với số lượng lớn, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tìm thêm hướng đi mới
Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề Thiết Úng ngày càng mang tính sáng tạo cao, nhiều mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, giữ được nét văn hóa của người Việt Nam. Các sản phẩm mỹ nghệ không chỉ mang giá trị trưng bày mà còn có tính ứng dụng cao vào cuộc sống. Làng nghề cũng đang giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động, thợ đơn thuần có thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Với thợ tay nghề cao, lương dao động từ 500.000 đến 600.000 đồng/ngày, tương ứng 25-30 triệu đồng/tháng. Cùng với nguồn tri thức và máy móc hiện đại, người thợ làng nghề Thiết Úng vẫn làm nghề theo cách truyền thống, nghĩa là từ khâu chọn gỗ, vẽ mẫu, khắc gỗ đến hoàn thành sản phẩm, tuyệt nhiên không sản xuất hàng loạt theo cách chuyên môn hóa, sản xuất hiện đại. Có lẽ vì phương thức sản xuất kỹ tính này, sản phẩm gỗ mỹ nghệ nơi đây vẫn có chỗ đứng trên thị trường.
Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng Đỗ Văn Cường cho biết, làng hiện có khoảng 2.700 nhân khẩu, trong đó hơn 600 hộ làm nghề truyền thống mỹ nghệ. Điều khiến người làng nghề thường trực mối trăn trở là làm thế nào để các sản phẩm của quê hương ngày một vươn xa.
"Không có cách gì bằng việc gắn sản phẩm làng nghề với du lịch văn hóa. Nếu đẩy được du lịch vào làng nghề sẽ mang lại hiệu ứng tốt. Các kênh mạng xã hội khác chỉ là hỗ trợ, bán hàng thôi. Qua rà soát tại các làng nghề như Bát Tràng, Vạn Phúc, hai mô hình điểm để phối hợp với chính quyền địa phương đưa mô hình này về làng Thiết Úng, tôi thấy rằng, người dân quê tôi vẫn chỉ biết miệt mài chuyên tâm làm nghề trong khi mảng truyền thông bị bỏ ngỏ", ông Đỗ Văn Cường trăn trở.
Từ những trăn trở ấy, theo ông Cường, để phát triển thương mại theo hướng du lịch văn hóa, trải nghiệm, mua sắm…, cần có sự tổ chức tập trung, bài bản cho sản phẩm. Ví dụ như cần có nhà trưng bày các sản phẩm tinh hoa của làng nghề và nơi đón tiếp khách, các dịch vụ ăn uống, vui chơi, nghỉ dưỡng... cùng hạ tầng cơ sở đi kèm như bãi giữ xe, khu vệ sinh..., kết nối với doanh nghiệp lữ hành hình thành tour tuyến; xây dựng các chuỗi tham quan quy trình sản xuất, sinh hoạt của người dân..., để đưa du khách vào không gian văn hóa làng nghề. Khi có du lịch và dịch vụ kèm theo với sản phẩm làng nghề làm trung tâm, du khách sẽ có không gian tham quan, trải nghiệm sản phẩm trực tiếp…, từ đó thêm hiểu, thêm yêu con người, mảnh đất quê mình. Tuy nhiên, Thiết Úng vẫn thiếu những yếu tố căn bản ấy để làm du lịch một cách chuyên nghiệp.
Nhanh nhạy với thời cuộc để đưa những sản phẩm thủ công, danh tiếng của nghề truyền thống... lan xa, Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng Đỗ Văn Cường thông tin, Hội đang tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, tìm quỹ đất, quy hoạch làng nghề vào sản xuất, kinh doanh tập trung; xây dựng kế hoạch, chương trình tiếp thị, quảng bá sản phẩm bài bản trên không gian mạng, đưa thương hiệu làng nghề đến gần hơn với khách hàng.
"Chúng tôi cũng đang đề xuất với thành phố thành lập mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, bổ trợ cho các hoạt động du lịch văn hóa tại địa phương. Điều đó hứa hẹn sẽ không chỉ mang đến những lợi ích về kinh tế - xã hội, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa ẩn chứa trong làng nghề", Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng Đỗ Văn Cường nói.