Đổi thay ở xã miền núi Minh Quang

Kim Nhuệ| 22/11/2019 08:25

(HNM) - Là một trong 7 xã miền núi khó khăn của huyện Ba Vì, Minh Quang đang đổi thay từng ngày. Từ những thành quả đạt được, xã quyết tâm về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã Minh Quang Phạm Tiểu Long cho biết, trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (trước năm 2012), xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí, thu nhập của người dân khoảng 10 triệu đồng/ người/năm. Phần lớn cơ sở hạ tầng của xã đã xuống cấp và không đồng bộ… Để hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, xã cần hàng trăm tỷ đồng kiên cố hóa các tuyến giao thông nông thôn và trục chính nội đồng, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhà văn hóa thôn, công trình vệ sinh môi trường… Đây là số tiền rất lớn đối với xã miền núi, kinh tế thuần nông nghiệp… 

Nhân dân xã Minh Quang (huyện Ba Vì) đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng và 80.858m2 đất thổ cư, đất canh tác để xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Năm 2012, xã mạnh dạn đăng ký và phấn đấu năm 2019 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Với quyết tâm đó, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; trong đó, đặc biệt chú trọng 2 giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, tạo tiền đề phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân...”, Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha cho biết.

Triển khai nghị quyết này, xã Minh Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới và 15 tiểu ban ở các thôn. Hằng tháng, Đảng ủy xã tổ chức hội nghị mở rộng tới các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội… để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng và triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo. Thông qua các hội nghị này, xã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, trực tiếp hoặc đề xuất cấp trên tháo gỡ những vướng mắc của cơ sở trong quá trình xây dựng nông thôn mới…

Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Lội Nguyễn Thị Trọng cho biết: “Thôn thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu việc xây dựng nông thôn mới là vì nhân dân và trách nhiệm không chỉ của các cấp ủy Đảng, chính quyền mà là của toàn dân”...

Với cách làm này, riêng người dân 15 thôn của xã Minh Quang đã đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng và 80.858m2 đất thổ cư, đất canh tác (tổng giá trị hơn 55 tỷ đồng) để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; trong đó, người dân thôn Phú Lội đã tự nguyện đóng góp hơn 90 triệu đồng và 450 ngày công. Gia đình ông Dương Hùng Sơn, ở thôn Cốc Đồng Tâm hiến gần 400m2 đất thổ cư. Gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Vống Gốc Vải hiến 1.250m2 đất nông nghiệp và 40.000 viên gạch, ủng hộ 40 triệu đồng. Gia đình ông Đào Tiến Dũng ở thôn Pheo ủng hộ 240 triệu đồng…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Hùng Sơn cho biết: “Xây dựng nông thôn mới suy cho cùng cũng là vì nhân dân. Người dân phải có trách nhiệm đóng góp. Và kết quả, chúng tôi đã có những con đường rộng, đẹp, cho chính mình…”.

Tính từ năm 2012 đến nay, xã Minh Quang đã huy động gần 354 tỷ đồng cứng hóa được 89km đường giao thông nông thôn, trục chính nội đồng; xây dựng 3 trường học đạt chuẩn quốc gia; 6 nhà văn hóa thôn, 1 chợ dân sinh… Xã cũng đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, tổ chức được nhiều lớp đào tạo nghề. Hiện nay, xã Minh Quang đã hoàn thành 15 tiêu chí, cơ bản đạt 4 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân đạt 45,5 triệu đồng/người/năm… Xã Minh Quang đang dần hiện thực mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở xã miền núi Minh Quang