Qua 23 bức tranh khổ lớn có chủ đề đa dạng trong triển lãm, hai tác giả đã đem đến cho người xem nhiều xúc cảm: Sự bất ngờ trước những nỗ lực sáng tạo ở tuổi xưa nay hiếm, niềm cảm kích trước chân tình nâng niu của hai nghệ sĩ luôn hướng về cuộc sống và thể hiện bằng những hình khối giàu nghệ thuật trên bề mặt lớn, có chiều rộng và dài lên đến hơn 1m, 2m, có khi 3m. Với chất liệu sơn dầu, sơn khắc, sơn mài, tranh của hai họa sĩ là những cảm nhận về vẻ đẹp Thăng Long - Hà Nội truyền tải qua tinh thần mạnh mẽ của biểu tượng Thánh Gióng, phong cảnh nền nã của chùa Thầy, vẻ rực rỡ của đền Ngọc Sơn, không gian bình dị của chùa Trấn Quốc, cảnh và người trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vẻ bình yên trên phố Hàng Giấy, Quán Sứ, làng hoa Ngọc Hà… Không chỉ phong cảnh Hà Nội, các bức tranh còn thể hiện vẻ đẹp kỳ vĩ ở những địa danh khác, như: Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, núi Yên Tử hay khắc họa nét dung dị của những lũy tre ken dày, vườn tược, ao quê thanh bình…
Tại lễ khai mạc triển lãm diễn ra chiều 3-3 vừa qua, do điều kiện sức khỏe, họa sĩ Nguyễn Anh Thường chưa thể có mặt. Còn họa sĩ Vũ Hồng Ngọc lịch lãm trong tà áo dài truyền thống, trông bà trẻ hơn hẳn tuổi 78. Họa sĩ chia sẻ, đã gắn bó lâu với Hà Nội, sống ở khu vực hồ Tây, nên những hình ảnh về các di tích đền, chùa, phố cổ... luôn thường trực trong bà, trở thành niềm yêu thích và cứ thế "đi" vào trong tranh. Các con gái của họa sĩ cũng đến chung vui cùng mẹ và chia sẻ những nguyện vọng thiết tha: Mong tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và họa sĩ Vũ Hồng Ngọc được mọi người thưởng thức, góp ý và khích lệ, để hai họa sĩ vui vẻ, khỏe mạnh, tiếp tục sáng tạo.
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường sinh năm 1930, là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Ông từng tham gia du kích Bắc Sơn, gia nhập quân đội, chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào năm 1959 và có nhiều năm công tác trong ngành Văn hóa. Ông sáng tác nhiều tranh phim về đề tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng nhận các giải thưởng uy tín về tranh phim và hội họa trong nước. Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung cảm nhận về tranh của ông: “Điềm nhiên, tự tại một mình trong tâm thức sáng tạo, ưa thích sự rõ ràng, khỏe khoắn và bề thế, ổn định trong cấu trúc tạo hình. Hình bóng con người hiếm khi xuất hiện, thế nhưng hội họa Nguyễn Anh Thường vẫn luôn ấm áp tình người, bởi năng lượng sáng tạo của họa sĩ lan tỏa, ngập tràn trong hình, màu ở tác phẩm”.
Họa sĩ Vũ Hồng Ngọc sinh năm 1945, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 1978. Tác phẩm của bà gây ấn tượng về sự bình dị, êm đềm, nền nã mà thắm thiết với những khung cảnh đầy trìu mến như những ngôi chùa cổ kính, góc phố rợp tán lá vàng, lá đỏ, bến sông nơi sơ tán, rặng tre bền bỉ vươn lên... Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đánh giá, với mạch nguồn sáng tạo về duy mỹ, mẫu mực của nghệ thuật tạo hình hiện đại, họa sĩ Vũ Hồng Ngọc chiêm nghiệm giữa khung trời hoài cổ cùng những nhận thức mới mẻ về nhịp điệu nghệ thuật đương đại, đem đến cho người xem nhiều xúc cảm nồng hậu, ấm áp.
Tên triển lãm cũng chính là tên bức sơn mài khổ lớn (154x300cm) “Hào khí Thăng Long” mà hai họa sĩ là đồng tác giả, thể hiện qua ngôn ngữ trừu tượng. Cùng với đó, còn có bức sơn mài khổ 88x88cm “Ô Quan Chưởng” cũng do hai họa sĩ thể hiện. Đây là nét độc đáo của triển lãm này. Các tác phẩm của triển lãm được chọn lọc trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Phan Minh Hà, người đã có quãng thời gian hơn 20 năm tìm hiểu, khích lệ sáng tạo và sưu tầm tác phẩm của hai họa sĩ.
Triển lãm “Hào khí Thăng Long” mở cửa đến ngày 13-3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66, phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình).