Ký ức Tết hòa bình 1973

Nguyễn Ngọc Tiến| 24/01/2023 17:35

(HNM) - Trong thế kỷ XX, Hà Nội có 2 cái Tết trái ngược nhau. Ngày 14-1-1947 (23 Tết Đinh Hợi), Chính phủ Việt Minh thống nhất với lãnh sự Trung Hoa Dân quốc, Pháp, Mỹ, Anh ngừng bắn trong 24 giờ để người dân Hà Nội ra khỏi vùng chiến sự. Nhiều gia đình phải ăn Tết dọc đường. Ngày 27-1-1973 (24 tháng Chạp năm Nhâm Tý), Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Việt Nam. Người Hà Nội còn ở nơi sơ tán gấp rút trở về để kịp ăn cái Tết trong hòa bình ở miền Bắc.

Người dân làng hoa Nghi Tàm đón Tết năm 1973. Ảnh tư liệu

Ngày 23-1-1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký tắt, hôm đó là ngày 19 tháng Chạp âm lịch. Người Hà Nội cũng như người dân cả nước vui mừng, nhiều người ngân ngấn nước mắt. Các gia đình nô nức “gồng gánh” nhau từ nơi sơ tán về Hà Nội. Thành phố trở lại đông đúc, ai ai cũng tươi tắn. Nhưng, những trận bom B52 gieo chết chóc từ ngày 18 đến 29-12-1972 cũng khiến không ít gia đình cảnh giác nên còn lần lữa, chưa muốn đưa con cái trở về Thủ đô. Thành phố còn rất nhiều hố bom sâu hoắm chưa được san lấp, khét nồng mùi thuốc giết người. Ở Giáp Bát, Phương Liệt, Bệnh viện Bạch Mai, Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ..., khói hương vẫn tỏa ra từ những túp lều dựng tạm bên miệng hố bom. Chính quyền, người dân các tỉnh Hòa Bình, Hà Tây đã mang nguyên vật liệu tre nứa, giấy dầu, vôi, rơm và cử nhân lực ra Thủ đô xây dựng 500 ngôi nhà tình nghĩa với tổng diện tích 10.000m2 trao tặng những gia đình Hà Nội mất nhà vì bom Mỹ để kịp ăn Tết.

Song, dù còn ở nơi sơ tán hay đã về thành phố thì nhà nào cũng phải ăn Tết, mà Tết thì trông cậy cả vào Nhà nước và các chợ truyền thống. Do máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc từ tháng 4-1972 nên hoạt động tăng gia sản xuất của bà con nông dân cũng bị ảnh hưởng, vì thế chợ quê hay chợ Hà Nội đều lèo tèo hàng hóa. Ngày 13-1-1973, ngành Thương nghiệp thành phố thông báo trên Báo Hànộimới về việc bán món hàng Tết đầu tiên là nước mắm loại I: “Ô số 16, bìa mua hàng gia đình nội thành quý I”. “Linh hồn” của Tết là gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh để gói bánh chưng thì vẫn chưa thấy thông báo.

Ngày 20-1-1973, ngành Thương nghiệp thông báo tiếp: “Bán thêm thịt ô số 1, gạo nếp (trừ vào tiêu chuẩn tháng 3) với giá 0,49 đồng/kg, bột mì (để làm bánh quy gai, quy xốp) túi 2kg giá 0,75 đồng trừ vào tiêu chuẩn lương thực tháng 3”. Và sau đó, ngày 23-1-1973, ngành Thương nghiệp thông báo bán túi hàng Tết, lá dong. Ngày 25-1-1973, thông báo tiếp bán thêm chất đốt trên Báo Hànộimới: “Ô số 4 tháng 2-1973, bìa A, B, C (cán bộ trung và cao cấp) được mua thêm 10kg củi, các bìa khác mỗi bìa mua thêm 5kg, không mua củi thì được mua 20kg than”. Nhiều gia đình bị bom cuối tháng 12 đã mất sổ gạo, tem phiếu, bìa mua hàng nên ngành Thương nghiệp tiếp nhận kê khai và cấp phát luôn để họ duy trì cuộc sống, mua sắm hàng Tết.

Dù bao nhiêu việc phải lo toan cho dân ăn Tết nhưng Hà Nội vẫn không quên thế hệ tương lai. Ngày 26-1-1973, Sở Giáo dục Hà Nội thông báo: “Bắt đầu từ ngày 3 đến ngày 5 Tết, học sinh học ở nơi sơ tán về đăng ký vào các trường nội thành để ăn Tết xong là có thể đi học ngay”.

Ngày 27-1-1973 (24 tháng Chạp), Hiệp định Paris chính thức được ký kết. Các gia đình cuối cùng tìm mọi cách trở về thành phố thân yêu. Những tuyến đường về Hà Nội đông đúc bởi ô tô tải, ô tô khách, xe đạp và người đi bộ. Nóc xe khách ngất ngưởng đồ đạc, xe đạp thì treo móc đủ thứ. Có gia đình không mua được vé xe đã “tay xách nách mang”, lếch thếch hành quân bộ trong cái rét tê tái và mưa phùn cuối năm. Để người dân trở về nhanh và đỡ vất vả, Ủy ban Hành chính thành phố đã lệnh cho các đơn vị vận tải hành khách tăng chuyến, quay vòng, chạy cả đêm và phải chở cho đến gia đình cuối cùng. Xí nghiệp Xe điện cũng được lệnh chạy cả đêm để đưa đón khách từ các bến xe ở cửa ô vào nội thành.

Trước đó, từ ngày 20-1-1973, khi ngành Thương nghiệp thông báo bán hàng phục vụ nhân dân ăn Tết, các cửa hàng gạo, thực phẩm, bách hóa đã luôn trong tình trạng xếp hàng dài dằng dặc. Đông nhất là Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, nơi được coi là “pháo đài thương nghiệp xã hội chủ nghĩa”. Mua được là mừng, gạo đen hay trắng, nếp ngon hay lẫn hạt chấm vàng cũng tốt. Trước đó, chưa Tết năm nào các cửa hàng bách hóa, bán túi hàng Tết quá 10h đêm nhưng Tết Quý Sửu là lần đầu tiên.

Mọi năm chợ hoa Hàng Lược họp từ 23 tháng Chạp nhưng do dân từ nơi sơ tán về muộn nên chợ họp vào sáng hôm sau, đúng ngày ký Hiệp định Paris. Do thời tiết không thuận, hoa đào không đẹp, nhiều người chơi hoa cầu kỳ đành quay ra mua lay ơn, thược dược, cúc, hoa bướm... 9h đêm 30 Tết, chợ đã không còn một cành hoa. Các gia đình chưa kịp mua đành mua hoa đồng tiền kép, lay ơn bằng nhựa. Thành phố náo nhiệt, đông đúc, ai nấy như chạy đua với thời gian. Đêm Giao thừa mà trên vỉa hè nhiều con phố vẫn đỏ lửa vì nhiều gia đình đang luộc bánh chưng.

Ngành Văn hóa tổ chức thi hoa, cây cảnh tại Công viên Thống Nhất, ai có chậu quất đẹp, gốc cây đào thế lạ, chậu hải đường hoa đỏ sậm… đều có thể đăng ký tham gia. Ca nhạc ngoài trời diễn ra tại Vườn hoa Chí Linh (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ), Bách Thảo, Công viên Thống Nhất. Tại sân khấu Câu lạc bộ Thanh Niên ở hồ Thiền Quang, Đoàn Cải lương Thăng Long diễn vở “Mẫu đơn tiên”. Ở Câu lạc bộ Lao Động (nay là Công đoàn thành phố Hà Nội) có chiếu phim. Tối mùng 2 Tết, ở Rạp Công Nhân, Đoàn Kịch nói Hà Nội diễn vở “Con tôi cả” của Arthur Miller (Mỹ). Đây là quan điểm rất tiến bộ, người Việt Nam chống Chính phủ Mỹ đưa quân xâm lược Việt Nam nhưng quý mến nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và coi trọng giá trị các tác phẩm nghệ thuật dù là của quốc gia nào.

Vô tuyến truyền hình Việt Nam ra đời năm 1970 và thời gian phát sóng rất ngắn, nhưng Tết Quý Sửu, thành phố cho đặt 3 chiếc máy vô tuyến truyền hình ở nơi công cộng cho dân chúng xem, một tại Câu lạc bộ Đoàn Kết (cuối phố Cổ Tân), một ở đền Bà Kiệu và một đặt trước cửa Nhà văn hóa Trung ương (16 phố Lê Thái Tổ). Máy vô tuyến truyền hình đen trắng nhãn hiệu Starfurt của Cộng hòa Dân chủ Đức. Vì truyền hình khi đó quá mới lạ nên công an và dân phòng phải gác xung quanh, sợ dân chen nhau xem làm vỡ máy.

Trung tâm Tết Hà Nội luôn là khu vực hồ Gươm. 10h đêm Giao thừa Bờ Hồ đã đông kín người chờ xem bắn pháo hoa, còn vui hơn khi có mấy chục công nhân Cuba đang giúp Việt Nam xây dựng Trại bò giống Ba Vì về Hà Nội vui Tết hòa bình với người Hà Nội. Họ nhảy quanh hồ và hát những bài hát nổi tiếng của Cuba. Đường phố đông vui, mừng Tết hòa bình nhưng không ít người vợ, người mẹ Hà Nội vẫn lặng lẽ trong nhà, nhớ và lo cho chồng, con đang chiến đấu ngoài mặt trận...

Tết Quý Sửu 1973 cách Tết Quý Mão 2023 đúng nửa thế kỷ. Đó thực sự là một cái Tết không thể nào quên đối với nhiều thế hệ người Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ký ức Tết hòa bình 1973