Một thời lửa đạn

Trần Mai Hưởng| 20/06/2023 11:30

(NSHN) - Những ngày này, ký ức trong tôi lại tái hiện hình ảnh những đồng nghiệp của một thời lửa đạn. Hàng ngàn người từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau đã dâng hiến tuổi thanh xuân, làm tròn sứ mệnh của những nhà báo - chiến sĩ. Hàng trăm người đã ngã xuống trên các nẻo đường chiến tranh, nhiều người khác để lại một phần thân thể trên các chiến trường.

Các nhà báo tại Phân xã B Vĩnh Linh năm 1972.

Trong chuyến trở lại Phan Thiết mới đây, tôi đã tìm đến con đường mang tên Lâm Hồng Long. Ông là tác giả của những bức ảnh lịch sử như “Bác Hồ bắt nhịp kết đoàn”, “Mẹ con ngày gặp mặt” (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật).

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tôi cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long vào Huế, Đà Nẵng ngay trong những ngày đầu giải phóng. Sau đó, chúng tôi lại cùng có mặt trong tổ phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam (gồm Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, Lâm Hồng Long, Trần Mai Hưởng) theo bước chân thần tốc của cánh quân phía Đông đi qua một loạt thành phố, chứng kiến nhiều trận đánh để có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ngược dòng thời gian, tôi nhớ hình ảnh Lâm Hồng Long đội mũ sắt lên sân thượng nhà cao tầng săn ảnh B52 cháy trên bầu trời Hà Nội những ngày “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Hẳn khi còn sống, Lâm Hồng Long không hề nghĩ rằng sẽ có con đường mang tên mình ở thành phố quê hương, bởi ông là người khiêm nhường, bình dị.

Nhớ về những người làm báo vượt Trường Sơn từ những ngày đầu tiên, không thể không nhắc đến nhà báo Võ Thế Ái, năm nay đã 93 tuổi. Ông vào chiến trường để xây dựng cơ quan Thông tấn xã Giải phóng tại khu Năm từ năm 1960, khi đường Hồ Chí Minh mới mở. Năm 1945, mới 15 tuổi Võ Thế Ái đã làm liên lạc cho bộ đội. Năm 1950, ông trở thành phóng viên Việt Nam Thông tấn xã, có mặt trên khắp các nẻo đường kháng chiến và tác nghiệp trong chiến dịch Điên Biên Phủ lịch sử. Hòa bình lập lại, ông phụ trách Phân xã tại khu Bốn một thời gian rồi trở lại chiến trường, liên tục gắn bó với chiến trường cho mãi đến sau này. Điều đặc biệt là trong khoảng thời gian đó có 5 năm vợ ông - nhà báo Nghiêm Thị Tú, một người con gái Hà Nội (là em ruột vợ nhạc sĩ Văn Cao) đã gửi con để vào chiến trường, sống và chiến đấu bên chồng mình.

Cũng tại chiến trường khu Năm, năm 1968, nhà báo Đinh Trọng Quyền được cử phụ trách Phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông đã cùng các đồng nghiệp Trần Mai Hạnh, Lương Thế Trung, Nguyễn Quốc Toản, Ngọc Thạch, Văn Mẫn vượt lên mọi gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các tin, bài, ảnh của Phân xã Quảng Đà đã kịp thời phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong một giai đoạn rất gay go, ác liệt. Cuối năm 1969, Đinh Trọng Quyền bị thương vì đạn pháo và phải cưa một chân. Trong vòng vây của kẻ thù, điều kiện y tế thiếu thốn, ông đã sống, vượt qua thương tật hiểm nguy và được đưa ra Bắc điều trị. Và ông đã vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người phụ trách Ban Biên tập tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam) trong những năm sau này.

Tôi nhớ lần đầu gặp nhà báo Thanh Phong, Phân xã trưởng Phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại Quảng Trị là trước thời điểm Tổng tiến công năm 1972. Sau Tết Nguyên đán năm ấy, cánh phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chúng tôi được tăng cường cho mặt trận, lần đầu vào đất Gio Linh. Tôi rất ấn tượng với gương mặt xạm đen, ánh mắt tin cậy của nhà báo Thanh Phong. Quê ông ở thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh. Nhiều người thân trong gia đình ông bị đưa vào khu tập trung Quán Ngang và phiêu dạt đến nhiều nơi khác trong các chiến dịch dồn dân, xây dựng vành đai điện tử McNamara. 16 tuổi Thanh Phong đã đi bộ đội. 19 tuổi ông tập kết ra Bắc rồi chuyển ngành, đi học khoa Chính trị, Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1965, ông trở lại chiến trường Bình Trị Thiên và liên tục bám trụ tại đây. Gia đình ông có 7 anh chị em thì 3 người là liệt sĩ. Mẹ ông hoạt động cách mạng, từng bị địch bắt, tù đày. Thế nên cũng dễ hiểu vì sao Thanh Phong có sự gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương như vậy.

Trong chiến dịch Tổng tiến công 1972, chúng tôi có hậu cứ tại Phân xã B Vĩnh Linh, đóng ở xã Vĩnh Nam, nơi sơ tán của Khu ủy Vĩnh Linh. Phân xã trưởng là nhà nhiếp ảnh Phạm Hoạt, với các phóng viên Hồ Bích Sơn, Xuân Lâm, Phạm Tài Nguyên; các điện báo viên Cù Yến Vũ, Ngô Duy Phùng, Hữu Hồng; lái xe Trương Đại Chiến, Nguyễn Văn Ngoạn. Sau đợt một của chiến dịch, Phân xã được tăng cường 2 phóng viên dày dặn kinh nghiệm là Lam Thanh, Lê Minh Trường. Ngày ấy, chiến sự rất ác liệt. B52, pháo biển, bom tọa độ suốt ngày đêm. Phân xã thường xuyên có khách ghé thăm. Đó là các nhà báo Nguyễn Sinh, Hồng Khanh (Báo Nhân Dân, thường trú tại Vĩnh Linh); Tổng Biên tập Lê Đức Niệm và các đồng nghiệp Báo Thống Nhất, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh; nhà nhiếp ảnh Sỹ Sô (Phòng Văn hóa đặc khu); nhà báo Trương Đức Anh, nhà văn Văn Thảo Nguyên, nhạc sĩ Doãn Nho, nhà phê bình Vương Trí Nhàn (Cục Tuyên huấn mặt trận B5); nhà thơ Trúc Thông, nhà văn Đoàn Minh Tuấn (Đài Tiếng nói Việt Nam)... Tình đồng nghiệp nơi chiến trường luôn làm ấm lòng người.

Một đồng nghiệp nữa cũng để lại nhiều ấn tượng với tôi trong thời gian ấy là nhà nhiếp ảnh Minh Trường. Ông người Huế, là chiến sĩ quân báo thời chống Pháp, ra Hà Nội tập kết thì chuyển sang nhiếp ảnh, có phong cách cầm máy nghiêng về vẻ đẹp lãng mạn. Ở chiến trường, ông là một chiến binh thực sự. Những ngày ở bên ông, tôi học được rất nhiều về nhiếp ảnh. Bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của ông là dấu ấn cho một giai đoạn lịch sử.

Tôi cũng không quên cuộc gặp gỡ với các nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo trên đường đi chiến dịch đầu năm 1972. Khi chúng tôi dừng chân ở Đèo Ngang thì gặp các ông. Trước đó, tôi đã biết tiếng hai phóng viên chiến trường lừng danh này qua những bức ảnh trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và các mặt trận khác. Mùa đông năm ấy, cái rét phía Bắc lan cả vào miền Trung. Lương Nghĩa Dũng phanh áo khoác, chỉ cho tôi xem một vết ố trên áo sợi rồi nói: “Thằng con đái dầm ra cả áo hôm mình về thăm. Vợ bảo giặt, mình bảo khỏi cần, có mùi nước đái càng đỡ nhớ con!”. Ít ngày sau tôi nghe tin Lương Nghĩa Dũng hy sinh tại một cao điểm ở phía tây Quảng Trị, là nhà báo đầu tiên hy sinh tại Quảng Trị năm 1972. Sau Lương Nghĩa Dũng, nhà báo Hồ Minh Khởi thuộc biên chế của Cục Tuyên huấn trong khi dẫn đoàn phóng viên vào tăng cường cho chiến trường cũng hy sinh. Đó là một nhà báo dũng cảm, tận tâm với bạn bè, đồng nghiệp. Cùng thời gian ấy, nhà báo Vũ Tín, phóng viên ảnh gạo cội của Thông tấn xã Việt Nam tăng cường cho mặt trận B5 cũng bị cụt một chân trong trận bom tọa độ trên đất Triệu Phong. Người cùng đi với ông, Thượng tá Cao Bá Đồng, Cục trưởng Cục Tuyên huấn mặt trận B5, hy sinh tại chỗ. Đáng nói là trận bom đó đánh đúng vào ngôi nhà tôi đã gặp và trò chuyện với các ông ít ngày trước...

Trong sự nghiệp chung, tấm gương hy sinh của các nhà báo - chiến sĩ sẽ mãi còn được nhắc đến. Trong số hơn 400 nhà báo - liệt sĩ của cả nước, có hơn 260 người là cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam - Thông tấn xã Giải phóng. Ngoài ra, đó còn là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí khác như Nguyễn Thi (Văn nghệ Quân Giải Phóng); Lê Anh Xuân (Văn nghệ Giải Phóng); Nguyễn Trọng Định (Nhân Dân); Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong (Văn nghệ Giải Phóng khu Năm), Nguyễn Mỹ (Báo Cờ Giải phóng Trung Bộ); Nguyễn Minh Tâm (Hànộimới); các nhà quay phim Dương Phước An, Đồng Cam, Phước Thạnh, Châu Quang, Trần Cần Kiệm, Nguyễn Như Sỹ... (Điện ảnh Quân đội); Văn Giá (Điện ảnh Giải Phóng khu Năm)... Sự hy sinh của các anh chị đã tô thắm truyền thống anh hùng của báo chí cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào và là dấu ấn không phai mờ trong lịch sử báo chí, văn học nghệ thuật nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thời lửa đạn