Bảo tàng Báo chí Việt Nam: “Ngôi đền” tôn vinh giá trị nghề báo

Bài và ảnh: Lãng Nhân| 20/06/2023 07:27

(HNMCT) - Là một thiết chế văn hóa nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và giới thiệu các tài liệu, hiện vật là di sản báo chí tiêu biểu gắn liền với quá trình ra đời và phát triển của báo chí Việt Nam.

Khách tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Nơi lưu giữ lịch sử nghề báo

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập vào ngày 28-7-2017, chính thức khánh thành và đón khách tham quan từ ngày 19-6-2020.

Tọa lạc tại tầng 1, 2 của tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam với tổng diện tích 1.500m2, các không gian trưng bày của bảo tàng giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật đặc sắc, trong đó có nhiều hiện vật độc đáo, quý hiếm đánh dấu những sự kiện quan trọng trong dòng chảy của lịch sử báo chí Việt Nam. Tầng 1 của bảo tàng gồm gian khánh tiết cùng 4 không gian trưng bày được chia theo các giai đoạn lịch sử: 1865 - 1925; 1925 - 1945; 1945 - 1954 và 1954 - 1975; tầng 2 là không gian trưng bày giai đoạn từ 1975 đến nay. Ở mỗi không gian, bảo tàng tập trung khắc họa bối cảnh xã hội và vai trò, những đóng góp của báo chí thông qua hình ảnh, hiện vật gốc tiêu biểu, giúp khách tham quan hình dung được sự khác biệt trong công nghệ in, ngôn ngữ báo chí của những tờ báo được hình thành ở giai đoạn đầu so với báo chí hiện nay. 

Bảo tàng cũng thiết kế đan xen những hình ảnh tiêu biểu gắn với từng giai đoạn lịch sử. Như không gian trưng bày giai đoạn 1925 - 1945, điểm nhấn là sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam, đại diện là báo Thanh Niên; quá trình làm báo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được thiết kế đặc sắc và nổi bật tại vị trí trung tâm. Những tờ báo cách mạng ra đời thời kỳ này gồm Thanh Niên, Việt Nam độc lập... được in bằng kỹ thuật thủ công li tô (in đá) với số lượng có hạn, được bí mật chuyển tới các chi bộ Đảng trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, là minh chứng cho thấy sức sống mạnh mẽ của nền báo chí cách mạng cũng như vai trò vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - cánh chim đầu đàn của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngoài ra, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn trưng bày nhiều hiện vật thể khối gắn liền với những câu chuyện xúc động, ý nghĩa của các nhà báo, cơ quan báo chí. Một trong số đó là chiếc loa có công suất 500W đặt tại bờ Bắc sông Bến Hải phát chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam hướng về bờ Nam bị chia cắt, giúp du khách hình dung được cuộc “đấu loa” giữa ta và địch để phản bác những luận điệu xuyên tạc của chúng, khơi dậy tình đoàn kết với đồng bào bên kia giới tuyến.

Tầng 2 của Bảo tàng Báo chí Việt Nam thể hiện sự đổi mới, phát triển và hội nhập của báo chí cách mạng Việt Nam với các tiểu chủ đề: Báo chí với chủ quyền biển đảo; An sinh và phát triển; Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng... Điểm nhấn tại không gian này là chủ đề báo chí địa phương. Diện tích khá nhỏ, không gian trưng bày được thiết kế tinh tế thành các ô có trục xoay, trên mỗi ô thể hiện thông tin về lịch sử báo chí của 63 tỉnh, thành phố kèm theo màn hình chạm giới thiệu di sản báo chí của mỗi địa phương. 

Một điểm nhấn khác là khu tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ được thiết kế với các vách kính ghép lại với nhau cùng tông màu đỏ chủ đạo, trên có khắc tên và cơ quan của các nhà báo liệt sĩ từ trước năm 1945 đến nay, tựa như những hàng, cột của một tờ báo, gợi cho du khách cảm giác gần gũi mà vẫn tôn nghiêm. 

Sáng tạo trong thiết kế trưng bày

Sự đổi mới, sáng tạo trong trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam được đánh giá cao. Điển hình là biểu tượng trung tâm tại gian khánh tiết - một bông sen giản dị, các cánh hoa được kết bằng tên ấn phẩm và cơ quan báo chí cùng lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. 

Tại các không gian trưng bày, dễ thấy những hình ảnh, câu trích được thể hiện với nhiều chất liệu, màu sắc khác nhau, tạo ra điểm nhấn về thị giác. Ngoài ra, bảo tàng còn bố trí hệ thống màn hình chiếu phim, tra cứu nhằm giúp khách tham quan dễ dàng nghiên cứu, tìm hiểu.

Nhiều du khách đã ghi lại dòng cảm tưởng xúc động sau khi tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi như trôi trong dòng chảy đầy kiêu hãnh của Báo chí Việt Nam. Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều hiện vật cần sưu tầm, bổ sung nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đã khiến niềm tự hào cứ dâng lên làm cay khóe mắt”. Còn họa sĩ George Burchett, con trai nhà báo nổi tiếng Wilfred Burchett cho biết: “Bảo tàng đã làm nổi bật được cuộc đấu tranh anh dũng vì độc lập, thống nhất và tự do của Việt Nam thông qua công việc của những người làm báo Việt Nam. Đây cũng là bảo tàng độc đáo với các câu chuyện được kể một cách hiệu quả và cuốn hút”.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được coi là “ngôi đền” của giới báo chí, nơi chứa đựng và gìn giữ di sản báo chí và là niềm tự hào của người làm báo Việt Nam. Bảo tàng cũng là điểm đến lý tưởng cho những sinh viên, du khách có nhu cầu tìm hiểu, yêu thích lịch sử báo chí Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Báo chí Việt Nam: “Ngôi đền” tôn vinh giá trị nghề báo