Nhà báo "Noname"

Truyện ngắn của Y Nguyên| 19/06/2023 17:41

(HNMCT) - Tôi là một cô giáo, bình thường ngày hai buổi đến trường như bao giáo viên khác. Có điều, ngoài công việc dạy học thường nhật thì tôi có thêm “nghề” kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ những học trò có gia cảnh khó khăn mà học giỏi.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Hồi còn dạy học ở xã miền núi, tôi bận rộn với công việc “tay trái” (dù không lương) này nhiều hơn. Xã miền núi, vùng sâu vùng xa, đời sống người dân cũng như tình hình kinh tế - xã hội khó khăn là dĩ nhiên. Vậy nhưng lúc về trường trung tâm thị xã, hoàn cảnh học sinh của tôi vẫn không khá hơn. Có khác chút là ở đây cái nghèo vật chất không ám ảnh bằng nỗi khổ tinh thần. Có nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, hoặc ly hôn, lấy chồng/vợ khác, đẩy con cái về cho ông bà nội/ngoại nuôi. Đầu năm họp phụ huynh toàn các cụ già hom hem, mắt mũi nhập nhèm. Học phí nếu không bị khất ("chờ tới tháng cha/mẹ nó gửi tiền về rồi tôi nộp...") thì cũng phải mỏi tay đếm những đồng tiền lẻ nhàu nát. Không ít lần tôi lỡ đụng tới nỗi đau của các em bằng câu hỏi: “Bố mẹ em làm gì?”, và nhận được câu trả lời, hoặc lạnh tanh: “Em không có mẹ!”, hoặc buồn so: “Em không biết mặt bố!”, để rồi sau đó tôi cứ ân hận mãi dù đã xin lỗi các em.

Ngày được chuyển về trường trung tâm thị xã, tôi cứ tưởng sắp nhẹ mình, không còn phải làm cái nghề tay trái bất đắc dĩ nữa. Vậy nhưng, thầy hiệu trưởng mới gặp tôi đã hỏi nhỏ: “Nghe nói cô giáo hay xin tiền giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải không? Trường mình có mấy đứa...”. “Bộ dưới xuôi này vẫn có em khổ sao thầy?”. “Ừ, có nhiều em khổ lắm. Thương lũ học trò quá”...

***

Từ việc tìm kiếm nguồn kinh phí ủng hộ các em có hoàn cảnh khó khăn mà tôi trở thành “nhà báo”. Tôi viết bài về những hoàn cảnh nghèo khổ, neo đơn cần giúp đỡ, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm “nhường cơm sẻ áo” trong cộng đồng rồi gửi đến những tờ báo có chuyên mục “Nhịp cầu yêu thương”.

Lần đầu tôi viết bài đăng báo là do thấy quá thương một học sinh học giỏi, ngoan hiền nhưng mồ côi cha, mẹ lâm bệnh hiểm nghèo, khó khăn tới mức sắp phải bỏ học. Bài báo "Hãy cứu lấy tương lai em" viết non nớt và đầy lỗi kỹ thuật (sau khi báo đăng, đọc lại bản thảo thì tôi nhận thấy vậy) cũng được tòa soạn gọi điện trao đổi, sau đó biên tập và cho in. Thế nhưng, điều gây ấn tượng nhất là động lực chính để sau này tôi “thừa thắng” viết tiếp, bắc tiếp những nhịp cầu yêu thương, chính là sự phản hồi tích cực từ độc giả. Liên tiếp những phần quà kèm lời an ủi sẻ chia được gửi về tòa soạn. Cậu học trò yêu được cứu giúp, đó cũng là lần đầu tôi biết đến sức mạnh của truyền thông, “cây đũa thần” đánh thức lòng trắc ẩn của cộng đồng...

Tuy nhiên, công việc “tay trái” không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có lần, tôi viết bài về một học sinh cũng có hoàn cảnh thương tâm. Chờ mãi không thấy báo in, tôi gọi điện đến tòa soạn để hỏi thì mới vỡ lẽ: Tiêu chí của chương trình quy định chỉ kêu gọi giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi, trong khi học lực của em này, tiếc thay, chỉ vào loại trung bình. Lý do này không sai, nhưng tôi cứ thấy có cái gì đó vương vướng, chưa thỏa đáng lắm. Khó khăn mà vẫn học giỏi đương nhiên quá tốt. Có điều, đâu dễ lúc nào cũng tìm được một học sinh vượt lên hoàn cảnh để trở thành trò giỏi. Chỉ những em có tài năng, giỏi thực sự, hoặc giả cái khó khăn còn chưa tới mức vùi dập để thui chột luôn khả năng của các em. Ngược lại, có những em học lực chỉ ở mức trung bình nhưng có hoàn cảnh thực sự khó khăn, khó tới mức các em cố gắng đến trường, giữ được học lực trung bình cũng là điều đáng trân trọng, đáng được động viên. Những học sinh như thế, nếu hoàn cảnh được cải thiện, tôi tin cơ may để các em trở thành học sinh giỏi là rất lớn. Hiểu học trò nhiều nhất chắc chắn là giáo viên. Cá nhân tôi, hai mươi năm làm cô giáo, lăn lộn hết miền ngược đến miền xuôi, còn cảnh đời nào chưa gặp?

Nhưng tiêu chí vẫn là tiêu chí. Biết cứng nhắc cũng không dễ vượt qua. Vậy nên tôi đành phải tự xoay xở. May thay, vẫn còn cách, ấy là nhờ mạng xã hội. Đương nhiên hiệu quả không thể so được với bài viết được đăng trên báo chí chính thống. Nhưng cửa hẹp vẫn là cửa, có còn hơn không. May mắn là nhờ chút uy tín của một nhà giáo tận tâm kiêm nhà báo nghiệp dư cũng ít nhiều được nhắc đến (trong cộng đồng thực và cộng đồng mạng) nên lời kêu gọi giúp đỡ cho em học sinh nhà nghèo, học lực trung bình sau khi đăng lên facebook cũng lác đác có hồi đáp. Không nhiều nhưng cũng đủ để có một phần quà khi vào năm học, một phần quà cuối năm và chiếc xe đạp cũ cho em đến trường. Thế là mừng lắm rồi.

Sau em này có những hoàn cảnh tương tự. Bởi thế, nhiều nhà hảo tâm không chỉ một lần “mở hầu bao”. Nói thật, đời tôi không gì ngại bằng chuyện ngửa tay xin xỏ, lại còn xin đi xin lại, thế nhưng cô giáo không muối mặt đi xin thì lấy đâu ra tiền giúp đỡ học sinh?

***

Trong số những nhà hảo tâm thường trực, lạ lùng nhất phải kể đến một nữ nhà báo. Nhà báo chính quy, không phải nghiệp dư như tôi. "A lô! Cô giáo T phải không ạ? Dạ, em là phóng viên báo... Em có đọc bài viết của cô về hoàn cảnh của em A. Em xin kết bạn zalo với cô được không ạ?".

Đương nhiên tôi đồng ý, lưu số điện thoại và kết bạn với cái nick có tên “Noname” (không có hình ảnh đại diện). Ban đầu có hơi phật lòng (tôi vốn chúa ghét cái kiểu lên mạng xã hội mà còn ẩn danh, kín kín hở hở), vậy nhưng sau đó đột nhiên có một khoản tiền gửi vào tài khoản của tôi, rồi zalo hiện lên hình ảnh chụp chứng từ chuyển tiền (nhưng không có thông tin người gửi) kèm dòng tin nhắn: “Em gửi chút tiền hỗ trợ cho em A, nhờ cô chuyển giúp. Xin lỗi cô nhưng em không muốn tiết lộ danh tính. Cô cứ nói giúp với gia đình em ấy là có cô nhà báo gửi tiền hỗ trợ là được rồi”...

Thường thì tôi rất cẩn trọng, phân minh trong chuyện tiền bạc, nhất là tiền làm từ thiện, nhận - giao luôn đầy đủ chứng từ. Giúp qua kênh báo chí thì nhờ báo chí đăng tải tên người giúp, số tiền bao nhiêu. Giúp qua mạng xã hội thì tự mình đăng danh sách lên facebook. Nếu cần chứng từ chuyển tiền thì tôi luôn ghi rõ số tiền cùng chữ ký hoặc dấu tay của người nhận gửi về địa chỉ người giúp. Mệt, tốn thời gian mấy cũng phải làm. Lòng tốt cần được niềm tin nuôi dưỡng. Các nhà hảo tâm hẳn là hài lòng với cách làm rành mạch ấy mới dám đặt niềm tin vào tôi. Nhưng tin gì thì tin, vẫn cần có chứng từ.

“Bạn cho mình xin địa chỉ để mình gửi chứng từ nhận tiền”. Như lệ thường tôi nhắn vào zalo. “Dạ thôi, không cần đâu cô. Em tin cô”. Dòng tin nhắn giản đơn gửi kèm cái dấu hiệu khuôn mặt cười toe. Bí quá, tôi đành gửi qua zalo ảnh chụp giấy nhận tiền có chữ ký kèm tấm ảnh tôi nhờ chụp lúc trao quà. “Em đã nói là em tin cô mà. Lần sau cô đừng băn khoăn chuyện chứng từ chứng minh với em, vất vả lắm”. Có "lần sau" nữa sao? Một cô nhà báo, cái nghề chắc chắn tiền bạc cũng không dư thừa. Còn nữa, đem giao tiền bạc (không cần chứng từ) vào tay một người không quen. Bao năm hành nghề “tay trái” tôi đã gặp không ít chuyện lạ lẫm, buồn vui, nhưng lạ tới mức này thì lần đầu tiên tôi thấy.

Bỗng dưng thấy ấm lòng.

Từ đó mỗi năm vài lần, thường là vào dịp lễ tết hay đầu năm học, cô nhà báo Noname bí ẩn lại đều đặn chuyển tiền vào tài khoản của tôi. Những khoản tiền không lớn nhưng không hiểu sao tôi tin chắc nó là đồng tiền lương thiện. “Em nhờ cô trao giúp cho những học sinh nào cô xét thấy đáng”. Dòng tin nhắn zalo chỉ vỏn vẹn vậy.

Đọc tin xong tôi cũng im lặng thả hình quả tim đỏ thắm mà không nhắn hỏi gì thêm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo "Noname"