Sạp báo ở Hà Nội một thời

Nguyễn Ngọc Tiến| 19/06/2023 17:46

(HNMCT) - Báo chí xuất hiện ở Hà Nội muộn hơn so với Sài Gòn. Tờ báo đầu tiên là LAvenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) xuất bản ngày 18-12-1884, nhưng không phải bằng chữ Quốc ngữ mà là chữ Pháp.

Sạp báo trên phố Phan Huy Chú vẫn được duy trì hơn 30 năm qua. Ảnh: Minh Sơn

“Tương lai Bắc Kỳ” phục vụ đội quân viễn chinh của thực dân Pháp, ban đầu xuất bản 3 tháng/ kỳ, sau chuyển thành tuần báo. Tờ thứ hai là “Đại Nam đồng văn nhật báo” bằng chữ Hán. Báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Hà Nội là “Đại Việt tân báo” xuất bản ngày 21-5-1905, tuy nhiên, hiện Thư viện Quốc gia, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I không có bản in nào của báo này. Một trong những nguyên nhân khiến báo chữ Quốc ngữ ra đời ở Hà Nội muộn hơn Sài Gòn vì đầu thế kỷ XX, ở thành phố này rất ít người đọc được chữ Quốc ngữ, chữ Pháp.

Kể từ năm 1884, khi tờ “Tương lai Bắc Kỳ” ra đời cho đến năm 1919, các báo chữ Pháp, Hán và Quốc ngữ xuất bản ở Hà Nội không ra hằng ngày, hầu hết là báo tuần. Người đọc lẻ, chính quyền, công ty, đơn vị quân đội Pháp... muốn mua sẽ đặt tòa soạn. Để báo đến tay người đọc, các tòa soạn có hợp đồng với các bưu cục, nhân viên của bưu cục sẽ chuyển báo đến địa chỉ. Tuy nhiên, ở phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền) có một quầy bán báo. Quầy này là của ông Schneider, chủ của nhà in và chủ xuất bản sách báo lớn nhất Bắc Kỳ, nắm trong tay 4 ấn phẩm gồm: Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, Pháp - Việt dân báo và Công Thị báo. Tất nhiên quầy chỉ bán báo của ông ta.

Năm 1919, khi số người thông thạo chữ Pháp, Quốc ngữ nhiều hơn và thói quen đọc báo đã hình thành, tờ Trung Bắc tân văn được xuất bản hằng ngày. Để báo kịp thời đến tay bạn đọc, ngoài phát hành qua bưu cục, tòa soạn chấp nhận cho tư nhân làm đại lý bán lẻ nên từ năm này, sạp báo rải rác xuất hiện trên các phố. Ngày 6-6-1920, chính quyền cho phép người Việt được xuất bản tờ báo kinh tế là Thực nghiệp dân báo. Ngoài phát hành theo bưu cục, qua đại lý, Thực nghiệp dân báo còn bán lẻ ngay tại tòa soạn.

Những năm 1930, số lượng các đầu báo xuất hiện nhiều hơn, trong đó có báo in hằng ngày. Một số báo chiết khấu cho đại lý khá cao nên có đại lý chấp nhận ăn lãi ít để giao báo cho người đi các phố bán lẻ, nghề bán báo rong ra đời từ đó. Thế nhưng, muốn bán báo rong thì phải làm đơn lên tòa đốc lý, kèm theo đơn là ảnh, nếu được chính quyền chấp thuận, họ sẽ dán cái ảnh đó vào thẻ và đóng dấu giáp lai. Trung tâm lưu trữ Quốc gia I hiện lưu giữ nhiều đơn xin bán báo rong năm 1937 - 1938, trong đó có đơn của ông Nguyễn Trí Uẩn (một người yêu nước chống Pháp, người đã sáng tạo ra trò chơi Trí Uẩn) ở số nhà 12 phố Goussard (nay là Tuệ Tĩnh). Đơn của ông Khuất Duy Tiến, số nhà 85 phố Pipes (Hàng Điếu). Ông Khuất Duy Tiến là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương, làm biên tập cho tờ “Le Travail” (Lao động). Ông Khuất Duy Tiến bán báo rong để che mắt mật thám Pháp, hoạt động cách mạng. Tùy theo mối quan hệ, thường thì mỗi người bán rong chỉ bán một loại báo hằng ngày. Từ sáng sớm, họ nhận báo từ đại lý rồi tỏa đi khắp các phố.  

Sau năm 1954, nhiều tờ báo xuất bản trước đó đã ngừng hoạt động nhưng một số báo tư nhân vẫn tồn tại cho đến năm 1960 và phát hành thông qua các sạp báo. Từ những năm 1960 đến năm 1975,  báo chí ở miền Bắc chủ yếu bán ở bưu điện. Thời kỳ này vẫn có đại lý, những đại lý này đều công tác trong ngành Bưu điện, ngoài bán báo họ còn bán văn hóa phẩm như phong bì, bưu thiếp, ảnh lãnh tụ, ảnh diễn viên... Có nhiều người trong ngõ đã xin phép dựng ki ốt trên hè phố, như nhà ông Toàn ở phố Tuệ Tĩnh.

Một sự thay đổi lớn về phát hành ở Hà Nội khi năm 1982, Thông tấn xã Việt Nam xuất bản báo Thể thao và Văn hóa, năm 1983 xuất bản Tuần Tin tức, tiếp đó là tờ Khoa học - Kỹ thuật - Kinh tế thế giới. Báo Thể thao và Văn hóa, Tuần Tin tức thành hiện tượng của làng báo khi đó, bạn đọc đón chờ ngày phát hành. Vì sự quan tâm của độc giả quá lớn nên rất nhiều người ở Hà Nội đăng ký xin làm đại lý. Số sạp báo tăng lên đáng kể, một trong những tụ điểm lớn là trước cửa Công ty phát hành Thông tấn xã Việt Nam (số 5 Lý Thường Kiệt) và sau đó là trước trụ sở Báo Nhân Dân trên phố Hàng Trống. Các sạp báo ở Quang Trung, Đại La, Cửa Nam... cũng được nhiều người biết tiếng. Các sạp bán đủ các loại ấn phẩm, từ báo ngày, tuần, tạp chí. Có người còn thu nhận trẻ em ở quê ra Hà Nội, nhận báo cho chúng bán và đặt tên “Tổ bán báo Xa mẹ”.

Ngày nay, báo điện tử phát triển mạnh, số người đọc báo giấy giảm sút, các sạp báo cũng teo tóp theo. Điểm bán lẻ ở phố Hàng Trống cũng không còn. Công nghệ mang lại tiện ích cho bạn đọc, song cũng làm mất đi cái thú được cầm tờ báo giấy còn thơm mùi mực, hồi hộp với những tin tức sốt dẻo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sạp báo ở Hà Nội một thời