Nghệ sĩ chèo Thanh Huyền: ''Phải lắng nghe xem khán giả đang cần gì ở chèo''

22/10/2022 07:20

(HNMCT) - Khi còn là học sinh trung học phổ thông, Phùng Thị Thanh Huyền đã thi đỗ lớp đào tạo nguồn của Nhà hát Chèo Hà Nội. Năm 2020, cô khẳng định tài năng bằng việc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô, Huy chương Vàng Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc với vai Lý Chiêu Hoàng trong vở “Tình sử Thăng Long”. Mới đây, diễn viên Thanh Huyền lại giành Huy chương Vàng cá nhân tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2022.

- Xin chúc mừng Thanh Huyền đã giành Huy chương Vàng cá nhân với vai An Tư công chúa trong vở chèo “Trung trinh liệt nữ” tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô 2022. Chắc hẳn, đó là trải nghiệm rất đáng nhớ?

- Ban đầu, khi nhận vai An Tư công chúa, Thanh Huyền vừa mừng lại vừa lo. Vai diễn này dường như nặng hơn vai Lý Chiêu Hoàng mà Thanh Huyền đóng ở vở “Tình sử Thăng Long”. Công chúa An Tư là người góp phần làm nên chiến thắng của vua tôi nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Trên sân khấu, Thanh Huyền phải làm sao để xây dựng hình ảnh nhân vật tuy là nữ nhi nhưng ý chí, tinh thần lại vô cùng mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh thế giặc mạnh, thế ta còn yếu, nhà Trần buộc lòng để An Tư làm vợ tướng giặc Thoát Hoan. An Tư công chúa được ví như “nữ tình báo” đầu tiên của nước Việt ta.

- Thanh Huyền chắc hẳn đã yêu! Có lẽ khi trải qua những cung bậc cảm xúc tình yêu thì mình sẽ hiểu hơn về nhân vật của mình?

- Tôi cũng đang yêu! Trên sân khấu, có những lời thoại mà khi nói ra, mình có sự mường tượng và đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật: Sự chia ly đau xót như thế nào, sự ghê tởm khi phải dành trinh tiết của mình cho kẻ thù ra sao... Tôi cũng may mắn khi được các nghệ sĩ, đạo diễn chỉ bảo tận tình.

- Thanh Huyền khá hợp với đề tài lịch sử. Khi tuổi còn khá trẻ, liệu đó có phải là một thách thức với bạn?

- Tôi cảm thấy hứng thú với các dạng vai, từ dân gian đến hiện đại. Nhưng có lẽ, được vào vai các nhân vật lịch sử vừa là niềm tự hào, vừa cảm thấy mình cần có khoảng không gian, thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và hóa thân vào nhân vật. Còn với đề tài hiện đại, tôi mới chỉ tham gia một số vai nho nhỏ.

- Đến với chèo là sự tình cờ, nhưng gắn bó với chèo cũng phải “hợp duyên” nữa đấy...

- Tôi có người bác họ là NSND Ngọc Khánh, công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Hồi nhỏ tôi cũng yêu thích văn nghệ, thường xuyên tham gia các chương trình nghệ thuật. Bác Khánh chia sẻ với tôi về nỗi vất vả khi làm nghệ thuật: “Nếu con đam mê ca hát thật sự thì nên chọn nghệ thuật truyền thống. Đó là con đường ít người đang theo. Nếu con đi vào một rừng hoa thì không ai nhìn thấy con là bông hoa nào. Nhưng nếu đi vào một cánh rừng lưa thưa... thì có thể con sẽ là một trong những bông hoa đẹp”. Thế là tôi chọn nghệ thuật truyền thống và quyết sẽ học chèo. Thực sự, lúc ấy Thanh Huyền chưa hiểu chèo là gì, nhưng khi được nghe thì thấy ngấm dần, yêu dần và càng ngày càng yêu hơn. Hồi ấy, tôi thích nhất là nghe bài “Luyện năm cung” của NSƯT Thu Huyền, rồi nghe NSND Thanh Hoài, NSND Thanh Bình, NSND Thúy Ngần hát. Đó là những giọng ca chèo mẫu mực hiện nay. Tôi cũng tranh thủ xem các vở chèo, trích đoạn chèo mẫu mực. Lúc ấy, có thể tôi chưa thể hiểu sâu xa ý nghĩa những vở chèo đó, nhưng ấn tượng đầu tiên là sự mộc mạc, gần gũi, nghe là thấy thích.

- Được tiếp cận với chèo trong môi trường lớp đào tạo nguồn của Nhà hát Chèo Hà Nội, sau này là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Điều gì khiến Thanh Huyền say mê chèo đến vậy?

- Chắc là sự ganh đua học tập, sự hiếu thắng trong mình. Khi thấy người khác làm được mà mình thì chưa, tôi lại quyết tâm để làm bằng được. Thứ nữa là khi được học với các thầy cô, các anh chị - những người có nghề thì bản thân tôi tiến bộ nhanh hơn. Lúc xem các bậc đàn anh, đàn chị diễn, tôi lại ao ước, sau khi ra trường mình cũng làm được như thế. Chính điều đó thôi thúc sự học hỏi, tìm tòi trong tôi. Mẹ nuôi của tôi là NSƯT Ngọc Bích và NSƯT Thúy Hạnh cũng chỉ bảo, dìu dắt tôi trong những năm tháng đầu tiên bước vào nghề. Hồi ấy, tôi hay đi “xem trộm” các tiết dạy của NSND Thúy Ngần ở lớp các anh chị khóa trên. Tôi còn đến tận nhà cô Thúy Ngần để nhờ cô chỉ dạy cho các vai Xúy Vân, Thị Kính.

- Bạn thấy công chúng đón nhận nghệ thuật truyền thống như thế nào?

- Không phải mọi người không yêu chèo mà có thể nó bị lãng quên, bởi cuộc sống bây giờ quá bận rộn. Thanh Huyền rất muốn những đêm diễn chèo có đông khán giả, mong muốn được lan tỏa nghệ thuật chèo tới khán giả. Muốn vậy thì mình phải làm được điều gì đó, phải lắng nghe xem khán giả đang cần gì ở chèo. Đó cũng là điều mà Thanh Huyền đang cố gắng tìm ra trên con đường sự nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ Thanh Huyền!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ chèo Thanh Huyền: ''Phải lắng nghe xem khán giả đang cần gì ở chèo''