Hà Nội 360

Về Phú Mãn ăn Tết Mường

Mạnh Dũng 25/01/2025 - 06:38

Khi những cánh hoa đào rừng khoe sắc khắp các sườn đồi báo hiệu mùa xuân tới cũng là lúc đồng bào dân tộc Mường ở xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) chộn rộn đi chợ phiên Lập Thành để sắm Tết.

Đây đó, trong các xóm, thôn, thanh âm quen thuộc của chiêng Mường đã ngân lên. Nhà nhà đã dựng cây nêu, ăn đụng lợn, gói bánh chưng… Năm nay, xã Phú Mãn đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, đời sống người dân có nhiều đổi thay, Tết về xứ Mường như vui hơn.

phong-2.jpg
Phụ nữ xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) luyện tập cồng chiêng chuẩn bị biểu diễn dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đặc sắc Tết Mường

Sau ngày 23 tháng Chạp, không khí Tết đã chộn rộn khắp các làng quê xứ Mường ở Phú Mãn. Chị Đinh Thị Tuyết Thu (thôn Trán Voi, xã Phú Mãn) hôm nay chuẩn bị những tàu lá dong xanh nhất, những ống giang bánh tẻ và gạo nếp nương hạt tròn mẩy để gói bánh chưng.

Chị Thu nói: “Từ đầu tháng Chạp, tôi đã đi chợ phiên Lập Thành (chợ nằm trên địa bàn xã Đông Xuân, giáp với xã Phú Mãn) mua măng, miến, hành khô; sắm thêm các vật dụng mới trong gia đình... Đến phiên chợ ngày 22 tháng Chạp thì mua lá dong, ống giang, gạo nếp. Sau ngày 23 tháng Chạp, cửa nhà được dọn sạch tinh tươm. Những ngày giáp Tết, cả nhà quây quần gói bánh chưng, bánh ống làm mâm cơm mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu…”.

Là một trong 13 xã thuộc vùng dân tộc miền núi của Thủ đô, đồng bào dân tộc Mường ở Phú Mãn vẫn giữ gìn và bảo lưu những phong tục truyền thống đặc sắc của dân tộc, đặc biệt là trong những ngày Tết. Chị Đinh Thị Định (thôn Đồng Vàng, xã Phú Mãn) tiếp lời: "Văn hóa ẩm thực của người Mường rất phong phú. Ngày Tết, món ăn không thể thiếu trong các gia đình đó là bánh chưng, bánh chéo kheo; xôi đồ, thịt chua, canh măng, rau rừng, lợn gác bếp... Đặc biệt, cứ đến gần Tết, nhiều gia đình ở quê rủ nhau mổ lợn, trâu “ăn đụng” nên không khí làng quê càng thêm tưng bừng, vui vẻ".

Những ngày Tết, đồng bào dân tộc Mường cũng rất coi trọng các nghi lễ. Chị Đinh Thị Uyên, công chức văn hóa xã Phú Mãn là người dân tộc Mường ở xã Minh Quang (huyện Ba Vì), về làm dâu ở xã Phú Mãn đã hơn 10 năm, cho biết, trên bàn thờ trong những ngày Tết, người Mường bày mâm ngũ quả và không thể thiếu hai cây mía dựng hai bên. Cây mía mang ý nghĩa để ông bà, tổ tiên chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới...

Trong những ngày đầu năm mới, anh em, họ hàng sẽ tới nhà nhau chúc Tết. Người Mường rất coi trọng việc đón khách và chuẩn bị chu đáo các món cỗ hoặc bánh kẹo mời khách. “Ngày xưa, tôi còn thấy cứ qua giao thừa, có các phường hát sắc bùa tới từng nhà đánh chiêng và hát chúc Tết các gia đình. Tiếc rằng, tục này những năm gần đây không được duy trì như xưa”, chị Uyên kể.

Cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc của người Mường. Từ trước Tết, tại Nhà văn hóa cộng đồng các dân tộc Phú Mãn, các bà, các chị đã xúng xính trong trang phục truyền thống ôn lại các bài dân ca cổ, các bài chiêng quen thuộc. Bà Nguyễn Thị Chanh (thôn Cổ Rùa) là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Phú Mãn cho biết: “Xã có 5 thôn thì cả 5 thôn đều có Câu lạc bộ Cồng chiêng. Ngoài ra, xã cũng có một Câu lạc bộ Cồng chiêng, thu hút hơn 60 chị em tham gia. Người Mường đón giao thừa trong tiếng chiêng, trống hân hoan. Ăn bữa cơm tối tất niên xong, nhân dân sẽ tập trung cả về nhà văn hóa các thôn để hát, múa, đánh cồng chiêng đón chào năm mới. Chúng tôi đang ôn lại các bài như: Bông trắng, Bông vàng, Đi đường, Chúc phúc, Loóng 1; Loóng 2; Loóng 3… Những thanh âm chiêng Mường sẽ được vang lên để chào đón năm mới, chào mừng các cụ cao niên được mừng thọ đầu năm”.

Trong những ngày Tết ở đất Mường Phú Mãn không thể thiếu những hoạt động vui chơi. Chị em phụ nữ dân tộc Mường khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất. Đó là váy đen, áo phắn các màu khác nhau, lấp ló chiếc yếm dệt hoa văn bên trong, đầu đội khăn màu trắng. Những cô bé, cậu bé trong những bộ quần áo mới theo bố mẹ đi chúc Tết. Trong suốt những ngày Tết, nhiều hoạt động vui chơi diễn ra ở cộng đồng dân cư như: Ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, bóng chuyền hơi, bóng đá và thi hát dân ca Mường.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Vàng Nguyễn Quốc Huệ cho biết, thôn có khoảng 450 hộ dân. Tết này, thôn có kế hoạch tổ chức các trò chơi ném còn, đẩy gậy từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết và biểu diễn cồng chiêng trong 2 ngày mùng 3 và mùng 4 Tết. Các hoạt động vui chơi sẽ kéo dài đến ngày mùng 8 tháng Giêng. Vào ngày này, theo phong tục truyền thống, bản Mường sẽ tổ chức lễ Khai Hạ xuống đồng sản xuất, tạm gác lại các hoạt động vui chơi.

Kỳ vọng mới trong mùa xuân mới

phong-1.jpg
Một góc làng văn hóa Đồng Âm (xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai).

Phú Mãn có 87% dân số là người Mường với các dòng họ lớn là: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng, Bùi, Nguyễn...; là xã dân tộc miền núi thứ hai của huyện Quốc Oai (cùng với xã Đông Xuân) và là một trong 13 xã dân tộc miền núi của Thủ đô. Chính bởi vậy, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở Phú Mãn cũng có những nét đặc trưng. “Năm nay, người Mường ở Phú Mãn ăn Tết vui hơn khi những ngày cuối cùng của năm 2024, địa phương đã được Đoàn công tác của thành phố thẩm định đạt nông thôn mới nâng cao, kinh tế của các hộ dân có nhiều khởi sắc”, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn Đinh Công Nhật vui vẻ chia sẻ.

Năm 2024, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Phú Mãn đã có nhiều khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới nâng cao, những năm gần đây, xã đã huy động được gần 200 tỷ đồng đầu tư cho các tiêu chí. Nhờ đó, Phú Mãn đã có hệ thống hạ tầng khang trang. Các tuyến đường giao thông trục chính được trải nhựa; đường ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp. Xã có 100% thôn có nhà văn hóa, khu thể thao, đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân. Ngoài ra, xã còn có thêm 1 nhà văn hóa cộng đồng các dân tộc được xây dựng 2 tầng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Mường. Đây là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật của dân tộc Mường như: Cồng chiêng, trang phục, khung dệt vải, trống đồng... và cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của cộng đồng dân cư.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Vàng Nguyễn Quốc Huệ cho biết, năm 2024, thôn đã được đầu tư sửa lại nhà văn hóa, giếng làng cổ. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tiên, Trưởng thôn Trán Voi khoe, đầu năm 2024, thôn đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa mới; các tuyến đường giao thông cũng được đầu tư nâng cấp, trải nhựa nên người dân thuận lợi hơn nhiều trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chị Bùi Thị Thu (thôn Cổ Rùa) vui vẻ cho biết: “Năm qua, gia đình nuôi gà và lợn đều lớn nhanh, được giá. Gia đình vừa xuất chuồng 40 con lợn, giá thịt lợn hơi được 70.000 đồng/kg; hơn 200 con gà thả vườn với giá bán 100.000/kg. Đây là mức giá tương đối cao và người chăn nuôi có lãi. Gia đình tôi ai cũng có việc làm và thu nhập tốt nên Tết này sẽ rất vui”.

Trước thềm xuân mới Ất Tỵ 2025, đồng bào dân tộc Mường ở Phú Mãn cũng ấp ủ nhiều dự định mới, kỳ vọng những đổi thay nhiều hơn cho quê hương. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn Đinh Công Nhật thông tin, Phú Mãn có cảnh quan thiên nhiên đẹp, lưu giữ nhiều nét văn hóa bản địa đặc trưng của người Mường như cồng chiêng, ẩm thực truyền thống… Trên địa bàn xã hình thành nhiều mô hình du lịch cộng đồng... Thời gian tới, Phú Mãn sẽ khai thác lợi thế này để phát triển mạnh hơn những mô hình du lịch vừa làm đẹp cho làng quê, vừa tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.

Chia tay bản Mường Phú Mãn khi ngày xuân đang đến thật gần. Những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc được treo trang trọng, tung bay trên khắp các trục đường chính khu trung tâm của xã và các thôn. Những cây nêu trong các gia đình đã được dựng, mang theo kỳ vọng của người dân về một mùa xuân mới ấm áp, tươi vui; mưa thuận gió hòa, kinh tế phát triển...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Phú Mãn ăn Tết Mường