Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Doãn Nguyên: Cháy hết mình cho niềm đam mê âm nhạc

Quỳnh Anh| 01/01/2022 07:40

(HNMCT) - Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Doãn Nguyên (Trưởng ban Âm nhạc VOV3, Đài Tiếng nói Việt Nam) đã trải qua một hành trình dài gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam qua các vai trò như sáng tác, phối khí, dàn dựng, chỉ huy, quản lý... Âm nhạc của anh trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng giống như con người của anh, luôn ít nói, khiêm nhường, cháy hết mình cho niềm đam mê âm nhạc.

Nhạc sĩ, NSƯT Doãn Nguyên chỉ huy chương trình nghệ thuật “Dưới lá quân kỳ”.

1. Hẳn nhiều người còn nhớ trong chương trình nghệ thuật “Dưới lá quân kỳ” cách đây 2 năm để tôn vinh nhạc sĩ Doãn Nho - do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy dàn nhạc hôm ấy là nhạc sĩ Doãn Nguyên. Với nhạc sĩ Doãn Nguyên, những tác phẩm đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Doãn Nho như “Chiếc khăn Piêu”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người con gái sông La”, “Tiến bước dưới quân kỳ”... vừa là niềm tự hào vừa là niềm vinh dự khi anh được góp phần quan trọng vào sự thành công của đêm nhạc tôn vinh người cha đáng kính của mình.

Dù cuối năm đầy bận bịu, nhạc sĩ Doãn Nguyên vẫn vui vẻ, cởi mở khi nói về chuyện đời, chuyện nghề. Anh kể, tuổi thơ của anh dù gian khổ, vất vả nhưng luôn tràn ngập không khí âm nhạc. Bố mẹ hướng anh vào con đường âm nhạc từ rất sớm. Ngay từ 4 - 5 tuổi anh đã theo học piano rồi đến 7 tuổi thi đỗ vào khoa Piano, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Suốt 16 năm học tập tại đây, anh vừa theo học chuyên ngành Piano vừa theo học chỉ huy dàn nhạc giao hưởng từ Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (nay là Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam).

2. Nhắc đến nhạc sĩ Doãn Nguyên người yêu nhạc nhớ đến người nhạc sĩ đa tài khi vừa sáng tác khí nhạc, vừa sáng tác ca khúc mà hầu hết những tác phẩm này đã được giới thiệu đến công chúng cũng như được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh quan niệm, sáng tác là một nhu cầu của bản thân, là lúc anh được thỏa sức sáng tạo mà không bị bó buộc vào bất cứ điều gì. Trong sáng tác, anh luôn coi cha mình là người thầy đầu tiên, bởi chính cha đã truyền dạy cho anh kiến thức cơ bản về sáng tác; hơn nữa, sáng tác của ông như những “bài tập mẫu” để anh cố gắng rèn luyện, phấn đấu, học hỏi. Một lý do nữa đưa anh đến với việc sáng tác thú vị và cũng đầy nhọc nhằn này là sau khi tốt nghiệp được về làm việc tại Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi anh đã gắn bó suốt mấy chục năm với vai trò quản lý, nhạc trưởng của dàn nhạc, trực tiếp phối khí, dàn dựng thu thanh hàng ngàn tác phẩm, hàng trăm chương trình biểu diễn lớn, nhỏ...

NSƯT Doãn Nguyên nói, anh tâm huyết với sáng tác khí nhạc bán cổ điển, một thể loại kén người nghe. Điều này nghe có vẻ ngược đời vì hiện có nhiều người hướng đến việc sáng tác ca khúc để dễ nổi tiếng... Nhưng khi nghe lý giải của anh mới thấy thấm thía ý nghĩa của công việc mà anh đang theo đuổi: “Nền âm nhạc nước nhà chủ yếu phát triển theo mảng ca khúc mà đang thiếu hụt mảng khí nhạc, điều đó rất khập khiễng. Chính vì vậy, tôi và một số nhạc sĩ đang cố gắng để cân bằng lại, đam mê và tâm huyết với sáng tác khí nhạc bởi một nền âm nhạc khỏe mạnh phải đi hai chân, một chân khí nhạc, một chân thanh nhạc. Đặc biệt, muốn nền âm nhạc nước nhà vươn ra thế giới thì phải coi trọng khí nhạc, cụ thể là những tác phẩm giao hưởng”.

Trong những sáng tác khí nhạc của nhạc sĩ Doãn Nguyên, dễ dàng nhận thấy sự kết hợp của các nhạc cụ dân tộc như sáo Mèo, đàn bầu... hòa tấu cùng dàn nhạc bán cổ điển. Ví dụ như tác phẩm “Cánh thư ra đảo xa” anh viết cho dàn nhạc bán cổ điển hòa tấu, cùng với 2 nhạc cụ dân tộc là sáo trúc và đàn tranh trên chất liệu của làn điệu Lý tình tang (dân ca Bình Trị Thiên), hay tác phẩm “Tình khúc biên thùy” viết cho sáo Mông và dàn nhạc... Có thể nói, những sáng tác bán cổ điển của nhạc sĩ Doãn Nguyên luôn có chất riêng, chuẩn mực, sang trọng và mang hơi thở, màu sắc của quê hương, đất nước. Bên cạnh việc sáng tác, anh luôn khích lệ, động viên các nhạc sĩ trẻ tham gia sáng tác, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu những tác phẩm thuộc thể loại này đến với công chúng. Anh vui mừng cho biết, gần đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đưa dòng nhạc này lên sóng phát thanh. “Thông qua làn sóng của Đài, chúng tôi muốn tạo ra một địa chỉ để thính giả có điều kiện tiếp xúc gần hơn nữa, nhiều hơn nữa với dòng nhạc này nói riêng và nhạc không lời nói chung” - nhạc sĩ Doãn Nguyên trải lòng.

Là người gắn bó với nhạc sĩ Doãn Nguyên mấy chục năm qua, Nghệ sĩ Nhân dân Phan Muôn, nguyên Trưởng đoàn Ca nhạc mới, Đài Tiếng nói Việt Nam, đánh giá: “Ở Doãn Nguyên luôn cháy bỏng niềm đam mê nghệ thuật. Đã có hàng nghìn tác phẩm phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã qua bàn tay phối khí, dàn dựng, chỉ huy của anh. Với tài năng, tâm huyết, trách nhiệm và sự lao động nghiêm túc, nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng đã được vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của làn sóng phát thanh quốc gia”. Là người đã được nhạc sĩ Doãn Nguyên dàn dựng cho nhiều chương trình trên cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Mai Hoa cho rằng, nhạc sĩ Doãn Nguyên có tinh thần kỷ luật rất cao trong công việc. Và, có thể nói, anh đã “chắp cánh” cho tiếng hát của nhiều ca sĩ trên sóng phát thanh, trong đó có Mai Hoa.

3. Hiện nay, với vai trò Trưởng ban Âm nhạc VOV3, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Doãn Nguyên hiểu hơn ai hết trách nhiệm, sứ mệnh của người “cầm trịch” một kênh quan trọng của Đài. Anh nhấn mạnh: “Trong chương trình phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 7-9-1945 có 90 phút thì có đến 30 phút thời lượng dành cho âm nhạc. Có thể lịch sử của kênh VOV3 gắn liền với sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nơi đây đã sản sinh cho đất nước những tên tuổi lớn của nền âm nhạc nước nhà (bởi thế mà nhiều người hay gọi vui là “Hội Nhạc sĩ Việt Nam thu nhỏ”) như Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Hoàng Hà, Trần Chung, Hồ Bắc, Thuận Yến, Vũ Thanh...). Công việc của cán bộ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, biên tập viên, phóng viên của Ban Âm nhạc hiện nay là phải tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ trước với chức năng tuyên truyền, giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước cho khán, thính giả thông qua âm nhạc, định hướng thẩm mỹ, phục vụ tốt hơn nhu cầu giải trí đang ngày một cao và đa dạng”, nhạc sĩ Doãn Nguyên chia sẻ.

Nhạc sĩ Doãn Nguyên hồ hởi cho biết, từ ngày 1-1-2022, Ban Âm nhạc sẽ thay đổi toàn diện khung sóng mới của kênh VOV3 với nhiều format hoàn toàn mới để phục vụ tốt nhất nhu cầu ngày một đa dạng của công chúng nhưng vẫn đảm bảo được vai trò là kênh âm nhạc của đài quốc gia. Theo anh, đó là sự chuyển mình để bắt nhịp với xu thế thời đại. Nghe anh say sưa trò chuyện mới thấy âm nhạc dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh, nó như nguồn sống, như máu thịt của anh vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Doãn Nguyên: Cháy hết mình cho niềm đam mê âm nhạc