Xưa và nay

Nhớ “tổ phục vụ” một thời

Phong Hà 09/09/2023 - 07:41

Trong muôn vàn khó khăn của thời chiến tranh, người dân Hà Nội vẫn lạc quan, đề ra nhiều sáng kiến tổ chức cuộc sống phù hợp trong sinh hoạt và công tác, nhằm giảm bớt nỗi nhọc nhằn thời bao cấp.

Một trong những sáng kiến ấy là thành lập các “tổ phục vụ” ở hầu hết các khu phố. Nhớ lại những kỷ niệm khó quên đó, chúng ta không khỏi rưng rưng xúc động về một thời gian khó đã qua...

phich-2.jpg
Những chiếc phích đựng nước sôi một thời.

Ấm lòng từ những phích nước sôi

Tận dụng mảnh đất lưu không tầm chục mét vuông đầu ngõ, người ta dựng một mái nhà đơn sơ với vách ốp phên nứa, cót ép, mái lợp giấy dầu, xây tạm một cái bếp than nhỏ... Đó là nơi hoạt động của tổ phục vụ trong khu phố. Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả các cuốn sách “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội” thì: “Ở đô thị thời bao cấp, xuất hiện các tổ phục vụ bán nước sôi, mọi nhà ra mua tiện và nhanh hơn nấu bếp dầu, bếp than mà giá lại rẻ chỉ có 5 xu”.

Thời bao cấp, dầu hỏa, chất đốt cũng như thực phẩm được phân phối theo tem phiếu, có hạn, nhưng nhu cầu dùng nước sôi của các bà nội trợ hằng ngày tăng, nên việc tổ phục vụ bán nước sôi 5 xu một phích trở nên rất thuận tiện, hữu ích và tiết kiệm chi phí cho mọi gia đình.

Vẫn theo tác giả Nguyễn Ngọc Tiến: “Dù phích có đắt nhưng nhiều gia đình vẫn phải mua bằng được. Không chỉ cho đàn ông uống trà mà còn cho con trẻ, không có phích nuôi con vô cùng vất vả, vì thế, trong đám cưới mọi người hay tặng phích”.

Còn nhớ mùa đông năm ấy khá lạnh, mẹ tôi mới sinh em bé nên nhu cầu nước sôi để pha sữa và tắm cho bé hằng ngày trở nên cấp thiết. Tôi và chị gái tôi một ngày dăm, bảy lần xách phích ra tổ phục vụ mua nước sôi. Bà Sỡi, tổ trưởng tổ phục vụ cứ thấy tôi đến là ưu tiên bán trước dù hàng chục chiếc phích Rạng Đông đã xếp hàng trên bàn từ bao giờ.

Một đêm, còi hủ báo động máy bay Mỹ xâm nhập bầu trời Hà Nội. Mẹ tôi bế em bé xuống hầm cá nhân trú ẩn. Lúc báo yên, em bé bĩnh ra tã. Nửa đêm rồi, tổ phục vụ nghỉ không bán. May là nhà tôi có đến 4 cái phích nước dự trữ nên đủ để vệ sinh cho bé.

Một lần, anh tôi là bộ đội đóng ở Nghệ An đi công tác tạt qua thăm nhà. Giữa đêm, với cái phích nước sôi đã mua ở tổ phục vụ từ tối, chỉ một loáng, chị tôi đã nấu xong nồi cơm và còn pha ấm trà cho bố và anh tranh thủ đàm đạo.

Tổ phục vụ và những phích nước sôi thuở ấy, dù chỉ là nét sinh hoạt đời thường nhưng đã làm ấm lòng người thành thị, giúp cho cuộc sống của họ bớt vất vả và thuận lợi hơn.

Dịch vụ giúp người dân trong khu phố

Không chỉ bán nước sôi, tổ phục vụ lúc đó còn mua giúp lương thực, thực phẩm cho những hộ gia đình neo người, bận đi làm suốt ngày hoặc đi sơ tán. Tổ phân công các bà, các chị đi xếp hàng sớm tại các cửa hàng mậu dịch mua hàng giúp các hộ, công xá rất rẻ, với tinh thần phục vụ là chủ yếu. Bà Sỡi tổ trưởng có con trai mới hy sinh ở khu 4, sau lễ truy điệu ở khu phố, bà nuốt nước mắt bắt tay vào công việc của tổ phục vụ.

phich-1.jpg
Xếp hàng ở “Tổ phục vụ”.

Sẵn nồi to và bếp than, những ngày cận Tết Nguyên đán, tổ phục vụ còn nhận luộc bánh chưng, nhận mua giúp túi hàng Tết hoặc làm bánh quy xốp cho các gia đình không có điều kiện chuẩn bị, mua sắm đón Tết. Mấy bà, mấy chị trong tổ phục vụ chạy ngược chạy xuôi, y như chong chóng trong những dịp cận Tết.

Thế rồi chiến tranh kết thúc, kinh tế thị trưởng mở ra, tổ phục vụ ở các khu phố cũng giải thể. Đời sống kinh tế của nhân dân ở thành thị và nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Các gia đình hầu hết đã sử dụng bình tắm nóng lạnh, ấm đun nước siêu tốc, và người ta còn luộc những nồi bánh chưng lớn đón Tết bằng bếp điện công nghiệp, sạch sẽ và thuận tiện.

Ký ức về những phích nước sôi giá 5 xu và các tổ phục vụ thời bao cấp mãi ghi trong tâm trí nhiều thế hệ người Hà Nội, đánh dấu một thời gian khó nhưng ấm áp tình người. Những phích nước sôi thuở ấy đã góp phần làm ấm lòng người dân thời chiến tranh phá hoại, giúp họ vượt lên để chiến thắng hoàn cảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ “tổ phục vụ” một thời