Có gì mừng nấy
Tôi cưới vợ vào những năm bao cấp. Ở thành phố lúc bấy giờ, công nhân, viên chức các cơ quan thường được phân phối hàng tiêu dùng như săm lốp xe đạp, vải hoa, chậu thau men, phích nước Rạng Đông, cặp lồng cơm, áo đi mưa, bóng đèn điện... Hàng hóa về, công đoàn tổ chức “bắt thăm”, ai bắt trúng thứ gì thì được mua thứ đó theo giá phân phối (rẻ hơn so với giá “chợ đen” khá nhiều). Có người bắt thăm trúng nhiều lần, bèn nhường cho đồng nghiệp đang cần dùng. Tinh thần nhường nhịn nhau lúc đó khá được đề cao.
Đám cưới của tôi được tổ chức tiệc ngọt tại hội trường của một cơ quan, diện tích không rộng lắm nhưng vừa đủ, ấm cúng. Đồ mừng mà bạn bè mang đến lỉnh kỉnh những bọc giấy xanh đỏ được cắt trang trí răng cưa, trổ hoa tỉ mỉ. Bọc to, bọc nhỏ, hình vuông hình tròn xếp đầy mấy chiếc bàn. Tan tiệc, vợ chồng tôi và gia đình phải thuê vài chuyến xích lô mới mang hết đồ mừng về nhà.
Hôm sau, kiểm đếm đồ mừng cưới, vợ chồng tôi như ngồi trước một quầy hàng tạp hóa vậy. Chậu thau men cỡ to 5 chiếc, cỡ nhỏ 7 chiếc; phích nước Rạng Đông 6 chiếc; lọ cắm hoa kèm cây dừa kết bằng phim 5 chiếc; cặp lồng đựng cơm 6 chiếc... Ấy là chưa kể vải hoa, áo đi mưa, săm xe đạp, khung ảnh bằng phim thì nhiều vô kể.
Vợ chồng tôi chỉ dùng một, hai cái chậu men, khung bằng phim thì lồng luôn ảnh cưới đen trắng. Số đồ mừng còn lại được cất hết lên gác xép như “của để dành”, để mừng dần đám cưới bạn bè hay cho, tặng ai cần. Vải hoa thì vợ tôi biếu mẹ chồng, săm xe đạp cho cậu em vợ, áo đi mưa tặng bà dì bên ngoại... Có sẵn đồ dùng để tặng - cho mọi người, vợ chồng tôi thấy mình giàu có, vui lắm.
Cháu tôi ở ngoại thành tổ chức đám cưới, ăn cỗ mặn hai ngày, làng trên xóm dưới đến mừng đông vui chật cả sân kho hợp tác. Dân làng đến ăn cỗ người mang theo túi gạo, túi lạc, đỗ hay rổ khoai mừng cô dâu chú rể. Vợ chồng nó kể: "Ở nông thôn là vậy. Người dân có gì mừng nấy, thật thà như hạt lúa củ khoai, không câu nệ gì. Mọi người mừng đám cưới cháu tổng cộng hơn 2 tạ gạo tẻ, 4 yến gạo nếp, gần 1 tạ lạc nhân, 8 yến đỗ xanh, 6 yến khoai lang, 3 yến thịt lợn và gần một chục chậu thau men cỡ đại... Vợ chồng cháu hóa “địa chủ”, không lo đói kém, còn cho bớt người trong họ, láng giềng mà vẫn không hết".
San sẻ quà mừng đám cưới
Hồi chiến tranh phá hoại, có lần tôi đi dự một đám cưới ở nông thôn, ấn tượng mãi bởi một sự kiện xảy ra ở phần cuối hội hôn. Sau khi đại diện họ nhà trai, nhà gái lên có lời cảm ơn quan khách, bất ngờ ông bố chú rể xin phép có đôi lời dặn dò hai cháu. Trước đông đủ khách khứa, mấy mâm cỗ còn đang náo nhiệt, bố chú rể hạ giọng: “Về phần quà mừng cưới, thầy mạn phép có ý kiến thế này: Chú rể ba tuần nữa sẽ tòng quân đánh giặc, cô dâu tiếp tục công việc giữ trẻ mầm non của xã. Theo thầy “Thóc đầy bồ chẳng bằng bụng quân ta no”, ta nên tặng số gạo được mừng cưới cho trung đội dân quân ngày đêm trực chiến, mấy chiếc chậu thau men thì tặng cho lớp mẫu giáo sử dụng, gia đình dùng không hết, để lâu gạo sẽ hỏng...”. Ông bố chú rể vừa nói đến đấy, tiếng vỗ tay hoan hô vang khắp phòng cưới.
Không ít đám cưới, sau khi tàn tiệc, đôi uyên ương đã mang đồ mừng đi tặng các gia đình neo đơn, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn trong làng, trong xã, mong mọi người bớt đi nỗi nhọc nhằn, làm ấm thêm nghĩa tình đùm bọc lẫn nhau.
Thời ấy, ở cả thành thị và nông thôn, dường như người ta không đặt nặng câu chuyện đồ mừng cưới nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà cái nghĩa cái tình được đặt lên hàng đầu. Đi đám cưới mừng cái gì cũng được, dẫu không mừng cũng không sao. Miễn là góp mặt trong ngày vui hạnh phúc của nhau, thực lòng chúc phúc cho đôi vợ chồng nên duyên, sống với nhau đến đầu bạc răng long. Đó là điều quý giá nhất thời đó.
Ngày nay, đến đám cưới người ta thường bỏ phong bì tiền mừng vào cái thùng để ở cửa phòng cưới. Thực lòng đấy nhưng đôi khi hơi thực dụng. Có không ít vị khách còn xem xét tiệc cưới này tổ chức ở khách sạn mấy sao, thực đơn cao cấp hay xoàng xĩnh để quyết định mức tiền mừng. Đúng là mỗi thời quà mừng đám cưới mỗi khác. Quà mừng cưới thời bao cấp xem ra đơn giản, chân chất như con người thời ấy vậy.