Niềm hạnh phúc giản đơn

Truyện ngắn của Nông Quốc Lập| 05/04/2023 15:18

(HNMCT) - Người làng Nhan thường bảo bà Chanh sướng, nhà cửa khang trang, cháu nội, cháu ngoại ngoan hiền, thịt ăn không hết phải làm thịt lạp treo gác bếp. Ngày nắng, trước cửa nhà treo mấy cây sào phơi lạp sườn, người đi đường cũng ngửi thấy mùi thơm. Hai con gái đều được gả vào nhà giàu ở thành phố. Thỉnh thoảng cuối tuần, con rể lại đánh xe chở vợ con đến thăm ngoại, biếu bà một, hai triệu đồng để ăn sáng.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Chồng bà làm thầy tào (thầy cúng) nên cứ dăm ba ngày lại đem về cả túi thịt, xôi, bánh trái đủ loại. Ăn không hết, bà chia cho lũ trẻ trong xóm. Hai thằng cháu nội vì ăn nhiều bánh kẹo nên hỏng hết răng. Con trai, con dâu đều trách “mẹ nuông chiều cháu quá làm chúng bị sâu răng cả lượt”. Trong nhà sẵn có, không cho chúng cũng tự lấy mà ăn, bà có cấm cản cũng chẳng được.

Nhiều lúc ngắm hai ngôi nhà ba tầng và những đồ vật trong nhà, bà Chanh lại nghĩ đến những năm tháng nghèo khó trước kia. Ngày đó chồng bà chưa làm thầy tào, bố mẹ chồng còn sống. Vợ chồng bà có bốn đứa con. Cả nhà tám người ở chung căn nhà sàn, đến bữa vừa tròn một mâm. Cơm còn không đủ ăn nói gì đến thịt treo gác bếp với làm lạp sườn phơi nắng. Hiếm hoi có dịp thịt con gà, con vịt thì ông bà, bố mẹ chưa ăn được hai miếng đã hết. Mùa đông đến, gió rét lùa vào nhà sàn, đệm không có, chăn không đủ ấm. Mùa hè, màn không đủ mắc để chống muỗi. Nhưng số bà Chanh là tốt ở hậu vận. Hồi đó đã có người nhìn tướng bà phán thế.

***

Từ khi chồng bà làm thầy tào, người đón kẻ rước, cả tháng không ở nhà được mấy ngày. Hai con gái được gả vào gia đình khá giả, nhà xây mấy tầng, sắm xe ô tô đi làm. Thằng Long lương lái máy xúc một tháng gần hai mươi triệu, vợ nó làm giáo viên cũng được trên chục triệu. Nhưng có những tháng chồng bà còn kiếm được nhiều gấp mấy lần số lương của vợ chồng nó. Người ta làm nhà phải vay trước vay sau, vợ chồng nó làm nhà chẳng phải bận tâm nhiều đến tiền nong. Đến mùa vụ, vợ chồng nó cũng chẳng muốn làm. “Làm ruộng vừa vất vả nhọc nhằn, bỏ ra bao nhiêu công sức nhưng đến lúc thu hoạch được ngô thóc thì giá rẻ mạt. Thóc lúa thì ăn được bao nhiêu? Chúng con bỏ ra một tháng lương là mua được cả tấn thóc ăn cả năm không hết. Ngày xưa là ăn để no cái bụng, bây giờ thì ăn chất là chính. Đất đai để cho người khác thuê làm ăn”. Chúng nó mua gạo ngon về nấu. Nó bảo đấy là gạo của Thái, ngon hơn của nhà mình làm ra. Bà Chanh ăn chẳng thấy nó ngon hơn, bà vẫn thích ăn gạo được cấy trên đất tổ tiên để lại.

***

Mỗi khi bỏ miếng ngon vào mồm bà Chanh lại xót xa. Thằng Đăng con trai lớn của bà không biết đường ăn ở nên đâm đầu vào ma túy. Bà không thể quên được buổi sáng hôm ấy. Trời mưa như thác đổ. Đăng chết ngồi trên ghế, lưng tựa vào thành ghế, cổ ngoẹo sang một bên. Cái kim tiêm vẫn còn dính trên bắp tay. Đăng ra đi nhưng mắt vẫn mở trừng trừng. Chị gái, em gái vừa khóc vừa vuốt mà đôi mắt vẫn không chịu khép lại. Chỉ đến khi bà Chanh lại gần nói: “Mẹ sinh con ra mong con chăm sóc bố mẹ lúc về già, đưa bố mẹ lên đồi yên nghỉ. Con không nghe lời bố mẹ đâm đầu vào vũng nước đục, để rồi kẻ đầu bạc phải lo đám, tiễn kẻ đầu xanh. Con hãy nhắm mắt mà ra đi, con gái của con bố mẹ sẽ nuôi dạy nó đến ngày khôn lớn. Ngôi nhà ba tầng là của con gái con, ruộng nương con gái con đều có phần cả”. Lời bà vừa dứt, tay đứa em gái út vuốt ba cái đôi mắt Đăng liền khép lại như người đang say giấc. Mấy ngày làm ma trời mưa sụt sùi, ai cũng ướt sũng. Những cây tiền giấy được bao trong túi nilon cũng bị ướt. Phải tưới dầu hỏa hai lần mới đốt được cái nhà ma và những cây tiền giấy.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi trời mưa sụt sùi là bà Chanh lại nhớ đến Đăng. Bà vẫn thấy bóng hình của con ngồi trên cái ghế dài lúc rời cõi tạm. Bà từng tính thằng Long lái máy công trình tháng ngày xa nhà, vợ làm giáo viên, chúng muốn gom tiền mua đất, xây nhà ngoài thành phố kệ chúng nó. Ở quê có vợ chồng Đăng là được. Chúng vừa lo việc ruộng nương, chăm nom mồ mả, khi có đám thì thằng Đăng theo bố đánh trống, đánh thanh la, vừa được ăn vừa được tiền. Nó đã viết được chữ, thuộc hầu hết các bài tào rồi, khi bố già có thể thay bố. Bố mẹ tính đường đi nước bước cho con nhưng chúng có biết được nỗi lòng bố mẹ đâu. Biết thì đã không đâm đầu vào bụi gai rồi. Đăng theo bố làm thầy tào, có tiền sinh ra đua đòi chơi bời, nghiện lúc nào không hay. Nó đi theo bố nhưng người cha làm sao có thể kiểm soát con từng giây từng phút được. “Con tự hại mình Đăng à. Giờ vợ con mang con con đi về nhà ngoại sống, mẹ đau lòng lắm con có biết không?”. Bà Chanh than thở trước mộ con trai hôm vợ con Đăng đi về nhà mẹ đẻ. Bà Chanh vừa kể vừa đập tay vào ngực thùm thụp. Ở dưới ba tấc đất Đăng có nghe thấy tiếng lòng của người mẹ tội nghiệp này không?

***

Đứng trên đỉnh đồi nhìn về làng Nhan, hai ngôi nhà của bà Chanh nổi lên như hai vệt sáng. Những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương thấp thoáng sau vườn vầu và rặng tre ngà vàng óng dưới ánh nắng mặt trời. Cái thời không có tiền tuy ăn ở kham khổ nhưng không thiếu tiếng cười nói, đến lúc có tiền rồi dỡ nhà sàn xây nhà mấy tầng thì vắng tiếng người sớm tối. Nhà đẹp, lắm tầng để mà làm gì? Những ngày chồng bà đi làm tào thì một nhà khóa cửa. Có phòng cả năm chẳng đặt bước chân vào bao giờ. Người làng cứ nhìn vào ngôi nhà của bà để trầm trồ, ao ước, họ đâu biết điều mong muốn của bà? Hằng ngày nhìn những đứa nhà bên chạy nhảy tíu tít, bà Chanh cũng thèm được cháu níu lấy bước chân. Trông trẻ con mệt lắm. Thà đi lên núi lấy một gánh củi còn dễ hơn việc trông trẻ. Biết thế nhưng được trông trẻ cũng là niềm vui, hạnh phúc của người làm ông, làm bà, song đâu phải ai cũng có được niềm hạnh phúc tưởng chừng đơn giản ấy.

Có nhà lầu, có tiền là hạnh phúc viên mãn? Bà Chanh không nghĩ như thế. Ngày qua ngày chỉ có vợ chồng già bên mâm cơm đầy thịt, chẳng buồn động đũa. Dỏng tai nghe tiếng con trẻ nhà hàng xóm đòi ăn mà bà Chanh thèm được nghe tiếng cười nói của hai đứa cháu nội. Nhà vắng tiếng nói cười của trẻ con thì buồn lắm. Tuổi già vui với con với cháu mà.

“Mẹ muốn vui với cháu thì ra ở với chúng con”. Vợ chồng thằng Long nói với mẹ nhiều lần. Thỉnh thoảng ra thăm thì được, chứ bà làm sao ra ở hẳn với con ngoài thành phố? Ở quê bà còn có những người bạn láng giềng để chuyện trò, còn có vườn tược, ruộng nương. Đi đâu xa một hai ngày là bà nhớ đến lũ gà vịt. Mỗi khi thấy bà cầm cái ống bơ là chúng chạy theo chân bà. Ra ở với vợ chồng thằng Long vài ngày là bà đã không chịu được lối sống của người thành phố. Ở đó bà không quen biết ai cả, muốn tìm người nói chuyện vài câu cũng khó. Cùng dãy phố mà nhà nào cũng đóng cổng, chỉ mở lúc ra vào. Vợ chồng thằng Long đi làm, hai cháu nội cũng đi học từ sáng, đến tối mới về, một mình bà sống trong nhà lạc lõng. Sống trong nhà mình mà cứ như ở tù. Không chịu được cuộc sống ru rú trong nhà con trai, bà Chanh liền khăn gói trở về quê. Ở nhà bà không ngơi nghỉ đôi tay, khi cầm con dao quắm chặt cây làm củi, lúc cầm cái cuốc vỡ đất để trồng rau xanh. Bà là con người lao động, không được cầm dao cầm cuốc một vài ngày là cảm thấy tay chân thừa thãi. Vận động tay chân bà thấy người khỏe hẳn ra, đến bữa ăn cơm ngon hơn. Đêm nằm cũng ngon giấc.

Đưa mẹ ra bến xe, Long đút vào túi bà một ít tiền. Nhưng bà không nhận. "Con đưa tiền cho mẹ làm gì? Hằng tháng vợ chồng con gửi mẹ vẫn còn. Thỉnh thoảng bố con đi lo đám cũng được khá lắm. Bánh kẹo, rượu thịt không thiếu đâu, chỉ không có người ăn thôi. Tiền con cứ giữ lại đi, ở thành phố cái gì cũng cần đến tiền, không như ở quê đâu". Nhớ đến tiếng cười nói của những đứa trẻ hàng xóm, bà Chanh nói với con trai: "Ngày lễ, ngày nghỉ các con thu xếp thời gian đưa hai cháu về thăm ông bà là mẹ thấy vui lắm rồi". Nói xong, bà bước lên xe khách đang chuẩn bị rời bến. Ở nhà chắc lũ gà vịt và cả con chó trắng lông xù đang mong chủ trở về lắm rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm hạnh phúc giản đơn