Hà Nội văn

Rặng dừa nước

Truyện ngắn của Đoàn Đức Châu 03/09/2023 - 06:45

Sau ngày giải phóng, Dũng được điều về Ban quân quản thị xã. Đơn vị đóng tại một ngân hàng tư nhân. Họ chuyển vào hai phòng phía trong, hoạt động cầm chừng, nhường các phòng mặt tiền cho Ban quân quản.

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Mới được mấy hôm mà Thật, đồng đội "vào sinh ra tử” với Dũng đã thì thầm: “Chỉ có hai người thôi. Nhân viên nghỉ hết rồi. Giám đốc là con gái ông chủ, vừa tốt nghiệp đại học bên Mỹ về, và một cô trợ lý rất xinh”. Thi thoảng liếc qua cửa sổ, Dũng thấy cô giám đốc ngồi bên bàn làm việc. Cô gái khá đẹp nhưng nét mặt nghiêm nghị. Ngược lại, cô trợ lý trẻ trung, hay cười. Hai cô sống trên tầng ba tòa nhà và chỉ ra ngoài đi chợ vào chủ nhật.

Ngày chủ nhật, Thật mượn chiếc Honda 67 rồi rủ Dũng bám theo hai cô gái. Khi đến chợ, hai anh lính đứng bên ngoài chờ cơ hội tiếp cận. Đợi gần một giờ mà không thấy đâu, Dũng sốt ruột bảo Thật quay về. Đúng lúc ấy có tiếng quát tháo ở chỗ ban quản lý chợ. Dũng lại gần, thoáng thấy hai cô chủ nhà. Cô trợ lý nhận ra anh, vội vẫy tay cầu cứu. Dũng chỉnh trang quân phục rồi bước vào. Cậu dân quân cầm khẩu M16 giải thích: “Hai cô này không mang căn cước, lại có biểu hiện đáng nghi nên chúng tôi giữ lại”. Dũng nghiêm mặt nói: “Đây là chủ nhà của Ban quân quản. Các đồng chí giữ người không có chứng cớ là bị kỷ luật đấy”.

Thấy vẻ oai nghiêm của hai anh bộ đội, cậu dân binh đồng ý cho hai cô gái về. Ra khỏi chợ, Thật hớn hở nói cười, còn Dũng thì ngược lại. Phải sắm vai người hùng anh thấy ngượng. Anh đột ngột chào họ rồi kéo bạn về, mặc cho Thật bực bội, miễn cưỡng.

Từ hôm ấy hai cô hay chào hỏi các anh. Dũng thấy vui vui vì không còn không khí lạnh nhạt như trước. Người trẻ tuổi thân nhau rất nhanh. Họ thường lấy cớ mượn cây bút, xin tờ giấy, lúc cho nhau gói bánh quy hay thanh sô cô la. Dũng nhận thấy nét đáng yêu dưới vẻ kiêu sa của cô giám đốc có cái tên rất đẹp: Tường Vi. Hình bóng cô tự nhiên hiện lên trong đầu, xen vào giấc ngủ của Dũng.

***

Dũng là “chủ bút” và tác giả của nhiều bài văn, bài thơ khá hay trên báo tường tiểu đoàn. Chẳng hiểu Thật huyên thuyên thế nào mà hai cô gái cứ nhìn anh với ánh mắt tò mò, chờ đợi. Một sáng, Dũng viết đại một bài thơ rồi dúi vào tay Tường Vi. Lát sau đã nghe phòng bên có tiếng cười khúc khích. Cũng từ hôm ấy ánh mắt Tường Vi nhìn Dũng khác hẳn, trìu mến và thân thiện.

Một hôm, Tường Vi mời Dũng cùng về quê nội dưới Long An. Suốt chặng đường Dũng ngồi không động đậy, cảm giác như tất cả hành khách trên xe đò đang chăm chăm nhìn mình. Ngược lại, Tường Vi thản nhiên lim dim mắt, tin cậy ngả đầu vào vai anh.

Nhà nội của Tường Vi có khu vườn rộng lớn, sum suê cây trái. Giữa vườn là ngôi nhà gỗ ba gian to lớn lợp ngói, khác hẳn những căn nhà nhỏ lợp lá dừa phổ biến ở vùng này.

Bà cô chăm nom gia tài dòng họ dè dặt nhìn anh bộ đội trẻ người Bắc. Sau khi Tường Vi vui vẻ giới thiệu, nét mặt bà mới dịu lại. Bà quay vào nhà chuẩn bị cơm nước để hai cô cậu tự do đi dạo trong vườn.

Hai người ngồi trên bãi cỏ sát bờ sông, hóng những cơn gió mát thổi qua vạt dừa nước xanh mướt chạy dọc bờ sông như bức tường tự nhiên che chắn khu vườn. Đôi lúc không gian bị khuấy động bởi tiếng động cơ của những chiếc ghe chạy vút qua rồi nhanh chóng tĩnh lặng. Dũng bỗng thấy miền quê sông nước này đẹp và thanh bình quá. Vậy mà trước đây anh không hề nhận ra, dù bao năm lặn lội đánh giặc khắp vùng này.

Họ vừa chuyện trò vừa nhấp từng ngụm thơm ngon từ những trái dừa nước. Nhìn đám hoa lục bình tím nhạt trôi bồng bềnh trên dòng nước, Tường Vi nép vào vai Dũng hỏi: “Anh có thích quê em không?”. Dũng bối rối gật đầu, nhịp tim dồn dập. Nghe bà cô gọi vào ăn cơm, Dũng đỡ Tường Vi đứng dậy. Anh mạnh dạn kéo cô vào người mình. Tường Vi vừa ngẩng lên nhìn anh thì đôi môi họ đã gắn chặt với nhau. Họ đứng ôm nhau trong ánh chiều huyền ảo, trong tiếng sóng rì rào của sông Vàm Cỏ, tiếng lao xao hân hoan của hàng dừa nước. Từ ngoài sông chợt vọng tới một giọng hò ngân dài, thiết tha.

***

Dũng chìm trong men say tình yêu. Lãnh đạo đơn vị cũng nhận ra sự thay đổi ở anh. Chính trị viên nhắc “tránh xa những viên đạn bọc đường”, Dũng cũng chẳng bận tâm. Anh thấy bức bối vì không được gặp Tường Vi dù cô ở ngay bên cạnh. Đang buồn bực thì Thật rỉ tai: “Mấy ngày nữa là sinh nhật Tường Vi đấy. Các cô ấy mời bọn mình buổi tối lên tầng ba dự tiệc. Nhưng theo tớ không nên đi lối cửa chính mà trèo ban công như Romeo và Juliet ấy”. Dũng mỉm cười gật đầu.

Hôm ấy, ăn cơm chiều xong, hai đứa xin phép ra phố rồi bí mật quay về. Với lính trinh sát, việc trèo lên tầng ba ngôi nhà quá đơn giản. Nhưng với hai cô tiểu thư là điều không thể tưởng tượng. Họ kinh ngạc khi hai anh lính leo đường ống nước rồi trườn qua lan can tầng ba vào phòng, không những thế còn trao tặng các cô những bông hoa tường vi hái trộm từ khu vườn bên cạnh. Món quà bất ngờ, trẻ trung, tinh nghịch làm họ choáng ngợp trong hạnh phúc. Bữa tiệc kéo dài tới nửa đêm, rộn ràng tiếng cười nói vô tư, yêu đời.

Nhưng họ đã phải trả một giá đắt.

Hôm sau, Dũng được lệnh chuyển về đơn vị quân quản ở Đồng Tháp kèm theo lời nhắn cho ban chỉ huy dưới đó: “Lập trường không vững vàng. Cần theo dõi để giáo dục thêm”.

Mấy tháng liền Dũng như người mộng du, chểnh mảng công việc. Ngày lại ngày trôi qua trống trải, lê thê. Anh viết bài thơ nói về nỗi nhớ nhung của mình và định gửi cho người yêu thì nhận được tin của Thật: “Tường Vi sắp đi Mỹ cùng gia đình. Cô ấy hẹn gặp ông ở quê Long An vào chủ nhật tới”.

Dũng như bay về Long An, nơi Tường Vi đang chờ anh. Họ không nói gì, chỉ ôm nhau và khóc. Bất chợt cô bảo Dũng: “Anh đi với em đi. Như thế chúng mình sẽ được ở bên nhau”. Dũng như tỉnh lại, anh bình tĩnh nói: “Anh không làm như vậy được. Nếu em không thể ở lại thì hãy cho anh thời gian để anh tạo dựng sự nghiệp”. Tường Vi cay đắng hiểu rằng mình không thể thay đổi được suy nghĩ của anh. Nước mắt đầm đìa, cô thổn thức hôn lên môi, lên mắt Dũng...

Một thời gian sau Dũng ra quân. Anh không ra Bắc mà quyết định ở lại Sài Gòn rồi thi vào Trường Đại học Tổng hợp. Sau khi tốt nghiệp, anh “đầu quân” vào một tờ báo. Anh mải mê với những phóng sự sắc sảo vạch trần những việc làm xấu xa, bất lương. Người khen cũng lắm, kẻ chê cũng nhiều. Dũng kiên định con đường của mình, nhưng thực tế cuộc sống đã níu chân anh. Sau cả chục năm làm việc cật lực, có chút tiếng tăm nhưng Dũng vẫn ở nhà thuê, lúc cần tiền sắm đồ nghề tác nghiệp phải vay mượn bạn bè... Và lời thề với mối tình xưa vẫn canh cánh trong lòng. Dũng quyết định bỏ nghề.

Vài doanh nhân giàu có vốn yêu mến Dũng đã khuyên anh làm thương mại. Khi Dũng mở xưởng in, họ cho vay vốn, giúp tìm địa điểm sản xuất, thậm chí bao thầu đầu ra. Sự nhạy bén của người lính trinh sát và vốn sống của một nhà báo đã giúp Dũng nắm bắt thị trường rất nhanh. Việc làm ăn ngày càng tiến triển. Dũng bán xưởng in trong thành phố và chuyển về Long An xây dựng nhà máy. Lãnh đạo địa phương vốn là đồng đội cũ nên dành cho anh nhiều ưu đãi. Dũng trở thành chủ một nhà máy in nổi tiếng trên mảnh đất mà anh luôn thấy mình mắc nợ với nó. Ngoài năm mươi tuổi Dũng đã có mọi thứ, từ nhà cửa, tiền bạc đến tiếng tăm, thế nhưng ít ai biết anh vẫn giấu kín một nỗi đau, một lời thề.

***

Công ty của Dũng tham gia hội chợ triển lãm về sản phẩm bao bì. Buổi trưa, anh ghé qua gian hàng của công ty. Đang xem lại một số mẫu hàng thì nhân viên vào báo có một phụ nữ muốn gặp. Anh vừa ngước mắt lên đã nghe tiếng reo mừng rỡ: “Anh Dũng!”. Giọng nói ấy khiến anh ngây người như bị thôi miên. Anh chăm chăm nhìn Tường Vi và nhận ra những đường nét tươi tắn, đáng yêu năm xưa đã bị thời gian làm phôi phai ít nhiều. Nhận thấy sự xúc động của Dũng, Tường Vi tủm tỉm cười nói khẽ: “Em đây mà. Em về thật rồi mà!”. Dũng run run nắm hai bàn tay cô, thấy mình như kẻ đánh mất chìa khóa kho báu từ rất lâu bỗng vô tình tìm lại được. Hàn huyên một lát, Dũng đột ngột mời Tường Vi về thăm nhà máy của mình. Cô đồng ý ngay.

Đường về Long An vắng vẻ, dịu mát. Tường Vi hạ kính xe. Những cơn gió đồng nội thổi tung mái tóc. Cô thấy mình lâng lâng như trong mơ. Bên cạnh cô là người cô từng yêu tha thiết, người đã khiến cô bao lần chìm trong nước mắt vì nhớ nhung, hờn giận. Đã bao năm cô ngóng chờ tiếng gọi của anh, sẵn sàng bay về bất chấp mọi rủi ro, tai họa. Nhưng tiếng gọi ấy không đến. Giờ đây ngồi bên nhau, cô phải kìm lòng, không dám nắm tay, không dám tựa vào anh. Cũng không tìm thấy những nét đáng yêu ngày nào trên khuôn mặt dạn dày, vô cảm. Không nén được nỗi buồn, Tường Vi thở dài. Dũng quay sang hỏi: “Trông anh già lắm à?”. Tường Vi mỉm cười: “Ai mà chẳng già đi. Nhưng em thích thấy anh cười. Lúc anh cười khuôn mặt anh sáng lên, trẻ trung, cuốn hút, dễ thương. Anh cười đi. Em muốn thấy anh như ngày xưa!”.

Dũng không đưa Tường Vi vào thăm nhà máy mà về thẳng trang viên của anh, cách không xa ngôi nhà trước kia của gia đình cô. Vừa bước qua chiếc cổng vòm lợp lá dừa nước Tường Vi đã run lên. Nơi đây như bản copy ngôi nhà cũ của cô. Ba gian nhà gỗ rộng lớn giữa khu vườn trĩu quả. Chiếc ao rộng, vuông vắn với con đường nhỏ bên dãy tường vi dẫn ra sông Vàm Cỏ. Chạy dọc bờ sông là hàng dừa nước, loài cây hoang dã, thủy chung của miền Tây Nam Bộ. Cô nhận ra, dù bao năm trôi qua Dũng vẫn giữ trong lòng mối tình sâu nặng. Tường Vi nghẹn ngào: “Em cảm ơn anh. Em đã không nhầm khi chọn một người tri kỷ như anh”.

Sương chiều lạnh lẽo buông phủ khu vườn. Dũng kéo Tường Vi sát vào mình. Hơi ấm người anh làm cô run lên. Cô muốn ngả đầu vào lòng anh, muốn òa khóc, muốn buông thả. Nhưng họ vẫn đứng im trong luyến tiếc, nhớ nhung. Nghị lực, lý trí của những người từng trải qua nhiều biến cố đã giúp họ không phá hỏng cuộc sống yên bình của người mình yêu.

Chiều đã xuống trên sông. Không gian tĩnh lặng, trầm lắng, chỉ còn nghe tiếng sóng rì rầm đẩy đưa những đám lục bình bồng bềnh lướt qua hàng dừa nước. Đôi lúc, trong màn chiều tĩnh mịch lại vẳng lên giọng trầm buồn, khắc khoải của con bìm bịp tìm bạn trên bãi cỏ hoang...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rặng dừa nước