Hà Nội 360

Tháng 5, về lại hồ Tây...

Triệu Dương 25/05/2024 - 07:07

Tháng 5 lại về. Hồ Tây những ngày này như lẵng hoa giữa đất trời Thủ đô trong xanh với đủ sắc màu.

Hoa phượng rực đỏ bên ngôi trường Chu Văn An trăm tuổi soi bóng, sắc tím bằng lăng xen kẽ như nốt nhạc vui trên con đường mang tên thi nhân Trịnh Công Sơn ở cạnh hồ. Mấy năm nay, thêm hoa muồng vàng như những câu thơ lấp lánh rắc xuống mặt nước hồ xanh biêng biếc càng gợi nhớ những câu thơ Hồ Xuân Hương ở thôn Khán Xuân thuở nào…

ho-tay-2.jpg
Chiều hồ Tây. Ảnh: Quý Nguyễn

Đẹp từ những điều giản dị

Những ngày đầu tháng 5, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Đào Ngọc Nghiêm hào hứng tập hợp tài liệu, soạn bài viết phục vụ hội thảo đánh giá tiềm năng phát triển du lịch hồ Tây, theo “đơn đặt hàng” của lãnh đạo quận Tây Hồ, dự kiến sẽ được tổ chức ngay cuối tháng này.

Ông hào hứng khi khẳng định, đây là một không gian văn hóa có chiều sâu vừa mang ý nghĩa tâm linh của quá khứ hào hoa, vừa mang tiềm năng phát triển của đô thị hiện đại ví như cô gái đẹp đang dần được đánh thức.

Hồ Tây, viên ngọc quý của Hà Nội, chẳng những được ví như lá phổi xanh mà còn là điểm đến yêu thích của mọi du khách cũng như của chính người dân Thủ đô mỗi ngày. Như một "hot trend" chưa bao giờ hết "hot" của giới trẻ Hà Nội hôm nay: Vui, lên hồ Tây; buồn, lên hồ Tây; gặp bạn bè, lên hồ Tây; hẹn hò yêu đương, lên hồ Tây; không có việc gì cũng lên hồ Tây...

Cũng đã từ lâu, hồ Tây đi vào nhạc, vào thơ và trong ký ức khó mờ phai của bao lớp người Hà Nội. Trong tập thơ “Tây Hồ bát cảnh” xướng họa bằng tiếng Hán của tác giả Lê Vĩnh Hựu (thế kỷ XVIII) đều đã thấy quanh hồ Tây là những vùng danh thắng làm say đắm lòng người.

Với bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng Cổ, Phật say làng Thụy, sâm cầm rợp bóng, đồng bông Nghi Tàm, chợ đêm Khán Xuân và tiếng đàn hành cung… đã khiến nguồn cảm hứng của thi nhân xưa và nay luôn dạt dào cảm xúc mỗi khi nhắc đến nơi này.

Ấy vậy mà có một dạo chưa xa, rác và những câu chuyện đời thường ồn ào đã làm bẩn lá phổi Hà thành. Những đứa trẻ của thế hệ 7X, 8X còn chứng kiến cảnh hồ Tây bị lấn chiếm ra sao. Đi ngay trên đường ven hồ từ sau Xưởng phim số 4 đường Thụy Khuê đã thấy lau lách um tùm.

Sau Trường Chu Văn An là dãy nhà lá lụp xụp, chằng chịt dây phơi như mạng nhện. Đường vào chùa Trấn Quốc, con đường đất mảnh như sợi chỉ, hai bên lau lách che lối. Đền Cẩu Nhi, đối diện hồ Trúc Bạch cũng là một ốc đảo cây cối rậm rạp, cò về la đà đậu trĩu mặt nước…

Đó cũng là quãng thời gian vợ chồng anh Trần Tiến Hùng, chị Trương Thị Thúy Vân, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) gắn bó hằng ngày với việc làm sạch mặt nước hồ Tây.

Anh Hùng vẫn nhớ, rác lấn chiếm khiến dòng nước ven hồ không có chỗ lưu thông. Mỗi ngày, công nhân vệ sinh phải dọn hàng tấn rác nhưng vẫn không xuể vì hàng quán và những nhà dân ven hồ thiếu ý thức xả thẳng ra mặt nước...

Sau đó, công cuộc dọn sạch hồ Tây được Quận ủy, UBND quận Tây Hồ và Thành đoàn Hà Nội phát động. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến nhớ lại, trong nhiều ngày, dù nắng cháy da hay trong tiết gió mùa lạnh ngắt, hàng nghìn lượt thanh niên Thủ đô và quận Tây Hồ đã dầm mình dọn rác, vớt cá chết. Khó khăn chất chồng khó khăn nhưng không vì thế mà làm nhụt khí thế của những thanh niên tình nguyện Thủ đô khi đó.

Hồ Tây được trả lại vẻ phong quang, sạch đẹp, cũng là lúc các cấp chính quyền, đơn vị quản lý phải đưa ra lời giải cho bài toán phát huy hiệu quả khai thác và sử dụng trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội từ viên ngọc quý “độc bản” này.

ho-tay-1.jpg
Một góc đầm sen bên phố Trịnh Công Sơn.

Tiềm năng được đánh thức

Phố Nguyễn Đình Thi là con phố mới. Mới so với sự lô xô khấp khểnh và xinh xinh của những phố hàng cũ trong diện tích be bé chưa đến cây số vuông ven hồ Hoàn Kiếm. Nhưng “hậu sinh khả úy”, từ năm 2015 đến nay khi có tên chính thức, con đường dạo ven hồ đó đã như cô gái đẹp thức tỉnh. Thức tỉnh trong nếp nghĩ và tư duy làm giàu, làm đẹp của những con người mới. Cả phố trở thành phố cà phê với những dãy quán “đắc địa” nhìn thẳng ra mênh mang sóng nước.

Một lớp người thanh tân đang rất biết tận dụng địa lợi để quảng bá du lịch hồ Tây khi khai phá hết vị ngon của ly cà phê theo cách pha rất Hà Nội hay chén trà sen hồ Tây… Trong lúc người lớn nhẩn nha ngắm cảnh, ngắm hồ thì con trẻ buông bỏ thứ điện thoại gây hại, say mê sáng tác tô tượng thạch cao với muôn hình muôn vẻ nhân vật.

Một góc hồ Tây hôm nay đã hoàn toàn mờ phai hình ảnh tù mù quán cóc góc đường Thanh Niên, nhàn nhạt hương vị ốc hồ Tây trong quán ốc cửa Xưởng phim số 4 đường Thụy Khuê ngày nào mà sáng bừng với cả ngàn lẻ một phong cách đẹp đẽ của các quán cà phê hiện đại. Và điều đặc biệt hơn, ẩn chứa sau đó là những câu chuyện nhân văn đẹp đẽ, ấm áp tình người bên bờ hồ lộng gió.

Cả phố Nguyễn Đình Thi có khoảng hơn hai chục quán cà phê thì gia đình, họ hàng chị Nguyễn Thị Kim Thùy, chủ quán cà phê Moon số 117 phố Nguyễn Đình Thi có tới 12 quán tất cả. Cà phê tô tượng, thú vui mới cho giới trẻ Hà Nội dường như có gốc gác xuất phát từ đây.

Trước thềm năm mới Giáp Thìn, khi thấy quanh mình còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, trời lạnh thiếu quần áo ấm, bữa ăn khi đói, khi no, chị Thùy đã kêu gọi hệ thống quán nhà và một quán cà phê dọc phố Nguyễn Đình Thi tổ chức thi tô tượng để đấu giá, dành toàn bộ phần tiền quyên góp lo Tết ấm no cho các em.

Góc phố Trịnh Công Sơn đối diện phía bên hồ, khu vực gần Công viên nước hồ Tây cũng rộn ràng với hoạt động của phố đi bộ cuối tuần.

Trong phồn hoa rực rỡ vẫn luôn còn xúc cảm lắng đọng của người dân phố thị ngồi ngay bên hồ, bên những đầm sen thơm ngát tháng 5, thưởng thức ly trà sen hồ Tây chính hiệu. Xa xa là góc đường Trích Sài vẫn còn đôi ba quán bia cỏ có đặc sản cá kìm, loại cá trong suốt mảnh như sợi chỉ chập lại, đặc sản hồ Tây. Cá khi vớt lên chỉ cần nhúng qua chảo mỡ đang nóng già là có thể thưởng thức cùng bia chở bằng xích lô từ đường Hoàng Hoa Thám về.

Lên hồ Tây ngắm cảnh, thưởng thức món ngon là thú vui của nhiều thực khách, đặc biệt là những ai muốn khám phá Hà Nội một cách trọn vẹn. Ngoài các nhà hàng truyền thống nổi tiếng đã lâu như bánh tôm, phở cuốn hay các quán mới du nhập gần đây là chân gà nướng, bún đậu mẹt, canh bún cua, bánh bột lọc…, “bản đồ” ẩm thực hồ Tây sẽ là khuyết thiếu nếu không nhắc đến món bánh giò.

Cửa hàng bánh giò “Cô béo” nằm gần Vườn hoa Lý Tự Trọng, đoạn ngay đầu đường Thanh Niên giao với Thụy Khuê. Thực khách sành sỏi cảm nhận vị béo từ nhân thịt tươi băm nhuyễn, quện cùng mộc nhĩ, nấm hương và thật nhiều hạt tiêu được nêm nếm khéo. Vỏ bánh tan trong miệng, chứ không hề bị cứng đanh như nơi khác.

Bên cạnh mỗi con người Tây Hồ đang gìn giữ những nét văn hóa riêng trong từng nết ăn, nết ở, thì trong những năm qua, công tác bảo đảm trật tự đô thị và vệ sinh môi trường đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo, duy trì thực hiện thường xuyên.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến khẳng định, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn quận đã có nhiều chuyển biến tích cực. Diện mạo phố, phường, cảnh quan hồ Tây có nhiều thay đổi. Từ chủ trương đến thực tiễn, ông Khuyến chia sẻ, dự kiến ngay trong tháng 5 này, quận tổ chức hội thảo, lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các đơn vị quản lý nhằm đánh giá tiềm năng, từ đó khai thác, phát huy tối đa lợi thế phát triển du lịch hồ Tây.

Ai về hồ Tây tháng 5 này đều cảm nhận nhịp sống Hà thành sôi động căng tràn như những mùa hoa khoe sắc trên những con đường ven hồ. Ngày mới, bình minh vừa ló rạng, những con người lại cần mẫn làm sạch đẹp hồ Tây. Hình ảnh này hòa làm một với sự thảnh thơi của nam phụ lão ấu thể dục mỗi sớm mai và nhịp sống hiện đại, sôi động đang bừng lên trong mênh mang cảnh sắc và những huyền thoại Tây Hồ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháng 5, về lại hồ Tây...