Tiếng dương cầm trong đêm vắng

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ| 05/02/2023 07:13

(HNMCT) - Những ngón tay của người nghệ sĩ già lướt nhẹ nhàng như múa trên phím đàn. Không gian tràn ngập âm thanh bổng trầm, lúc nhanh lúc chậm, lúc lặng đi rồi chợt hối hả ào ạt như dòng thác khiến người nghe hồi hộp đợi chờ những nhịp độ bất ngờ tiếp theo. Trên tầng hai căn nhà cũ, nghệ sĩ dương cầm Văn Tâm đang say sưa độc tấu. Ông chơi đàn hàng đêm. Vừa như để ôn lại ngón đàn, vừa như để thỏa sự mê đắm bởi những giai điệu và tiết tấu của những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Đối diện ngôi nhà của nghệ sĩ Văn Tâm là dãy nhà hai tầng của Trung tâm hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân trầm cảm, rối loạn nhận thức và cảm xúc. Đêm nào bác sĩ Luyến cũng đi từng phòng kiểm tra giấc ngủ của từng bệnh nhân. Bà nhận thấy hầu hết bệnh nhân đều dường như hướng về phía ngôi nhà đối diện, lắng tai nghe tiếng dương cầm thánh thót, văng vẳng mỗi đêm. Cả phòng rất trật tự. Rồi họ đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng, êm đềm. Những đêm vắng tiếng dương cầm, gần như cả phòng thao thức, trằn trọc. Có người ngồi lừng lững trên giường tới sáng, có người đi lại quanh phòng hò hét, lảm nhảm những câu vô nghĩa, thậm chí còn chửi tục, nói năng bậy bạ. Bác sĩ Luyến hiểu rằng nếu mất ngủ kéo dài sẽ khiến cơ thể họ nhanh chóng suy nhược, kéo theo hàng loạt triệu chứng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quá trình hồi phục.

                                                            ***

Hai năm trước.

Đề tài nghiên cứu khoa học “Tác dụng của âm nhạc trong điều trị trầm cảm và rối loạn cảm xúc” do bác sĩ Ngọc Luyến làm chủ nhiệm đã được cấp trên phê duyệt. Khi thực hiện, bác sĩ Luyến cùng cán bộ Trung tâm đã sang nhà nghệ sĩ dương cầm đặt vấn đề mời ông tham gia cố vấn đề tài. Nghệ sĩ Văn Tâm phấn khởi, vui vẻ nhận lời. Ông bảo, nếu làm được việc gì có ích cho sức khỏe bệnh nhân, ông sẵn sàng làm vô điều kiện. Vợ nghệ sĩ Văn Tâm, bà Thúy Linh là y tá tại một bệnh viện trong thành phố, cũng tỏ ra hồ hởi. Bà còn nói nếu cần, bà có thể hát cho bệnh nhân nghe một vài bài như “Cô gái vót chông”, “Bài ca hy vọng”, “Em là hoa Pơ lang”... Tuy giọng bà không được như ca sĩ chuyên nghiệp nhưng chắc sẽ truyền cảm bởi thời trẻ đi thanh niên xung phong bà từng tham gia văn nghệ xung kích nơi tuyến lửa.

Sau đó, có đôi lần vợ chồng nghệ sĩ Văn Tâm khiêng cả đàn dương cầm sang Trung tâm biểu diễn phục vụ bệnh nhân. Lúc ông độc tấu tác phẩm “Bài ca hy vọng”, vài bệnh nhân ngồi phía dưới say sưa hát theo: “Về tương lai, đàn chim ơi! Cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu”... Bác sĩ Luyến cùng các chuyên gia y tế ngồi phía sau tỏ ra xúc động. Đề tài nghiên cứu có lẽ đã có hiệu quả bước đầu. Bệnh nhân tiếp xúc với âm nhạc dường như yêu đời hơn, bớt đi những căng thẳng, bức bối trong đầu họ.

Do kinh phí hạn hẹp và một số trở ngại khác nên việc thực hiện đề tài dang dở, không được như kế hoạch. Nghệ sĩ Văn Tâm vẫn giảng dạy tại trường nhạc, bà Thúy Linh đang công tác tại bệnh viện nên không thể thường xuyên sang Trung tâm biểu diễn được. Sinh hoạt âm nhạc giúp bệnh nhân mau lành chỉ được diễn ra một năm đôi ba lần vào giáp Tết hoặc dịp kỷ niệm thành lập Trung tâm. Nhiều nhóm nghệ sĩ, ca sĩ đến Trung tâm không chỉ biểu diễn, mà còn mang theo những cuốn sách nhạc và hướng dẫn bệnh nhân cách chơi nhạc cụ với những bản nhạc đơn giản. Một số bệnh nhân hào hứng học và tập tọe chơi được nhạc cụ với mấy bài ca quen thuộc như “Ru con”, “Cô gái vót chông”, “Xuân chiến khu”, “Anh vẫn hành quân”... Số bệnh nhân còn lại thích nghe nhạc nhưng hờ hững với việc học đàn. Họ ngồi nhìn các bệnh nhân khác đánh đàn với ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục.

Rồi việc học nhạc cụ của bệnh nhân theo thời gian cũng dần dần lơi lỏng bởi nhiều lý do. Người thường học chơi đàn còn khó, huống hồ họ là bệnh nhân rối loạn về cảm xúc và nhận thức. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là sự nhàm chán, thiếu sự khích lệ cần thiết từ nhiều phía. Bác sĩ và cán bộ Trung tâm không thạo chuyên môn âm nhạc. Họ chỉ biết động viên, khuyến khích bệnh nhân... Nhưng qua theo dõi, có một điều mà bác sĩ Luyến nhận thấy rất rõ là: Dù ban ngày bệnh nhân có biểu hiện bệnh hoặc sinh hoạt không bình thường, nhưng đêm nào dường như họ vẫn chờ mong tiếng đàn dương cầm vọng sang từ căn nhà đối diện. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt, thánh thót trong đêm như đưa họ vào giấc ngủ với sự tưởng tượng rất khác nhau ở mỗi người, với những ước mơ hẳn là rất đẹp. Tiếng dương cầm trong đêm tựa như một liều thuốc, một liệu pháp thần kỳ đối với bệnh nhân mà đến nay bác sĩ Luyến, dù đã đọc rất nhiều tài liệu khoa học nhưng vẫn thấy nhiều điều bí ẩn chưa thể cắt nghĩa một cách rành rẽ và thuyết phục về tác dụng của âm nhạc đối với căn bệnh này.

                                                     ***

Một đêm, bỗng vắng tiếng dương cầm.

Đối với bác sĩ Luyến đó là một đêm thật khủng khiếp. Hầu hết bệnh nhân chồm dậy, không chịu nằm yên. Họ đập tay đập chân xuống giường ầm ầm. Có người hát rống lên mấy câu ca không đầu không cuối. Có người chạy quanh phòng nhiều vòng, miệng ư ử theo giai điệu nào đó. Phòng bệnh hỗn loạn khiến bác sĩ Luyến cùng cán bộ, điều dưỡng của Trung tâm mệt nhoài với việc vỗ về, thủ thỉ từng người, dìu họ lên giường, gãi tóc, xoa lưng cho họ ngủ. Bác sĩ Luyến đã phải hát trọn ca khúc “Bài ca hy vọng” nhưng vừa hát dứt lời thì mọi sự đâu lại vào đấy. Có lẽ phải đến gần sáng, chắc bệnh nhân đã mệt nên căn phòng mới tạm thời yên ắng.

Hôm sau, bác sĩ Luyến tất tả sang nhà nghệ sĩ Văn Tâm cầu cứu. Bà Thúy Linh đi vắng. Nghệ sĩ cũng không có nhà. Chiều muộn, bác sĩ Luyến lại tìm sang nhà nghệ sĩ. Bà Thúy Linh cho biết chồng bà đi thành phố Hồ Chí Minh tham gia ban giám khảo một cuộc thi piano kết hợp hướng dẫn ôn luyện cho một vài sinh viên, ít nhất phải một tuần mới về. Bác sĩ Luyến lo lắng:

- Những một tuần?!... Đêm không nghe được tiếng đàn của bác trai, bệnh nhân bên Trung tâm không chịu ngủ. Mà đối với căn bệnh này, mất ngủ là một mối nguy hiểm, tàn phá sức khỏe ghê gớm, thậm chí biến chuyển của bệnh nặng lên rất nhanh.

Bà Thúy Linh suy nghĩ một lát, rồi chậm rãi:

- Gay go quá nhỉ. Hay là tôi gọi điện nói ông ấy ủy quyền cho nghệ sĩ khác làm nốt việc để bay ra ngay?

- Ôi, thế thì tốt quá! Trung tâm chúng tôi thật mang ơn lớn đối với sự giúp đỡ của hai bác. Bác ơi, đêm qua hầu hết bệnh nhân bên Trung tâm không ngủ chỉ vì vắng tiếng đàn của bác trai thôi đấy!

Và đêm hôm đó lại là đêm trắng với các thầy thuốc và bệnh nhân của Trung tâm.

Bác sĩ Luyến mắt quầng thâm, gương mặt hốc hác trông thấy. Lại dỗ dành, vỗ về, xoa dịu từng bệnh nhân cho tới gần sáng họ mệt mới chịu ngủ. Đầu giờ sáng bác sĩ Luyến đã bấm điện thoại gọi cho bà Thúy Linh. Vợ nghệ sĩ trả lời: “Tôi gọi cho ông nhà tôi rồi. Ông ấy đồng ý. Chắc chiều nay sẽ bay ra”. Bác sĩ Luyến hồi hộp, chờ đợi thời khắc màn đêm buông xuống.

Đúng cữ giờ ấy, tiếng đàn dương cầm từ căn nhà đối diện lại vẳng sang Trung tâm. Đêm nay, âm thanh của tiếng đàn dường như vang hơn, âm lượng lớn hơn mọi khi. Vẫn những bản nhạc quen thuộc như “Serenade”, “Bài ca hy vọng”, “Làng tôi”... Âm thanh thánh thót vang trong màn đêm. Không ai bảo ai, tất cả bệnh nhân nằm yên trên giường, mắt lim dim, tai lắng nghe tiếng đàn vọng sang. Bác sĩ Luyến mỉm cười một mình. Đêm thanh thản, bình yên quá. Vậy là nghệ sĩ đã bay ra như lời bà vợ nói. Ông thật xứng đáng được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vì đã mang nghệ thuật cống hiến vô điều kiện cho sức khỏe của người bệnh...

***

Rồi dịch Covid-19 tràn vào thành phố. Trung tâm thực hiện cách ly phòng dịch theo quy định chung. Một số bệnh nhân cũ đã tạm hồi phục được về với gia đình, thay vào đó là lớp bệnh nhân mới. Hằng đêm, tiếng dương cầm vẫn ru bệnh nhân vào giấc ngủ êm đềm với giai điệu thánh thót từ căn nhà đối diện.

Trong đại dịch, có khoảng bốn, năm đêm vắng hẳn tiếng dương cầm khiến sinh hoạt của bệnh nhân bị đảo lộn. Bác sĩ Luyến gọi điện cho bà Thúy Linh nhiều lần nhưng không liên lạc được vì “ngoài vùng phủ sóng”. Dịch giã phức tạp nên bác sĩ Luyến không tiện sang nhà nghệ sĩ. Những đêm không có tiếng dương cầm lại là những đêm mệt mỏi và khủng khiếp đối với cả bệnh nhân, bác sĩ và cán bộ Trung tâm. Rồi sau đó, tiếng dương cầm lại vang lên đều đặn hằng đêm với âm lượng lớn hơn, âm thanh vang hơn, bệnh nhân dường như nghe rõ hơn...

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Trung tâm, bác sĩ Luyến cùng nhân viên mang theo hoa quả, bánh kẹo sang nhà nghệ sĩ Văn Tâm thăm, cảm ơn hai vợ chồng ông đã giúp Trung tâm suốt thời gian qua. Bác sĩ Luyến sững người khi trên ban thờ nghi ngút khói hương là di ảnh nghệ sĩ Văn Tâm. Ông không may mắc Covid-19 và không qua khỏi hồi đầu năm.

Bác sĩ Luyến nắm chặt bàn tay bà Thúy Linh, mắt rưng rưng, môi mấp máy không nên lời. Rồi bà Thúy Linh nghẹn ngào kể về việc những lúc vắng ông, bà đã bật băng ghi âm những bản nhạc ông độc tấu, quay thùng loa sang phía Trung tâm để bệnh nhân nghe được rõ hơn, mong họ có giấc ngủ êm đềm trong tiếng dương cầm quen thuộc văng vẳng trong đêm vắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng dương cầm trong đêm vắng