Xã Thanh Liệt - quê hương của thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) là miền quê có truyền thống hiếu học. Ngày nay, xã Thanh Liệt có tốc độ đô thị hóa nhanh, sản xuất nông nghiệp cơ bản không còn, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng thương mại và dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt 960 tỷ đồng.
Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã đầu tư hoàn thiện các tiêu chí. Đến nay, Thanh Liệt đã có 100% số thôn có nhà văn hóa, sân thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ, thể thao của nhân dân.
Thanh Liệt có chợ hạng 3 được thành phố phân hạng và được thành phố công nhận chợ văn minh, thương mại, an toàn thực phẩm. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, hầu hết người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã đều sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, sử dụng dịch vụ 3G, 4G...
Tại xã Hữu Hòa, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Bí thư Chi bộ thôn Hữu Từ (xã Hữu Hòa) khẳng định, nông thôn mới là của nhân dân, nhân dân là người thực hiện và là đối tượng hưởng lợi từ chương trình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ: "Trước kia, môi trường ở thôn rất ô nhiễm. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, thôn đã cải tạo các ao, hồ trở thành khuôn viên đẹp. Có ao, hồ còn trở thành hồ bơi cho trẻ em tắm mát mùa hè. Cả 6 xóm của thôn đều có các điểm vui chơi công cộng, trong đó 4 xóm có dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời. Chung sức xây dựng nông thôn mới, nhân dân cũng đã tự nguyện xã hội hóa trang thiết bị nhà văn hóa".
Tam Hiệp là xã nhỏ với diện tích tự nhiên gần 320ha. Từ năm 2012 đến năm 2020, địa phương đã thực hiện được 17 dự án xây dựng hạ tầng; giai đoạn 2021-2025, xã tiếp tục triển khai thực hiện 5 dự án, trong đó đã có 4 dự án hoàn thành với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bí thư Đảng uỷ xã Tam Hiệp Phạm Tiến Đạt cho biết, nhờ nguồn vốn đầu tư, xã đã hoàn thiện 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2022. Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm; trên địa bàn xã không có hộ nghèo…
Tại hội nghị thẩm định nông thôn mới nâng cao ở 3 xã: Thanh Liệt, Hữu Hòa và Tam Hiệp, Phó Chánh văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Ngọ Văn Ngôn cho biết, so với các xã được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, các xã của huyện Thanh Trì đạt kết quả nổi bật nhất, các tiêu chí đều có số điểm gần như tuyệt đối. Kết quả đạt được là sự ghi nhận rất lớn những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã và của huyện Thanh Trì.
Đồng chí Ngọ Văn Ngôn cũng đề nghị địa phương bổ sung hồ sơ minh chứng vào báo cáo để Đoàn thẩm định báo cáo Hội đồng thẩm định thành phố xét, công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của Đoàn thẩm định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng khẳng định sẽ hoàn thiện lại báo cáo theo gợi ý của đại diện các sở, ngành. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Thanh Trì tiếp tục chỉ đạo các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với thực hiện tiêu chí lên phường, huyện lên quận.
Sau 2 ngày đánh giá, chấm điểm xã nông thôn mới nâng cao (ngày 6 và 7-3), huyện Thanh Trì đã có thêm 6 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Ngày mai, 8-3, Đoàn thẩm định của thành phố tiếp tục đánh giá, chấm điểm xã nông thôn mới nâng cao tại 2 xã: Tân Triều và Tả Thanh Oai.