Trong những ảo ảnh

Phạm Giai Quynh| 07/05/2023 05:59

(HNMCT) - Tôi mơ mình đứng giữa rừng, dưới chân là những đọt rau mùi tàu lún phún, đất ẩm, vòm không lạnh. Càng đi sâu nhiệt độ càng giảm, loáng thoáng bóng một con đình đình vụt qua rồi mất hút trong bụi cỏ, màu sắc lẫn với nơi mà nó bám vào, nếu không quan sát thật kỹ thì không thể phát hiện được. Có tiếng bà ngoại gọi đằng xa.

Minh họa: Lưu Châu Minh

Người ta rất dễ lạc đường trong rừng, những lúc như vậy chỉ có thể nhân lúc trời còn chưa tối, dò bước lên đỉnh núi để quan sát, đường mòn do dân đi rừng vạch ra hiện lên nom vằn vện như con trăn thường nằm phơi nắng ven đê nơi chúng tôi đi học, cứ thế vạch lá mà đi một mạch thì sẽ tìm được đường cái. Côn trùng và ếch nhái ùa ra, kêu ran theo mỗi bước chân khiến ta phân tâm, thảng hoặc có tiếng sột soạt trong bụi cây sau lưng, nghe nói nếu ngoảnh đầu lại khi nghe thấy tiếng động trong rừng đêm, hồn vía sẽ bị ma núi bắt đi. Một cơn gió lùa vào lòng rừng, kéo theo từng đợt sóng kỳ quái, như muốn đuổi kẻ đã xâm phạm sự tĩnh lặng của mình. Núi cao sông sâu, rừng rậm âm sâm, vạn vật sinh ra và chết đi ở đây, cuối cùng ẩn mình vào lòng đất rồi lại tái sinh từ đó.

Rừng - người, đồ rằng có một mối liên hệ sâu sắc mà bí ẩn, thuộc về quá khứ phát triển hàng vạn năm, chẳng thể nói hết trong một đôi dòng, hoặc có lẽ cách có thể giải thích rốt ráo nhất của nó là “vô ngôn”. Thậm chí, có đôi khi tôi cảm thấy thành phố và rừng không khác nhau là mấy, đời người như cây, sinh ra từ hư không rồi lại trở về với hư không.

Dân ở núi hiền lành chất phác, có trong tay một căn nhà, dăm sào ruộng, một khung cửi vuông, tự cung tự cấp, mùa nào ăn thức nấy. Sáng sớm thức dậy khi trời còn chưa tỏ, lục tục ra vườn hái rau, những nhành hoa dại chen lẫn với hai bụi nhài cánh đơn của ông ngoại đương độ bung nở, nom cũng đáng yêu. Con mèo mướp thấy động bèn quẩn theo chân người, gió xuân ẩm hơi se lạnh, kéo cao cổ áo ngước nhìn vòm không dần chuyển sang màu bụng cá, rồi ánh lên sắc vàng của nắng le lói phía xa. Bà ngoại nổi lửa, chuẩn bị nấu nướng, khói bện trong không trung thành những mắt đan ken dày, đan cả vào hồi ức tuổi thơ ngày một trở nên mơ hồ. Lớp thủ công có bài tập về nhà, đều là những món đồ cần thêu thùa may vá, bà tôi khéo tay, dạy tôi diềm gối, mạng lại gấu áo gấu quần. Sau nhà có vườn na, có thể thông qua đó tới được trường tiểu học, khi tan lớp đám trẻ trong khu hay chơi trốn tìm ở đó, kể cho nhau những chuyện ma quái viển vông, hoặc lục lọi bánh kẹo trong nhà và chơi đồ hàng với nhau. Mấy năm sau, tôi chuyển về núi, bạn bè tứ tán chẳng bao giờ gặp lại, thảng hoặc nhớ lại cứ như chuyện xảy ra từ kiếp trước.

Bây giờ ở thành thị náo nhiệt, đôi lúc chợt ngẫm ra, cảnh ấy chợt khiến tôi nghĩ đến một câu của Trương Triều trong U Mộng Ảnh: “Gặp đời thái bình, sinh nơi non nước, quan trên thanh liêm, gia đạo sung túc, lấy vợ hiền thục, sinh con thông minh. Đời người như thế, có thể nói là trọn phúc”. Tiếc thay, tuổi trẻ khí thịnh không tỏ được chân ngôn, mãi khi trải qua bãi bể nương dâu mới hay những cảnh khói bếp cơm chiều bình dị lại là nơi nương náu trong đời, hiềm nỗi đã qua là chẳng thể trở lại.

Mùa xuân năm nay dài hơn mọi năm. Đường xuống núi ngập trong màu xanh mỡ màng. Tảng sáng, hơi nước đọng ẩm trên lá cành, phủ lên những tấm mạng được lũ nhện vàng giăng suốt đêm rồi bắt sáng lấp lánh. Nắng như trái mọng rơi xuống vỡ tan, tung ra nhòa trên các đọt mạ non khiến mùi hương thanh tân ngọt ngào bung tỏa như được bàn tay của một nghệ nhân chế hương chan hòa, loang khắp vòm không thăm thẳm. Trời chớm ấm, hẳn có mấy trái mâm xôi trong lòng suối cạn trên đồi cạnh nhà tôi năm xưa đã bắt đầu trở đỏ, chín mọng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong những ảo ảnh