Bền vững văn hóa làng
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam từng khẳng định: “Lịch sử Hà Nội là lịch sử phát triển của một đô thị từ làng lên phố và trong phố có làng”. Quả thật, với vị thế Thủ đô của cả nước, từ rất lâu, Hà Nội đã là “mảnh đất vàng” để người dân bốn phương tụ hội về đây làm ăn, buôn bán rồi lập nên “ba mươi sáu phố phường”. Nhà văn Đỗ Phấn trong tác phẩm “Nhập cư Hà Nội” đã viết: “Đã có rất nhiều sách vở ca ngợi mảnh đất Hà Nội như một nơi hội tụ đầy đủ những nét đẹp, cư xử thanh lịch, lối sống chậm rãi, tôn trọng khác biệt của con người nơi đây. Thế nhưng truy nguyên nguồn gốc đến tận cùng thì những nét đẹp ấy chính là từ nơi khác mang đến”.
Nhắc lại để lý giải vì sao cho đến tận bây giờ, mối quan hệ giữa “phố” và “làng”, “văn minh đô thị" và "văn hóa làng” vẫn song hành, hòa quyện với nhau, đan xen nhau trong kiến trúc, lối sống, hành vi ứng xử, lề thói của đất và người Hà Nội. Phố vẫn thấp thoáng mái chùa, vẫn hội hè, đình đám. Tâm thức làng ẩn hiện trong từng con phố, trong mỗi gia đình. Vẫn còn đó những buổi chiều những người cao tuổi quây quần bên sân đình trò chuyện, hỏi han nhau, vẫn còn đó những bà cụ áo phin nõn bên ấm trà ủ khéo tại quán nước ven đường, bà hàng xén vẫn bán giá phân biệt “người làng” với “người thiên hạ”... Tính cộng đồng trong phạm vi làng xã vẫn tồn tại, truyền thống “tương thân tương ái”, tình làng, nghĩa xóm, lối sống nhân ái “lá lành đùm lá rách”, “tắt lửa tối đèn có nhau”... vẫn được thể hiện mỗi khi có biến cố xảy ra... Đặc biệt, nền nếp, gia phong được rèn giũa qua biết bao thăng trầm ở nơi này nơi kia vẫn không bị cách sống nơi phồn hoa làm cho phai nhạt. Nó vẫn ôm trong mình những dấu tích để minh chứng cho một nền văn hóa bền vững đến lạ lùng.
Văn hóa làng - văn hóa thị dân
Thế rồi, tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, làng đua nhau lên phố. Kinh tế phát triển nhưng nếp sống văn hóa không kịp theo. Lối sống tiểu nông, tùy tiện trong ứng xử nơi công cộng là một ví dụ điển hình cho cái chất “thôn làng” đôi lúc lại trỗi dậy trong cung cách ứng xử của "người hàng phố”.
Cũng chả trách được. Một con đường đi qua, hai người cùng làng bỗng trở thành xa lạ bởi đã thuộc hai tổ dân phố khác nhau. Những cơn sốt đất thổi qua làng khiến nhiều người giàu lên nhanh chóng. Những con đường bê tông phẳng phiu dần thay thế những ngõ hẹp lát gạch ẩn chứa lệ làng, những ngôi nhà cao tầng đủ kiểu kiến trúc dần thay cho những nếp nhà ba gian hai chái hằn trong ký ức... Đáng nói hơn, trong nếp nghĩ của nhiều người, nhất là giới trẻ, truyền thống “kính trên, nhường dưới”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”... cũng dần phôi pha. Đụng chạm một chút đã có thể “lời qua tiếng lại”, thậm chí “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.
Huyện Đông Anh từ lâu đi đầu trong xây dựng nếp sống văn hóa, nhưng khi nhớ về nếp xưa nhiều người không khỏi ngậm ngùi. Ông Hoàng Văn Linh (thôn Phúc Hậu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh) kể: “Trước đây, gia đình nào có đám cưới, chỉ cần "ới" một tiếng là làng xóm tụ tập, mỗi người một chân một tay là có vài chục mâm cỗ, nay cỗ bàn đều đi thuê hoặc kéo nhau ra nhà hàng. Khách đến ăn cỗ, phong bì bỏ vào thùng, bắt tay chủ nhà một cái rồi về. Ngày giỗ chạp, lễ tết cũng thế. Không còn cảnh đụng lợn, cả làng náo nức như xưa nữa. Giờ nhà nào nhà nấy “ra đóng vào khóa", giậu mùng tơi cũng chẳng còn". Nghe trong giọng nói lẫn cả tiếng thở dài.
Ở một khía cạnh khác, đô thị hóa đòi hỏi người dân cũng phải chuyển động song hành, phải tự trang bị cho mình một lối sống, cách ứng xử khác hẳn với trước kia. Tuy nhiên, cái tư duy “đất lề quê thói” của người làng thì còn đó. Dẫu đã là thị dân nhưng cách ứng xử của văn hóa làng vẫn đậm đặc, trọng tình hơn lý. Chính điều này đã tác động ngược trở lại, ảnh hưởng đến văn minh đô thị, thể hiện rất rõ trong văn hóa giao thông. Với quan niệm "đường ta, ta cứ đi” cùng lối sống tùy tiện, những thị dân này muốn “tiện” nên vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Chuyện xả rác bừa bãi trên đường, dù phố không thiếu thùng rác công cộng, không còn là chuyện lạ. Nhà văn Trần Chiến viết trong tác phẩm “Hà Nội nhìn từ nhà quê” thế này: “Tôi thường có ý nghĩ “thương” Hà Nội, nhất là khi ra đường. Thành phố gì mà chen chúc, nhem nhếch, vứt rác ra đường, đang đi gặp người quen đứng lại nói chuyện cản trở giao thông... đều hồn nhiên. Quê quá!...”. Rồi nhà văn đúc kết: “Cũng chỉ vì, hai quá trình thành thị hóa nông thôn, nông thôn hóa thành thị cứ tồn tại song song, “tranh đấu” với nhau, một người trở nên “thanh lịch” thì lại thêm hai ba người về nhà không đóng cửa, ăn nói mở đài cứ oang oang”...
Kết nối bền chặt cá nhân với cộng đồng
Từ lâu, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa làng luôn được khẳng định. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập và đổi mới như ngày nay, Đảng và Nhà nước luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mà cốt lõi là văn hóa làng, luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chiến lược và định hướng phát triển văn hóa dân tộc một lần nữa còn được khẳng định trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam... Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại".
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, người dân xưa thường sống theo lệ làng, tuân thủ nghiêm túc những quy tắc rất chặt chẽ của làng trong các lĩnh vực như thờ cúng, làm ăn... Bên cạnh lệ làng, người dân còn bị các mối quan hệ khác ràng buộc và ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi ứng xử như quan hệ với làng xóm, thông gia, họ hàng... Nhưng khi họ rời làng đến một không gian có thiết chế lỏng lẻo hơn, các mối quan hệ không còn chặt chẽ như ở làng khiến cách ứng xử của họ cũng khác đi. Chính vì thế, trong công cuộc đổi mới hiện nay, để văn hóa làng phát huy được nét đẹp và giá trị vốn có, chúng ta cần tiếp tục xây dựng hương ước, hay nói cách khác là xây dựng một hệ thống quy chuẩn ứng xử văn hóa chặt chẽ. Đồng thời, chúng ta cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các nét đẹp của văn hóa làng như tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, “tắt lửa tối đèn có nhau”, nền nếp, gia phong... để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu, từ đó rõ ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp của văn hóa dân tộc.
Làng lên phố và quá trình đô thị hóa là không thể tránh, nhưng dẫu không gian làng có đổi thay thì văn hóa làng vẫn là sợi dây kết nối bền chặt mỗi cá nhân với cộng đồng. Và để gìn giữ, phát huy giá trị đẹp đẽ của văn hóa làng cần có một sự dung hòa. Như nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Đạo Thúy từng khẳng định: “Ai cũng thấy là vẻ “thanh lịch của Trường An” là phải giữ gìn. Mỗi thời có một luồng người địa phương hay đến kinh kỳ, đem những tinh hoa của quê nhà góp vào phong cách Thủ đô, nhưng cũng thấy ngay là cần phải quen với vẻ thanh lịch của đất kinh kỳ, mới thành người Thủ đô thật”.